Bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống Bahnar, Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua quá trình sinh sống gắn bó lâu dài với tự nhiên, người Bahnar, Jrai đã hình thành cho mình bộ trang phục truyền thống rất gần gũi với thiên nhiên từ công cụ làm ra vải, chất liệu dệt vải, màu sắc…

Ngoài ra trang phục truyền thống của người Bahnar, Jrai còn ẩn chứa những giá trị văn hóa khác. Trang phục của người Bahnar, Jrai mang nhiều giá trị về tôn giáo tín ngưỡng, thể hiện chức năng xã hội của người mặc, biểu hiện quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của người Bahnar, Jrai với các tộc người khác.

Tuy nhiên, hiện nay trang phục truyền thống của người Bahnar, Jrai đang đứng trước nhiều thách thức của nền văn hóa mới thể hiện qua việc sử dụng trang phục của họ.

Ảnh: Đức Thụy

Ngày nay, khi vào các buôn làng của người Bahnar, Jrai chúng ta rất khó có thể bắt gặp hình ảnh những người đàn ông có thân hình mạnh mẽ, cường tráng chỉ với một cái khố, cũng không còn hình ảnh những người phụ nữ uyển chuyển, dịu dàng trong bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Thay vào đó, giới trẻ Bahnar, Jrai sử dụng đủ các kiểu trang phục hiện đại (đồ tây, quần jean, áo thun, váy,…). Có khi trong ngày cưới còn thấy chú rể người Bahnar, Jrai mặc com lê, đi giày da, cô dâu mặc váy nhiều tầng. Những người lớn tuổi, trung tuổi thì mặc quần tây, áo sơ mi hoặc áo thun may sẵn được bán ở chợ. Phụ nữ vẫn sử dụng váy nhưng là váy ống làm bằng chất liệu lanh hoặc thun.

Nguyên nhân chủ yếu khiến người Bahnar, Jrai không còn tâm huyết với bộ trang phục truyền thống của mình nữa là do sự tác động của kinh tế thị trường, của các phương tiện thông tin hiện đại, nhất là thu nhập từ cây cà phê, cao su nên trang phục của người Bahnar, Jrai đã thay đổi nhanh chóng ảnh hưởng đến văn hóa trang phục truyền thống của họ.

… Trước thực trạng sử dụng trang phục của người Bahnar, Jrai, các cấp chính quyền, ngành Văn hóa đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của người Bahnar, Jrai như: Cuộc thi dệt thổ cẩm, các cuộc liên hoan văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh, các chương trình đầu tư phát triển làng nghề dệt thổ cẩm…

Ảnh: Đức Thụy

Nhưng để bảo tồn và phát huy có hiệu quả việc giữ gìn trang phục truyền thống cho người Bahnar, Jrai chúng ta cần phải nhìn vào thực tế và đưa ra hướng giải quyết phù hợp hơn.

Phụ nữ Bahnar, Jrai ngày nay còn rất ít người tâm huyết với việc giữ gìn nghề dệt truyền thống của dân tộc mình, các nghệ nhân đang ngày càng ít đi khi những nghệ nhân lớn tuổi qua đời. Những người am hiểu về hoa văn trang phục của dân tộc mình còn rất ít, khiến việc sử dụng trang phục truyền thống một cách tràn lan từ kiểu dáng đến hoa văn đều có thể bị lẫn lộn giữa hai tộc người Bahnar, Jrai mà ngay cả người mặc là người Bahnar, Jrai cũng không nhận ra. Trong một làng của người Bahnar, Jrai hiện nay còn rất ít người biết dệt vải may trang phục, thậm chí có những làng không còn người phụ nữ nào biết dệt vải nữa. Khi chúng tôi đến Hợp tác xã Dệt thổ cẩm của người Bahnar ở xã Glar, huyện Đak Đoa và làng dệt thổ cẩm của người Jrai ở xã Biển Hồ, TP. Pleiku thì không khí của một làng nghề cũng rất ảm đạm, hầu như những nghệ nhân này họ đều cất khung dệt để đi làm.

Lý do rất đơn giản là để dệt một bộ trang phục có khi phải mất gần một tháng nhưng thu nhập lại chẳng được là bao so với một ngày công lao động của họ là khoảng 100.000 đồng mỗi ngày. Với nam thanh niên Bahnar, Jrai ngày nay thì dường như họ không quan tâm đến chiếc khố nữa, thậm chí có những người trung tuổi cũng không biết cách quấn khố như thế nào.

