Khai bút đầu năm-tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với người Việt, bút là công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Bởi vậy, khai bút đầu xuân từ lâu đã trở thành một phong tục đầu năm của dân tộc, nó gắn chặt với việc học hành, tôn trọng sự học và sự sáng tạo, là một việc làm mang ý niệm tâm linh, ước mong một năm mới thành công, nhiều may mắn sẽ đến với ta và cả những người mà ta yêu quý.
 

Trần Ngọc Linh đang viết say sưa thảo chữ
Trần Ngọc Linh đang viết say sưa thảo chữ

“Những người sống bằng nghề viết như chúng ta, khai bút đầu xuân trở thành điều khá thiêng liêng. Năm nào cũng vậy, bằng niềm tin và yêu nghề, tôi vẫn thường cẩn trọng, chỉnh tề khai bút trong nghi nghút nhang trầm và hương hoa thơm ngát; qua đó để cầu những con chữ bền bỉ bên mình trong cuộc hành trình vừa nhọc nhằn lại quá đỗi tự hào trong niềm hy vọng tràn đầy là sẽ góp thêm một tiếng nói về cuộc đời và kiếp người giữa những vui buồn nhân gian”-Nhà thơ Hoàng Thanh Hương chia sẻ.

Trong mạch nguồn câu chuyện, nhà thơ Hoàng Thanh Hương chia sẻ với tôi nhiều hơn về câu chuyện khai bút đầu năm của mình. Chị cười ý nhị: “Là một người coi nghề viết là nghề cao quý và trân trọng nó, tôi luôn tâm linh tin rằng có tín có phù. Hàng năm, sau Giao thừa hoặc vào mùng 1 Tết, sau khi nhang khói cho Phật bà và ông bà tổ tiên tôi đều ngồi vào máy. Khai bút đầu xuân bây giờ trên vi tính, gõ những điều mình đang muốn giãi bày về thế sự, gia đình, quê hương, có năm viết hẳn được một đoạn truyện dài tươi tắn, có năm là một list kế hoạch những công công việc phải hoàn thành trong năm mới, có năm được một bài thơ nho nhỏ về xuân, có năm lại là một đoạn tản bút về mùa non tươi nhất của năm. Năm nào cũng thành lệ, đầu năm mới khai bút cầu cho một năm nghề viết của mình dồi dào sáng tạo…”.

Ngừng một đỗi, nhà thơ Hoàng Thanh Hương kể thêm: “Năm ngoái tôi viết truyện ngắn, tôi cầu tổ nghề ban cho trí tuệ minh mẫn sức khỏe tốt, tâm tính an bình để có thể viết được những chuyện người chuyện đời trong nhân gian mà chia sẻ đồng cảm và giáo dục lòng thiện của con người. Và năm rồi tôi thấy kết quả như ý đấy chứ, truyện tôi viết đều đều, được các tạp chí chuyên ngành uy tín sử dụng, được Báo Gia Lai dùng trên báo Tết, bản thảo truyện của tôi được Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân hợp đồng mua bản quyền in trong đầu năm 2015 này”.

 

Rất nhiều người dân tới tìm Linh để xin chữ về treo trong dịp năm mới. Ảnh: Thái Bình
Rất nhiều người dân tới tìm Linh để xin chữ về treo trong dịp năm mới. Ảnh: Thái Bình

Câu chuyện với nhà thơ Hoàng Thanh Hương khiến tôi nhớ đến những lời chia sẻ hết sức chân tình và đầy ý nghĩa của Thạc sĩ Chử Lương Đào-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Theo Thạc sĩ Chử Lương Đào, khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… đồng thời cũng là để tự nhắc nhủ mình, nhắc nhủ người, gửi gắm ước nguyện của mình trong năm mới đến. Đối tượng khai bút đầu năm thường là các nho sĩ, ông đồ, các nhà thơ, nhà văn và những người cầm bút nói chung; thời gian cho việc khai bút được tính từ sau Giao thừa, rộng hơn là trong những ngày đầu năm mới, trong một không gian nghiêm cẩn, trang trọng, bởi vậy, người khai bút phải ăn mặc chỉnh tề và đặc biệt, tâm phải trong sáng, đẹp đẽ. “Khi khai bút, người ta hay dùng những đại tự để viết, thường là những chữ: Tâm, Phúc, Thọ, Lộc…; hoặc cũng có thể là một vài câu đối, 1 bài thơ ngắn, nếu là thơ do mình sáng tác ra thì sẽ thêm phần ý nghĩa… Đây sẽ được xem như một tôn chỉ sống, một ước nguyện trong năm của người viết”-Thạc sĩ Chử Lương Đào nhấn mạnh.

Đối với một số người, việc tự mình khai bút trong những thời khắc đầu tiên của năm mới lại được hoán đổi bằng việc đi xin chữ về treo, thường được viết chỉn chu, đẹp đẽ trên một bức thư pháp, trong mong mỏi đem lại nhiều may mắn, tốt lành cho mình và gia đình trong suốt 365 ngày sắp tới. Ông Trần Ngọc Tú (tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một trong những người như thế. Tìm đến xin chữ của những “thầy đồ” trẻ có gian hàng tại chợ hoa Xuân Ất Mùi, ông Tú cho hay: “Từ xa xưa ông bà tổ tiên chúng ta đã có tục xin chữ của ông đồ về treo trong nhà để đem lại may mắn, tốt lành cho gia đình trong năm mới và được treo ở những nơi trang trọng nhất. Những năm trước, mỗi năm tôi xin một chữ, khi thì chữ Phúc, chữ Thọ, chữ Khang; năm nay tôi muốn xin chữ Lộc để mừng con cháu đa tài và cầu cho gia đình gặp nhiều may mắn, tài lộc”.

Là chủ nhân của một trong số ít gian hàng thu hút được khá đông người dân đến xin chữ tại chợ hoa Xuân vừa qua, Trần Ngọc Linh-nhà ở xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, hiện là sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng rất vui khi trò chuyện cùng tôi về niềm đam mê viết thư pháp của mình. Tự học viết chữ thư pháp đã hơn 4 năm nay, năm nay là năm thứ hai Linh sắm vai “thầy đồ” cho chữ những người yêu thích nét văn hóa mang đậm nét hồn dân tộc này. Vừa mài mực, Linh vừa chuyện trò vui vẻ.

Linh cho hay, ý nguyện của mỗi người thường biểu đạt một cách rõ ràng và cụ thể qua những chữ mà họ xin; như chữ Khang chủ về sưc khỏe, thành đạt; chữ Nhẫn chính là sự nhắc nhớ mọi người hãy bền lòng, dù cuộc sống có vất vả, khó khăn thế nào; còn chữ Ninh, biểu trưng cho sự yên ổn. Những chữ thường được người dân xin nhiều vào dịp đầu năm mới là: Phúc, Lộc, Thọ, Tâm. Ngày nay thư pháp không chỉ viết trên “mực tàu giấy đỏ” mà còn viết trên nhiều chất liệu khác nhau như vải, gỗ, màn tre hay trên các món đồ lưu niệm làm bằng đá. “Được nhiều người tìm đến xin chữ thế này, em rất vui, chỉ mong trong năm mới mình có thêm sức khỏe, khỏe để tiếp tục học tập và theo đuổi niềm đam mê viết chữ thư pháp, làm sao để có được những nét chữ khỏe khoắn nhất, khoáng đạt nhất tặng cho những người yêu mến nét văn hóa tao nhã vào bậc nhất của người xưa này”-Linh chia sẻ.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm