Tăng cường kiểm soát giá cả nhằm ổn định thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Văn Tấn
Ông Nguyễn Văn Tấn
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2011. Một trong những giải pháp căn bản là việc tăng cường kiểm soát giá, bình ổn giá nhằm điều tiết thị trường- nhất là trong thời điểm hiện nay, giá cả liên tục biến động, leo thang đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Xung quanh vấn đề kiểm soát giá theo quy định của Nhà nước, phóng viên Báo Gia Lai đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai.
* Thưa ông, trước tình trạng giá cả liên tục tăng như hiện nay, các cơ quan chức năng Nhà nước có giải pháp gì để ổn định thị trường?
- Ông Nguyễn Văn Tấn: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Chi cục Quản lý Thị trường đã triển khai nhiều đợt kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành từ trước và sau Tết Nguyên đán, cho đến hết quý I-2011 nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, nhất là tình trạng tăng giá liên tục, Chi cục đã và đang phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc tuân thủ quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quản lý giá; kiểm soát các mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, đời sống nhân dân, thuộc danh mục bình ổn giá như thịt gia súc, gia cầm, xi măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh, phân bón, xăng dầu… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường.
* Việc kiểm soát giá cả hiện nay gặp phải những vướng mắc gì, thưa ông?
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
- Ông Nguyễn Văn Tấn:
Để “hạ nhiệt” cơn sốt giá như hiện nay là việc không dễ dàng. Bởi có một thực trạng đã thành “thông lệ” nhiều năm qua mà chưa có một giải pháp căn cơ triệt để là trước Tết hàng hóa, dịch vụ đồng loạt tăng giá và sau Tết thì không hạ giá, thậm chí tăng cao hơn như năm nay. Trong khi đó, việc kiểm soát giá lại theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, chỉ giải quyết ở phần ngọn mà chưa dứt điểm được phần gốc. Việc kê khai, đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân sản xuất- kinh doanh vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ trên phạm vi cả nước chứ không riêng gì tỉnh ta nên đã dẫn tới tình trạng tăng giá tràn lan, khó kiểm soát, xử lý được.
Theo tôi, để điều tiết và kiểm soát giá cả thị trường đạt hiệu quả thì không thể can thiệp, tác động đơn thuần bằng mệnh lệnh hành chính. Trên tinh thần của Pháp lệnh Giá, Nhà nước tôn trọng quyền tự  định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật. Do đó, cần yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất- kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai, đăng ký giá, điều chỉnh giá với Nhà nước;  đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp các cơ quan chức năng- trong đó có cơ quan Quản lý Thị trường kiểm soát giá ngay từ đầu; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá, hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý như hiện nay. Đối với một số mặt hàng, ngành hàng thiết yếu như xăng dầu, phân bón, sữa, sắt thép… phụ thuộc vào sự tác động của thị trường thế giới thì Nhà nước nên có cơ chế điều chỉnh riêng phù hợp.
* Xin cảm ơn ông!
Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm