Những câu chuyện thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dù là chuyện vui thật lòng hay những điệu buồn cắc cớ, với những người mà tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò, những câu chuyện về thời bao cấp của hơn 30 năm về trước luôn là những dấu ấn khó quên. Với họ, đó là những năm tháng chất chứa nhiều vất vả song hành cùng giai đoạn khó khăn của đất nước nhưng lại đầy ắp nghĩa tình.

Sắc màu tình bạn


Thạc sĩ Chử Lương Đào rất vui khi biết mục đích của tôi. Ông dành rất nhiều thời gian kể cho tôi nghe về những năm tháng tuổi trẻ song hành cùng giai đoạn khó khăn của đất nước nhưng lại đầy ắp tình bạn, tình đời. Có rất nhiều chuyện được “nhà giáo già” kể lại, từ chuyện công việc, gia đình đến những việc nho nhỏ như xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, chuyện ăn uống, tụ bạ bạn bè. “Vui nhất là những lần đi mua gạo, lần nào tôi cũng giấu vợ bán vụng đi vài ba ký để có tiền uống rượu với bạn bè, nhiều hơn là góp lại để giúp bạn những khi cơ nhỡ, khó khăn. Ngày ấy, bạn bè chúng tôi sống với nhau thật vô tư và vì nhau hết lòng. Tôi đã từng nghe chuyện một nhóm bạn phải sau rất nhiều lần tích góp mua phụ tùng xe theo tem phiếu, cộng với cả việc mua thêm phụ tùng bên ngoài nữa, mới đủ để lắp ráp thành một chiếc xe đạp hoàn chỉnh và luân phiên nhau đi. Dường như cuộc sống càng vất vả thì chúng ta lại càng thêm gắn bó. Phần tôi, sau khi bị vợ phát hiện vụ bán gạo mà không nói với cô ấy, căn nhà nhỏ của tôi lại trở thành nơi gặp gỡ bạn bè, giờ mỗi lần nghĩ lại thấy vui vui”.

Với ông Nguyễn Hải Cường (50 tuổi, tổ 6, phường Ia Kring) thì những năm tháng bao cấp luôn gắn với những ly cà phê mà ông và bạn bè phải chung tiền mới mua được để uống tại cửa hàng ăn uống 02 Lê Lợi ngày trước. Giọng ông lấp lánh tiếng cười khi kể cho tôi nghe kỷ niệm về những lần uống cà phê chung của mình: “10 tuổi tôi đã biết pha cà phê cho cha và cũng từ đó mà yêu thích thức uống này. Ngày ấy, để có được một ly cà phê, đám thanh niên chúng tôi phải tụ nhau lại, cùng góp tiền để mua, sau đó cùng thưởng thức trong một niềm vui khó tả. Cảm giác thú vị này đến giờ tôi vẫn không thể nào quên”.

Những cái tên được “khai sinh” từ sổ gạo

 

Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. Ảnh: Internet

Cùng nhau ôn lại những chuyện có “cội nguồn” do thời bao cấp mà nên, bạn tôi-chị Nguyễn Thị Loán vẫn thường gọi đó là “Chuyện mắc cười made in bao cấp”. Mọi “cơ duyên” đến từ cái tên của chị. Lúc chào đời, chị Loán được bố mẹ đặt cho tên là Nguyễn Thị Loan, không hiểu loằng ngoằng thế nào mà người ghi sổ gạo lại cho thêm một dấu phảy vào, thế là “đang từ một cái tên thật hay, thoáng cái biến thành tên mất hết ý nghĩa, đọc lên lại đau hết cả miệng, ấy là chưa kể việc đi học bị bạn bè chọc, rồi cứ hỏi hoài: Sao không bỏ cái dấu phẩy đi, để thành tên Loan chả hay hơn ư”-chị Loán chia sẻ trong tiếng cười không giấu được chút gì đó giống như ngậm ngùi.