Ảnh: Huy Tịnh

Sự phát triển về khoa học kỹ thuật hiện đại đã mang lại cho ngành may mặc nhiều phương tiện sản xuất hiện đại, người Bahnar, Jrai đã biết áp dụng những phương tiện này vào quá trình sản xuất trang phục truyền thống của mình như: Dùng chỉ công nghiệp, máy may… nhưng muốn tạo ra được hoa văn truyền thống thì chỉ có thể dệt bằng tay. Vì vậy, để làm ra một bộ trang phục cho người Bahnar, Jrai vẫn tốn rất nhiều thời gian và nguyên liệu dệt vải cũng rất đắt nên giá thành cho một bộ trang phục có thể sử dụng được vẫn ở mức cao khoảng 600.000-1.500.000 đồng một bộ. Với giá này thì những người lao động bình thường trong các buôn làng khó có thể sắm cho mình bộ trang phục truyền thống được. Giá thành cao như thế nhưng chất liệu để dệt vải vẫn còn thô, nóng, làm cho người mặc không thoải mái.

Đứng trước thực trạng trên, chúng tôi cho rằng cần phải bảo tồn văn hóa truyền thống nhưng bảo tồn phải dựa trên quy luật phát triển của xã hội. Giá trị văn hóa không đứng yên mà luôn luôn biến đổi theo thời gian, giá trị về cái đẹp của người Bahnar, Jrai trước đây là cà răng, căng tai thì ngày nay đã thay đổi, cái đẹp đó không có giá trị nữa mà giá trị của cái đẹp ngày nay là hàm răng trắng đều, đôi tai nhỏ nhắn. Trang phục truyền thống của người Bahnar, Jrai cũng thế cần có những thay đổi cho phù hợp với giá trị văn hóa hiện đại.

Người phụ nữ Bahnar, Jrai mặc bộ trang phục truyền thống của mình đi bộ giữa phố phường trông vẫn rất đẹp nhưng lại bất tiện khi họ di chuyển bằng xe đạp, xe máy… Người đàn ông Bahnar, Jrai lại không thể mặc bộ trang phục truyền thống của mình đi giữa phố phường hiện nay được vì sẽ làm mọi người chú ý vào chiếc khố chỉ che được bộ phận “nhạy cảm”. Chiếc khố dường như không còn phù hợp với giá trị văn hóa hiện đại nữa.

Từ thực tế trên chúng tôi đưa ra hướng giải quyết như sau: Bảo tồn nguyên trạng trang phục truyền thống của người Bahnar, Jrai bằng cách sưu tầm trang phục gốc để trưng bày. Trang phục truyền thống được sử dụng trong các dịp lễ hội, cuộc thi văn hóa… Bảo tồn theo hướng phát huy bằng cách nghiên cứu chọn ra những đặc điểm chung, đặc điểm nổi bật trong trang phục truyền thống của người Bahnar, Jrai để thiết kế ra bộ trang phục đặc trưng và đồng nhất cho từng tộc người. Ngoài ra cần thiết kế chiếc quần dựa trên ý tưởng từ chiếc khố truyền thống để nam giới Bahnar, Jrai có thể tự tin mặc trang phục truyền thống hòa nhập vào với xã hội hiện đại.


Cần phải tìm ra một chất liệu mới giúp người mặc trang phục truyền thống cảm thấy thoải mái. Đặc biệt phải sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất trang phục truyền thống hàng loạt thì giá thành mới giảm, người lao động mới có thể sử dụng rộng rãi trong mọi sinh hoạt hàng ngày của họ. Đồng thời phải tổ chức tuyên truyền vận động mọi đối tượng người Bahnar, Jrai tham gia sưu tầm, gìn giữ trang phục truyền thống của mình. Vận động nữ thanh niên người Bahnar, Jrai tham gia học tập kinh nghiệm dệt vải từ bà, mẹ, các nghệ nhân trong làng của họ.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa trang phục cho cán bộ văn hóa và đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai.

Xây dựng và đưa vào giảng dạy môn học Văn hóa trang phục của người Bahnar, Jrai cho học sinh ngành Quản lý văn hóa; Văn hóa du lịch trong Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai và các trường dân tộc nội trú của tỉnh.

Những việc làm trên nhằm nâng cao sự hiểu biết về văn hóa trang phục của người Bahnar, Jrai, khiến họ thêm tự hào về trang phục của mình. Từ đó người Bahnar, Jrai sẽ nâng cao ý thức giữ gìn trang phục truyền thống của mình.

TS. Nguyễn Thái Bình

Có thể bạn quan tâm