Chưa giải mã được dấu tích văn hóa Chămpa trên tháp Bang Keng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau 4 năm kể từ khi ngành Văn hóa Gia Lai phát hiện tháp Bang Keng trên vùng đất buôn Jú, xã Krông Năng (huyện Krông Pa), tháng 6-2010 việc khai quật mới được tiến hành. Đây là một phát hiện khá quan trọng về tháp Chăm ở Gia Lai. Từ sau khi phát hiện và khai quật đến nay, ngành Văn hóa tỉnh đã triển khai một số việc để bổ sung thêm thông tin về di tích. Xung quanh vấn đề này, ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết:
Từ sau khi phát hiện và khai quật di tích tháp Chăm đến nay, ngành chủ quản đã triển khai một số việc để bổ sung thêm thông tin về di tích như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc phát hiện phế tích tháp Chăm qua tổ chức họp báo tại TP. Pleiku, Báo Gia Lai và nhiều tờ báo Trung ương đã đưa tin về sự kiện này. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với UBND, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa, UBND xã Krông Năng tuyên truyền cho nhân dân quanh vùng hiểu và bảo vệ di tích, chấm dứt việc đào bới tại di tích. Năm 2010, ngành phối hợp Trung tâm Khảo cổ TP. Hồ Chí Minh (Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) tiến hành khai quật. Sau khi khai quật, toàn bộ hiện vật đưa về Bảo tàng tỉnh để phục vụ cho trưng bày tuyên truyền về di tích và hoàn thiện công tác viết báo cáo khoa học.
Toàn cảnh khai quật Tháp Bang Keng (tháng 6-2010). Ảnh: Nguyễn Giác
Toàn cảnh khai quật Tháp Bang Keng (tháng 6-2010). Ảnh: Nguyễn Giác
* Theo chúng tôi được biết, tháp Bang Keng hiện chỉ còn là phế tích. Qua khai quật, tháp có bình diện hình vuông, mặt chính hướng về phía Đông (sông Ba), phần trong của tháp trước đó đã có dấu hiệu đào bới nên kiến trúc bị phá vỡ, phần tường phía Nam bị phá sập hoàn toàn. Điều đáng tiếc là kiến trúc cũng như các đồ vật linh thiêng đi kèm đều không còn… Vậy việc bảo vệ tháp hiện được tiến hành ra sao, thưa ông?
- Tháp Bang Keng được phát hiện từ năm 2006 khi đã là phế tích và đã bị đào bới nhiều lần. Đến năm 2010 đã tiến hành khai quật thu được một số hiện vật là gạch, ngói và gốm Chăm. Kiến trúc của tháp bị phá vỡ gần như hoàn toàn, đồ vật linh thiêng đi kèm không tìm thấy.
Sau khi khai quật, đoàn khai quật đã tiến hành gia cố kỹ thuật lòng sàn và những nơi bị đào hầm ếch, đồng thời tiến hành lấp kín từng phần (cả trong và ngoài), có đánh dấu để bảo vệ di tích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu về sau. Ủy ban Nhân dân, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa, UBND xã Krông Năng đã tuyên truyền, không cho xâm phạm đến khu vực di tích đã được lấp kín.
* Xin ông cho biết, ngành chủ quản đã làm những gì để giải mã dấu tích văn hóa Chăm trên vùng đất này?
- Căn cứ vào kết quả khai quật và kết cấu kiến trúc, các nhà khảo cổ đã có những nhận xét rất quan trọng: Bang Keng là một kiến trúc dạng đền thờ mở, mang đậm dấu ấn của Bà La Môn giáo. Kết quả khai quật kiến trúc Bang Keng đã phản ánh những mối quan hệ văn hóa chặt chẽ với các kiến trúc trong nội vùng Tây Nguyên và cũng cho thấy khả năng về sự tồn tại của một loại hình di tích kiến trúc mang đặc điểm thể hiện sự giao thoa văn hóa đa chiều và xác lập cho mình một tuyến phát triển riêng với những nét đặc trưng của vùng văn hóa cao nguyên Trung phần. Niên đại di tích kiến trúc Bang Keng vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên.
Gia Lai là tỉnh có phát hiện khá nhiều dấu tích mang dấu ấn văn hóa Chămpa: Phù điêu đá tạc tượng Phật ngồi (lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh), bia đá ở Đak Pơ, di tích Bang Keng… Tuy nhiên, hiện nay địa phương chưa có người giải mã các thông tin này mà phải nhờ đến các chuyên gia đầu ngành trên cả nước. Do đó trước mắt, ngành chủ quản vận động, tuyên truyền nhân dân cùng chung tay để bảo vệ các di tích nói trên.
* Xin cảm ơn ông!
Thái Bình (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm