Tâm nguyện và hành động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều năm nay, ở Việt Nam “Sống, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã trở thành tâm nguyện và phương châm hành động của nhiều người, nhiều giới. Cũng nhờ vậy, trên thực tế, nhiều gương sáng điển hình xuất hiện trong học tập, lao động sản xuất và trong đời sống thường nhật. Nguồn cảm hứng từ hiện thực ấy sẽ tạo nên những cách biểu đạt khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó mức độ thấu hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người cũng như trải nghiệm thực tế của mỗi người có lẽ là yếu tố có tính quyết định.
 

 Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu

Xuân Bính Thân-2016, cũng là thời khắc Đảng ta có ban lãnh đạo mới, tôi muốn được chia sẻ với những người có cùng tâm nguyện đôi điều chung quanh chủ đề rất đỗi nhân văn này.

Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc. Đó là một nhân cách đạt đến tầm vóc của “dân tộc và thời đại”. Tầm vóc và sự bình dị ấy được lý giải và cắt nghĩa theo nhiều góc độ: Nhà tư tưởng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, của thời đại; lãnh tụ của dân tộc, của Đảng cách mạng Việt Nam; chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc; nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới. Vì lẽ đó, nội dung của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” rất phong phú, nhưng cũng rất cụ thể.

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã viết nhiều về tấm gương đạo đức của V.I.Lê nin. Rèn luyện theo tấm gương đó, Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc và nhân loại một tấm gương trọn vẹn, mười phân vẹn mười của một CON NGƯỜI. Ở con người ấy, nhân cách ấy, đạo đức đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường. Do đó, Người đã trở thành “tinh hoa và khí phách, lương tâm và vinh dự”, thành biểu tượng của đạo đức và văn minh, không phải chỉ của Đảng ta, dân tộc ta, mà còn là biểu tượng của đạo đức-văn minh nhân loại. Đúng như bạn bè quốc tế đã đánh giá: Giữa lúc vàng thau lẫn lộn, đồng chí Hồ Chí Minh trở thành trung tâm và tượng trưng cho cuộc xung đột lớn lao đang diễn ra giữa cái cũ và cái mới, giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội. Sở dĩ bản anh hùng ca Việt Nam thu hút được lòng yêu mến của hàng trăm triệu người trên thế giới, chính là vì nó được tiêu biểu bởi nhân vật phi thường đó.

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một lãnh tụ hết lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân, luôn luôn tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, cho nên mọi chủ trương, chính sách từ Đảng và Chính phủ do Người sáng lập và lãnh đạo đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, luôn luôn dựa vào dân. Người giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bởi “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.

Để làm tròn trách nhiệm là người đày tớ trung thành của nhân dân, Người dạy cán bộ phải gần dân, hiểu tâm lý, nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân-ý kiến của “những người không quan trọng”; không được lên mặt “quan cách mạng”, cậy quyền cậy thế, đè đầu cưỡi cổ dân.

Mặc dù uy tín rất cao, có sức hấp dẫn rất lớn, được toàn dân suy tôn là “Cha già của dân tộc” nhưng không bao giờ Người xem mình đứng cao hơn nhân dân. Người coi việc phải gánh chức Chủ tịch cũng như việc “người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mặt trận”. Nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một tấm gương ứng xử rất văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân.

Ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chính ham muốn mãnh liệt ấy đã tạo cho Người một ý chí, một nghị lực phi thường để “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”... Cho đến khi phải từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Người vẫn chỉ là “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ta “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, Đảng là người khởi xướng và lãnh đạo mọi sự đổi thay, phát triển của đất nước. Để hoàn thành sứ mệnh ấy, trước hết Đảng phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đồng thời, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng tầm “đạo đức, văn minh”.

Tự đổi mới, tự chỉnh đốn là yêu cầu của sự vận động nội tại của Đảng cầm quyền trong quá trình lãnh đạo cách mạng; là sự nhận diện đúng quy luật vận động, phát triển của Đảng. Đảng phải dự báo được những “kẻ thù” nội sinh và ngoại sinh trong sự vận động, phát triển. Nhờ thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, Đảng mới đủ khả năng vượt qua những thử thách mới, những “kẻ thù mới” như: “kiêu ngạo cộng sản”, “sự dốt nát”, “nạn hối lộ”. Chỉ có tự đổi mới, tự chỉnh đốn, mạnh dạn cải cách, Đảng mới chiến thắng được các loại “kẻ thù” ấy, mới giữ trọn được niềm tin tuyệt đối của nhân dân, mới loại bỏ được các nguy cơ hủy hoại sự nghiệp của Đảng.

Bác Hồ là người thấm nhuần tư tưởng giải phóng con người khỏi mọi ràng buộc, áp bức, nô dịch. Người hiểu sâu sắc tự do, dân chủ và thể hiện điều đó một cách tường minh trong “Tuyên ngôn Độc lập”. “…quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” là những quyền cơ bản của con người được Người công khai khẳng định trong bản Tuyên ngôn bất hủ do Người soạn thảo. Cũng vì lẽ đó, Người cho rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không được tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa gì”. Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Người đã có nhiều quyết sách để dần hiện thực hóa các giá trị đó. Mặc dù Người chưa có điều kiện để hiện thực hóa triệt để ý tưởng nhân văn này, song cũng vì thế nội dung này trở thành trách nhiệm và vinh dự của Đảng, của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Công cuộc đổi mới đã và đang diễn ra ở nước ta hiện nay, thực chất là một quá trình mang tính nhân đạo, nhân văn nhằm khẳng định bản chất ưu việt của một chế độ xã hội  hướng tới con người, tạo mọi điều kiện để con người phát huy những năng lực-phẩm chất người, làm cho con người thực sự trở thành chủ thể tự giác, tích cực trong hoạt động sống-cũng là quá trình tái sản xuất ra đời sống của chính mình và của xã hội. Với ý nghĩa đó hoàn toàn có cơ sở để nói rằng: Xây dựng và phát triển đất nước hiện nay là nhằm phát huy nhân tố con người, là sự khẳng định con người với tư cách là chủ thể đề xuất và thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, vừa là đối tượng phục vụ, hưởng thụ kết quả của các chương trình, dự  án phát triển xã hội.

Khẳng định vai trò của con người, coi con người là sản phẩm quý giá nhất, giữ vị trí trung tâm của sự phát triển đất nước, trong thời kỳ đổi mới cần phải: Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, phải xem con người là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập và phát triển.

PGS-TS. Hồ Tấn Sáng

Có thể bạn quan tâm