Du lịch canh nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có người còn gọi là du lịch nông nghiệp, đây là một loại hình du lịch đang được ưa chuộng trên thế giới bởi thông qua du lịch người ta có thể xuất khẩu nông sản tại chỗ, đồng thời giới thiệu đến du khách những nét đẹp trong lao động, trong văn hóa vùng miền... Loại hình du lịch này đã được nhiều nước khai thác từ 2 thập kỷ cuối của thế kỷ XX như Thụy Điển, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...
 

Đờn ca tài tử. Ảnh: Thanh Phong
Đờn ca tài tử. Ảnh: Thanh Phong

Ở Việt Nam du lịch canh nông là một khái niệm còn khá mới mẻ song cũng đã được nhiều địa phương triển khai đạt kết quả cao trong những năm qua. Tại Hà Nội, mô hình du lịch canh nông được áp dụng tại trang trại đồng quê Ba Vì do Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh xây dựng và tour du lịch Mùa lúa chín ở làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây thu hút rất đông du khách. Tại đây du khách tự mình xuống ruộng hái rau xanh, bắt cá, bắt cua, đốt lửa trại... Từ Hà Nội du khách cũng có thể ngược lên Mộc Châu, Sơn La để tham gia công đoạn vắt sữa bò, tham quan dây chuyền chế biến sữa hoặc đi hái chè cùng các công nhân nông trường...

Các tỉnh phía Nam đi đầu trong khai thác thế mạnh nông nghiệp của mình đưa vào du lịch, như là Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang... Du khách ngồi trên xuồng ba lá len lỏi qua các con mương nhỏ giữa rừng dừa nước hai bên, thả lưới bắt cá, tự mình chế biến thức ăn (đốt rơm nướng trui), vào vườn hái trái cây, nghe đờn ca tài tử... nghĩa là được thưởng thức những sản phẩm tinh thần và vật chất độc đáo của địa phương.

Nhờ canh nông mà các điểm tham quan lưu giữ du khách được lâu hơn và bán được nhiều sản phẩm hơn. Vườn Quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai trước đây chỉ được du khách lưu lại vài ngày để khám phá nét đẹp núi rừng. Nhưng từ khi có các điểm dừng chân ở xã Tà Lài và Đak Lua du khách có thêm nhiều lựa chọn để kéo dài tour du lịch của mình. Tại Tà Lài, du khách có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất với người dân như: trồng lúa, tuốt lúa, tìm hiểu về dệt thổ cẩm, đan lát, lưu trú trong nhà dài của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây. Hoặc sang Đak Lua tham gia trồng dâu nuôi tằm, nghề truyền thống của người dân nơi đây.

Gia Lai không thua kém bất kỳ nơi nào khác về tiềm năng du lịch nói chung và du lịch canh nông nói riêng. Với địa hình núi rừng, cao nguyên, nhiều ghềnh thác và thung lũng, Gia Lai không chỉ có các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như: Biển Hồ, núi Hàm Rồng, thác Phú Cường, hồ thủy điện Ia Ly, hồ Ayun Hạ... mà còn có nhiều tập quán sản xuất và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Bahnar, Jrai-tiềm năng du lịch vô tận. Trên địa bàn phân rõ hai vùng sản xuất là: Đông Trường Sơn với các loại cây ngắn ngày như mía, lúa, dưa và Tây Trường Sơn là xứ sở của các loại cây dài ngày như: cao su, cà phê, hồ tiêu. Trong tỉnh cũng có nhiều hồ lớn đã và đang được nuôi trồng thủy sản, phát triển nghề đánh bắt. Nếu tổ chức các tour du lịch canh nông ở Đông Trường Sơn, chúng ta có thể đưa du khách đến vùng mía và rau xanh Đak Pơ, Kbang cho khách trải nghiệm cảm giác trực tiếp thu hoạch (hoặc trồng mới, tùy vào thời vụ nào), tráng bánh tráng, đổ bánh bèo ở An Khê... Cũng có thể mời du khách ngồi trên cỗ xe ngựa tham quan quần thể Tây Sơn Thượng đạo với các di tích An Khê trường, An Khê đình, cánh đồng Cô Hầu... Ra sông Ba lưới cá rồi về làng Bahnar ở Đak Pơ ăn bắp nướng, gà nướng ngay bên bếp lửa nhà sàn, uống rượu cần, lắc lư vài điệu xoang với các cô sơn nữ...

 

Chợ nổi miền Tây. Ảnh: Thanh Phong
Chợ nổi miền Tây. Ảnh: Thanh Phong

Nếu lên các huyện phía Tây Trường Sơn vào mùa tháng 11, 12, chúng ta sẽ đưa du khách vào vườn hái cà phê, còn nếu vào tháng 1, tháng 2 thì tham gia bấm chồi, cắt tỉa cành, tưới vườn cà phê hoặc vào nông trường chè Bàu Cạn, Biển Hồ hái chè, xem quy trình chế biến chè ở nhà máy. Vào tham quan các vườn tiêu, hái tiêu hoặc vào vườn cao su xem công nhân cạo mủ, trực tiếp đi lấy mủ từ cây. Nếu vào vụ Đông Xuân, du khách có thể thu hoạch lúa trên cánh đồng An Phú-TP. Pleiku hay cánh đồng Ayun Hạ bằng máy gặt đập liên hợp, dẫn nước vào cánh đồng mùa gieo sạ; thả lưới hoặc câu cá trên hồ... Các tour du lịch này có thể gắn với du lịch văn hóa cộng đồng buôn làng như về thăm làng của Vua Lửa, làng kháng chiến Sitơr của Anh hùng Núp, chèo thuyền độc mộc đánh cá trên dòng sông Pô Cô, quê hương của Anh hùng A Sanh...

Để phát triển du lịch canh nông mang lại thuận lợi cho du khách và lợi nhuận cho người dân trong tour nên gắn với hình thức homestay: ngủ lại tại nhà dân, du khách được xem như một thành viên trong gia đình, cùng tham gia các sinh hoạt đời thường của gia đình mà mình ở lại. Qua đó không chỉ tạo được sự gần gũi, thân thiện giữa người dân với du khách mà còn góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa, ẩm thực của địa phương ra bên ngoài. Muốn tổ chức tốt dịch vụ này, ngành du lịch cần tìm hiểu kỹ về văn hóa của vùng có dịch vụ homestay, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có phương hướng đầu tư tốt, mang lại hiệu quả. Người dân trong du lịch canh nông thường thiếu vốn để xây dựng các công trình phục vụ ăn nghỉ, vệ sinh, và cũng thiếu kỹ năng giao tiếp... nên cần có chính sách hỗ trợ để đôi bên (ngành du lịch và người dân) cùng có lợi.

Du lịch xanh, du lịch canh nông đang là hướng đi thích hợp đối với “ngành công nghiệp không khói”. Đặc biệt đối với Gia Lai, hướng đi này mở ra một tương lai mới cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp cận với loại dịch vụ vừa mang lại thu nhập kinh tế khá cao vừa phù hợp với đời sống sản xuất của buôn làng.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm