Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng: Cuộc kiếm tìm "Những sản phẩm khoa học tốt nhất"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bị hấp dẫn bởi không khí làm việc trong phòng thí nghiệm, Phạm Cao Thanh Tùng quyết định thi vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh thay vì thi vào các ngành “hot” như bạn bè đồng lứa. Và đây cũng chính là cơ duyên khiến anh theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học lâu dài. Năm 2010, anh được biết đến như là người Việt đầu tiên có công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới-tạp chí Science (Mỹ).

Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng hiện là Trưởng phòng Hóa-Nông nghiệp tại Viện Công nghệ Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng
Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng

Say mê với nghiên cứu khoa học

Trò chuyện với P.V, TS Thanh Tùng cho biết, công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science là về Zeolit và ứng dụng nghiên cứu này vào lĩnh vực vật liệu mới. Nghiên cứu này được anh tiến hành trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại Đại học Sogang-Seoul, Hàn Quốc. Zeolit trong tự nhiên là một dạng khoáng bao gồm oxít silic và oxít nhôm. Ứng dụng của Zeolit trong thực tiễn khá rộng: Làm vật liệu quang học, làm xúc tác trong ngành công nghiệp dầu khí, phục vụ cho ngành công nghiệp polymer, giúp hấp thụ các hóa chất độc hại (trong lĩnh vực xử lý môi trường), tạo màng bao phủ cách điện và chống ăn mòn (trong lĩnh vực điện, điện tử)….

Nhóm nghiên cứu mà anh là Trưởng nhóm công bố phương pháp mới để chế tạo màng mỏng Zeolit với độ đẳng hướng cao và có độ dày khoảng 2/1000 mm. Trong công trình này cũng công bố các kết quả nghiên cứu sử dụng lớp màng này như một lớp vật liệu lọc để tách riêng các cấu tử ở cấp độ phân tử và sử dụng trong vật liệu quang học. Các nghiên cứu thử nghiệm này đều cho kết quả rất cao và đã được nhóm đăng ký bản quyền ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ. Một số kết quả cũng đã được chuyển giao cho các trung tâm nghiên cứu ứng dụng tại Hàn Quốc.

Đó là những tiêu chí giúp cho công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science, vốn có số lượng người đọc lên đến con số hàng triệu và nhiều người sử dụng tạp chí này như một nguồn chính thức để trích dẫn lại trong các đề tài nghiên cứu. Ngoài ra, quy trình duyệt bài của tạp chí này cũng tương đối khắt khe, tỷ lệ bài bị từ chối có khi lên tới 95%. “Được đăng công trình trên tạp chí Science là ước mơ của người làm nghiên cứu, vì thế tôi rất vui và tự hào. Đó không phải là kết quả riêng tôi mà là nỗ lực của cả tập thể thầy trò trong suốt 3 năm nghiên cứu”-TS Phạm Cao Thanh Tùng trò chuyện.

Hướng nghiên cứu này vẫn được TS Thanh Tùng và nhóm nghiên cứu tại Đại học Sogang tiếp tục hoàn thiện sau đó, và các kết quả còn được đăng tải dưới hình thức 2 bài báo khoa học trên tạp chí Angewante Cheme (Đức), cũng là một tạp chí rất có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu hóa học và vật liệu.

Chỉ một lựa chọn: Trở về

Có thể chọn ở lại Hàn Quốc, một đất nước tiên tiến với điều kiện sống và làm việc lý tưởng, vậy nhưng hơn một năm nay TS Phạm Cao Thanh Tùng, 38 tuổi, lại quyết định trở về công tác tại Viện Công nghệ Hóa học. Lý do rất giản dị: “Mình ra đi từ Viện nên muốn trở về góp phần xây dựng Viện, đồng thời tìm kiếm những người cùng chí hướng trên con đường nghiên cứu khoa học”.

Bằng niềm say mê với khoa học, nhà khoa học trẻ cho biết, hiện anh đang phụ trách một nhóm nghiên cứu với 2 hướng chính gồm các nghiên cứu ứng dụng phục vụ cho nông nghiệp và hướng nghiên cứu cơ bản kết hợp đào tạo. Hướng nghiên cứu này sử dụng các vật liệu có lỗ xốp nhỏ để chế tạo màng tách và thu hồi các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, CH4. Đây cũng là đề tài đang được nhiều phòng thí nghiệm lớn và uy tín trên thế giới quan tâm.

Dù điều kiện nghiên cứu trong nước vẫn còn một số hạn chế về thiết bị, nguồn thông tin, kinh phí…, nhưng như TS Phạm Cao Thanh Tùng chia sẻ một cách đầy tâm huyết thì “hiện tại mình vẫn đang trong giai đoạn xây dựng nhóm nghiên cứu, đồng thời cộng tác với các phòng thí nghiệm khác nhằm tận dụng tối đa điều kiện trong nước như: gửi sinh viên đến nghiên cứu ở những phòng thí nghiệm có các trang-thiết bị phù hợp, hỗ trợ qua lại giữa các nhóm nghiên cứu trong nước, để từ đó xây dựng các hướng nghiên cứu tốt, thu hút được những bạn trẻ có đam mê nghiên cứu để có được những sản phẩm khoa học tốt nhất”.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm