Mơ Tết về trên những vòng xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pleiku những ngày áp Tết Nguyên đán. Hòa trong dòng người ngược xuôi, rộn ràng sắm Tết, tôi vẫn bắt gặp bên phố hình ảnh của những tấm lưng thấm đượm mồ hôi, nhẫn nại đẩy chiếc xe đạp chất đầy hàng hóa, người mong bán hết số bánh còn trong giỏ, người lại mong mua được thêm một ít chai lọ hay giấy vụn nữa; cũng là để kiếm thêm chút tiền cho Tết thêm tươm tất. Họ, chủ yếu là những lao động phổ thông, có thu nhập thấp, càng những ngày cận Tết lại càng cố công bươn chải trong miền mong ước về một cái Tết đủ đầy, đầm ấm bên người thân.

Trong lúc nghỉ tranh thủ, câu chuyện của chị Hoa và chị Lan chủ yếu xoay quanh chuyện Tết.
Trong lúc nghỉ tranh thủ, câu chuyện của chị Hoa và chị Lan chủ yếu xoay quanh chuyện Tết.

Gặp tôi khi đang loay hoay cột hàng trên đường Võ Thị Sáu (TP. Pleiku), sau những e ngại ban đầu, chị Hoa-một người đi thu mua hàng phế liệu rủ rỉ kể chuyện mình. Chị Hoa cho hay, chị quê Cát Nhơn (Phù Cát, Bình Định), đi theo một số chị em trong xã làm nghề thu mua đồng nát ở Pleiku cũng đã được mấy năm. Các chị rủ nhau cùng thuê một căn nhà trên đường Phan Đình Phùng để ở; cuối năm, một số chị đã về quê chuẩn bị Tết với gia đình từ hôm 20 tháng Chạp, nay còn chị và chị Lan ở lại, tranh thủ kiếm thêm vài đồng về mua tấm áo mới cho con. “Thấy mọi người lao xao sắm sanh tết nhất, lòng tôi cũng chộn rộn, muốn về nhà lắm; nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định làm đến 29 mới về; vừa kiếm thêm được chút ít đồng chi tiêu trong mấy ngày Tết lại vẫn kịp về quét dọn cửa nhà. Tết nhà tôi đơn giản, chủ yếu là sắm đồ cúng ông bà tổ tiên và mua cho sắp nhỏ bộ quần áo mới thôi”-chị Hoa bày tỏ.

Nghe chúng tôi chuyện trò, chị Lan ngồi gần đấy cũng góp thêm đôi lời trong tiếng thở dài lộ rõ: “Chúng tôi làm nghề này vất vả, hay bị người khác xem thường, tiền bạc lại chả kiếm được là bao. Tết nhất đến nơi rồi, cũng muốn về sớm với chồng, với con lắm chứ; nhưng làm nghề thì phải bám nghề thôi; cơ bản là cuối năm có nhiều người dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ mới đón Tết nên những đồ cũ dư ra cũng nhiều; chịu khó đạp xe quanh phố thì cũng mua bán được, ít nhất là cũng kiếm được một chút dư giả để bù lại những ngày nghỉ về quê sắp tới”.

Những ngày này dạo quanh phố, tôi bắt gặp nhiều hơn các mẹ, các chị còng lưng đạp xe chở hoa trái vườn nhà đi bán, cũng trong một niềm hoài mong, mong sao bán được nhiều hàng để về kịp lo Tết. Vừa mới sáng nay thôi, khi trời còn đẫm sương, vừa ra đầu ngõ tôi đã gặp chị Hạnh (thôn 2, xã An Phú) cặm cụi cột lại đám rau vừa bung xuống đường; trời se lạnh mà trán chị mướt mồ hôi. Thấy tôi, chị Hạnh nhanh nhảu: “Cái dây thun không may bị đứt, nhờ cô nhặt giùm cho vài bó rau”. Tôi cười: “Toàn là cải cay để muối dưa thôi hả chị, ngày Tết chỉ bán một loại rau này, biết khi nào mới hết”. “Rau vườn nhà đấy, đến kỳ thu hoạch rồi, thì cứ đi dạo phố và các chợ; khi nào hết thì về thôi”. “Chị sắm Tết nhiều chưa”. “Chưa cô ạ, có sắm thì cũng chờ tới chiều 30, bây giờ cả nhà còn đang lo thu rau đã, có thêm tiền thì mới có cái Tết vui chứ cô”.

 

Ông Hoạch đang vui vẻ bán hàng cho khách. Ảnh: Thái Bình
Ông Hoạch đang vui vẻ bán hàng cho khách. Ảnh: Thái Bình

Nỗi niềm ấy, sự lo toan ấy của những người phụ nữ, âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, sự lo toan cho cuộc sống gia đình lại dồn lên đôi vai gân guốc của người một người đàn ông tuổi đã ngoài 70 thì mới chỉ nghe đến thôi, tôi đã thấy cảm động rồi. Là tôi đang nói tới ông Nguyễn Văn Hoạch, 76 tuổi, nhà ở tổ 15, phường Phù Đổng, TP. Pleiku. Hơn 10 năm làm nghề gói bánh chưng và bánh tét, chuyên đạp xe đi bán rong các phố, ngày lại ngày, ông Hoạch đã đem đến hương vị của Tết cho không biết bao người. Tuy nhiên, loại bánh đặc trưng ấy chỉ bán chạy vào ngày thường còn trong những ngày cận Tết Nguyên đán này, lượng người mua ít hơn hẳn. Đã tính nghỉ từ hôm 25 Tết, nhưng tính đi tính lại, ông Hoạch vẫn tiếp tục gói bánh, vẫn đi dạo quanh các phố, vừa bán hàng vừa ngắm phố phường cho vui.

 “Ông bà già rồi, các con lại đã có gia đình riêng, chỉ còn 2 ông bà quanh quẩn vào ra; chưa Tết mà đã nghỉ ở nhà thì cũng buồn nên lại làm hàng bán tiếp. Bán bánh chưng, bánh tét ngày Tết như ông thế này, người mua ít hẳn, nhưng cũng không nên lấy điều đó làm buồn; ra Giêng rồi lại có nhiều người nhớ đến những chiếc bánh nho nhỏ và được gói cẩn thận của ông thôi”-ông Hoạch nói với tôi trong tiếng cười. Phần tôi, khi lắng nghe câu chuyện của ông, tôi lại không thôi mơ ước, rằng tiếng cười vui vẻ ấy sẽ đi theo ông Hoạch mãi mãi, để ít nhất trong những ngày đầu xuân năm mới này, những người lao động hiền lành chân chất như ông Hoạch, chị Hoa, chị Lan, chị Hạnh sẽ có một cái tết ấm áp, đoàn viên.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm