Càng thương đau, càng bản lĩnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vừa trở về từ Tokyo, với mối quan hệ thân tình, Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa đã dành cho Báo Gia Lai cuộc trò chuyện ngắn xoay quanh thảm họa động đất và sóng thần vừa xảy ra vào thượng tuần tháng 3 làm chết hàng chục ngàn người và tàn phá nhiều làng mạc, thành phố của Nhật Bản.
* Chào Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa, anh có sợ không khi chứng kiến trận động đất khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Nhật?
- Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa: (trầm tư) Thực lòng mà nói, tôi rất sợ! Những gì xảy ra hôm đó có lẽ tôi mãi mãi khó quên.
* Anh có thể kể lại sơ lược?
- Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa: Vâng. Vợ chồng tôi sống ở Sendai (khu vực tâm chấn P.V), hôm 10-3 tôi lên Tokyo dự một cuộc hội thảo khoa học và theo kế hoạch 2 ngày sau tôi sẽ về Việt Nam công tác. Hội thảo tổ chức ngày 11-3 ở tầng 10 và khi mọi người đang theo dõi diễn giả trình bày thì bỗng nhiên tòa nhà rung lắc mạnh. Biết là xảy ra động đất, chúng tôi liền nhanh chóng tìm chỗ nấp, chui xuống dưới gầm bàn, hoặc tìm một vật gì đó khá chắc chắn che trên đầu.
Xếp hàng mua vé ở Nhật. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Xếp hàng mua vé ở Nhật. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thường thì những trận động đất trước đó chỉ xảy ra vài phút hoặc thậm chí vài giây nhưng lần này kéo dài hơn 5 phút (mặc dù sau đó tôi mới biết chỉ là dư chấn), tòa nhà rung lắc dữ dội. Yên một chút, tất cả chúng tôi chạy xuống tầng dưới cùng, theo đường cầu thang bộ bởi đã được tập huấn khi động đất không được đi cầu thang máy. Xuống đến nơi đã thấy mọi người từ các tầng khác tập trung tại đây. Trên màn hình xuất hiện những thông tin về địa điểm xảy ra động đất.
Xin nói thêm là nếu xảy ra động đất nhẹ thì truyền hình vẫn chạy chương trình và phát một loại nhạc hiệu thay cho thông báo động đất, còn nếu động đất mạnh thì tất cả các kênh truyền hình đều ngừng để phát thông tin về trận động đất ấy.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa và vợ.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa và vợ.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa sinh năm 1982 tại TP. Quy Nhơn, Bình Định. Anh thi đậu vào Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh và đang học năm thứ hai thì tháng 4 năm 2003 được học bổng sang Nhật học Trường đại học Tohoku ở Sendai, đây là một trong 7 trường đại học lâu đời và lớn nhất Nhật Bản. Sau đó anh tiếp tục nhận được học bổng thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tháng 4-2010 anh bảo vệ xuất sắc học vị tiến sĩ và sau đó tiếp tục được tài trợ làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.

Hiện anh là giảng viên của Trường đại học Tohoku và Aomori.

Biết động đất xảy ra ở Sendai và vợ tôi đang ở đó nên ruột tôi như lửa đốt. Liên lạc bằng điện thoại di động không được, tôi mở laptop liên lạc qua Email cũng không. Mạng lưới điện Tokyo lại tắt, không tàu điện ngầm, không taxi, tôi đi bộ tìm đường trở lại khách sạn cách chỗ hội thảo hơn 10 km với hy vọng dùng máy điện thoại bàn bắt liên lạc với Sendai nhưng cũng không được! 16 giờ 30 phút tôi đi bộ ra ga nhưng tàu cao tốc không hoạt động. Trời lạnh buốt. Tất cả các nhà ga tàu, nhà ga hàng không đều kín người sắp hàng mua vé chờ (vé chờ để được mua vé). Các cửa hàng, siêu thị cũng ken chặt người xếp hàng mua thực phẩm và nước uống. Mãi đến tối tôi mới liên lạc được bằng Email với một người bạn Nhật ở Sendai, anh cho biết khu người Việt chỗ vợ chồng tôi ở đã di dời xuống khu an toàn ở Miyagi, đó là những ngôi nhà trệt thường thì làm nhà thi đấu thể thao, lúc có động đất trở thành nhà tránh. Tôi liền đưa thông tin này lên mạng cho nhiều người biết để yên tâm. Hôm sau tôi mới đi đường vòng về Yamagata, cách Sendai hơn 1 giờ tàu gặp vợ tôi cùng nhóm người Việt mình ở Sendai lên.
* Điều gì để lại trong anh về trận động đất vừa qua?
- Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa: Tôi ở Nhật khá lâu và ít nhiều hiểu được những nét văn hóa đẹp của người Nhật như các bạn cũng đã biết đấy thôi, đó là sự tôn trọng người khác, tôn trọng chữ tín… Lần này trước nguy cấp của động đất, tôi lại càng khâm phục hơn bản chất văn hóa của người Nhật, đó là càng thương đau, càng bản lĩnh. Mặc dù ai cũng cần mua thực phẩm và nước uống cho mình và gửi cho người thân ở vùng thiên tai-những thứ quan trọng nhất lúc bấy giờ- nhưng họ luôn xếp hàng, trật tự, không hề xảy ra chen lấn. Ngay cả mua tấm vé chờ để được mua vé máy bay hay vé tàu cao tốc cũng vậy, cũng xếp hàng!
Tôi có người thầy là Giáo sư Seiichi Ohtaki, ông là Phó Trưởng khoa của Trường Đại học Tohoku ở Sendai. Sau động đất, hệ thống giao thông ở đây hầu như bị phá hủy hoàn toàn nhưng hàng ngày ông vẫn đi bộ gần 10 km đến trường để làm việc, ông bảo, những lúc này công việc gấp nhiều lần hơn, ông càng phải làm việc nhiều hơn…
* Anh có thể cho biết nội dung chuyến công tác về Việt Nam lần này?
- Tiến sĩ Nguyễn Chí Nghĩa: Tôi đang làm một đề tài khoa học về cho người nghèo, người khuyết tật vay vốn sản xuất-kinh doanh, theo sự tài trợ của một tổ chức ngân hàng ở Băngladet thông qua trường đại học tôi đang giảng dạy và nghiên cứu. Tôi muốn thông qua đó và bằng kiến thức đã học được ở nước ngoài làm một điều gì đó cho quê hương…
* Chúc Tiến sĩ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong nghiên cứu khoa học. Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Thanh Phong (thực hiện)



Có thể bạn quan tâm