Cũng liên quan đến chuyện tên trong sổ gạo, ông Q. (nhân vật yêu cầu giấu tên)-người đã có những tháng ngày dài cùng gia đình “vật vã” với chuyện xếp hàng chờ mua thực phẩm tại cửa hàng mậu dịch quốc doanh kể cùng tôi một chuyện vui về tên của cô con gái út. “Số là, tôi đặt con gái tên Minh Thuyên, chị ghi sổ gạo nghe thế nào, ghi thành “Minh Thu”; khi gia đình phát hiện ra thì việc đã lỡ rồi, nên cũng đành đổi tên con theo, vì thời ấy, việc sửa sổ gạo rất loằng ngoằng, rắc rối. Chưa hết, bẵng đi một thời gian, khi kiểm tra sổ tôi lại phát hiện, con gái mình đã được đổi tên một lần nữa, khi không biết từ bao giờ, chữ “Thu” đã được ngoắc thêm một dấu móc, thành ra chữ “Thư” và mất luôn chữ “Minh”, từ Lê Thị Minh Thu thành Lê Thị Thư. Chuyện giờ kể lại thì thấy có nét vui vui, nhưng tôi thiển nghĩ đây chính là một trong những “kỳ tích” không thể xóa bỏ được của thời bao cấp, bao gồm cả sự qua loa đại khái trong công việc của một số nhân viên cửa hàng và tâm lý ngại rắc rối của người dân, trong đó có tôi…”.

Mãi là một miền ký ức

Dù là chuyện vui thật lòng hay là những điệu buồn cắc cớ, với nhiều người mà tôi có dịp gặp gỡ, chuyện trò, những câu chuyện về thời bao cấp của hơn 30 năm về trước luôn là những dấu ấn khó quên vẫn đang từng ngày bồi hồi chảy giữa cuộc sống này. Với anh Phan Hữu Khanh (154/21 Lê Lợi, TP. Pleiku), nhớ về những năm tháng bao cấp là nhớ về những cái Tết còn thiếu thốn đủ bề nhưng không vì thế mà kém vui. Bởi, mỗi dịp Tết đến là những đứa trẻ như anh thế nào cũng được thêm một bộ quần áo mới, được thêm vài ba hào mừng tuổi của ông bà, bố mẹ, được ăn một vài bữa cơm có món thịt heo ngon hơn mọi đặc sản bây giờ, được cùng bạn bè chơi những trò chơi con trẻ và nhiều hơn cả, ấy là được nghe những tiếng nổ râm ran của những dây pháo Bình Đà. Anh Hữu chia sẻ: “Ngày ấy, ngày thường, thịt heo chỉ được bán có định kỳ theo tiêu chuẩn tem phiếu của mỗi gia đình, chỉ đến dịp Tết, khoảng 5-7 gia đình chung nhau lại, sau khi được sự đồng ý của hợp tác xã mới chung nhau mổ một con heo để mọi nhà có thêm món ngon trong 3 ngày Tết. Chuyện đốt pháo ngày Tết cũng vậy, ai ai cũng chờ mong để nghe tiếng pháo hân hoan lúc Giao thừa, báo hiệu một mùa Xuân mới đã về…”.

 

Những đồ vật gắn với một thời bao cấp khó khăn của gia đình bà Xuyên. Ảnh: Tuệ Nguyên
Những đồ vật gắn với một thời bao cấp khó khăn của gia đình bà Xuyên. Ảnh: Tuệ Nguyên

Đối với bà Nguyễn Thị Xuyên (84 tuổi, tổ 11, phường Hội Phú, TP. Pleiku)-người phụ nữ được rất nhiều người dân Phố núi từ hồi sau giải phóng biết đến với tên gọi bà Hai cà rem-thì thời bao cấp đã gắn liền với những năm tháng làm kem bán tại Pleiku của vợ chồng bà. Và không chỉ làm kem, ông bà còn trải qua rất nhiều nghề khác nữa để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Bởi vậy, bây giờ, trong căn nhà nhỏ của mình, bà cùng người con trai dành ra một góc nhỏ để lưu giữ những kỷ vật gắn bó từ những tháng ngày gian khó ấy. Với bà Xuyên, những đồ vật như: chiếc máy khâu, máy chữ, máy chụp hình, trục máy xe lam, xe xích lô, tem thư, chén bát, cân đĩa, cân bàn, hộp đựng thuốc, cái hộp quẹt…, vật nào cũng là một kỷ niệm khó có thể quên. Chỉ tay vào chiếc máy khâu, bà Xuyên nói: “Chiếc máy khâu này là tôi dùng để may vá quần áo cho con cái trong gia đình. Ngày ấy, trừ những gia đình khá giả, còn đối với phần đông các gia đình khác, con cái thường chỉ được mua (hoặc may) quần áo mới vào những dịp như: đầu năm học, Trung thu và Tết Nguyên đán”.

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm