Biển đảo Việt Nam

"Bắt mạch trời" giữa trùng khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa trùng khơi, cán bộ và chiến sĩ Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa vẫn lặng lẽ cống hiến để có những cảnh báo về thời tiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân đất liền.

“Gia đình khí tượng”

Trên chuyến tàu hải quân ra thăm và chúc Tết tại Trường Sa năm ngoái, chúng tôi được sắp xếp ở cùng phòng với anh Võ Thành Tín là quan trắc viên thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ (đặt tại Khánh Hòa) nhận nhiệm vụ công tác Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa. Khi con tàu hú 3 hồi còi vẫy chào đất liền bắt đầu chuyến hải trình vượt sóng ra Trường Sa thì cũng là lúc chúng tôi chuyện trò làm quen, nhưng cũng chỉ mới đến màn chào hỏi do anh Tín cáo lỗi phải nằm vì say sóng. Một cảm giác lo lắng trỗi dậy trên gương mặt của các nhà báo ở cùng phòng với anh Tín, bởi với một quan trắc viên đã từng công tác tại Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn, tỉnh Khánh Hòa) và nay trở ra đảo nhận nhiệm vụ mà tàu chưa ra khỏi Quân cảng Cam Ranh đã say sóng, thì những người lần đầu đi biển như chúng tôi sẽ ra sao?

 

Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa Lớn. Ảnh: K.N.B
Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa Lớn. Ảnh: Internet

Càng ra khơi, sóng biển cấp 4, 5 từng lớp vỗ mạn khiến tàu lắc mạnh, chúng tôi cũng lắc lư theo nhưng cũng quen, duy chỉ mình Tín say sóng suốt hơn 48 tiếng đồng hồ trong hải trình đến Trường Sa Lớn. Tàu cập cảng Trường Sa Lớn vào buổi sáng thì tối đó chúng tôi đến Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa thăm anh. Được nghỉ ngơi một ngày trên đảo, anh Tín đã tươi tỉnh trở lại. Anh cho biết: Gia đình ở thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong nhà có 6 người cùng làm nghề khí tượng, thủy văn và có 4 người đã và đang công tác tại các Trạm Khí tượng Hải văn ở quần đảo Trường Sa. Bố anh Tín, ông Võ Thống là người đầu xung phong ra Trường Sa năm 2007, tiếp đến là con trai, con rể. Bản thân anh Tín đã từng công tác hơn 2 năm ở Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa rồi trở về đất liền cưới vợ. Tín ra đảo lần 2 khi con gái vừa tròn 1 tuổi. “Kế tục truyền thống gia đình, cả hai lần tôi đều tình nguyện ra đảo làm công tác quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn. Biết là ra ngoài này khó khăn, thiếu thốn nhưng sẽ cố gắng khắc phục để phục vụ đất nước”-anh Tín tâm sự.

Lặng lẽ “bắt mạch trời”

Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa được ví như “con mắt” báo bão của cả nước. Biên chế trạm có 7 người, người lớn tuổi nhất là 30, trẻ là 20. Người công tác ở đảo lâu nhất là 5 năm. Trạm trưởng Đào Bá Cao bảo rằng làm công tác khí tượng giữa trùng khơi khó khăn gấp vạn lần ở đất liền. Mỗi ngày cán bộ và nhân viên trạm phải thay phiên nhau thực hiện 8 lần đo các thông số để báo về đất liền, mỗi lần đo cách nhau 3 tiếng, từ 1 giờ đến 22 giờ. Vào mùa mưa bão, việc đo các thông số diễn ra nhiều hơn, nhất là có bão, cứ 30-40 phút phải đo một lần và phải báo kết quả về đất liền. “Chúng tôi thường báo kết quả đo đạc, số liệu về đất liền bằng điện thoại di động. Nếu mất sóng điện thoại thì phải gọi bằng Icom để báo cáo và thông báo cho ngư dân biết diễn biến thời tiết”-anh Cao cho biết.

Mỗi năm, ở Trường Sa có đến 12, 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Bão vào nhiều nhất là vào tháng 9, 10. Mỗi lần bão đến là một lần cán bộ, nhân viên trong trạm đối mặt với hiểm nguy. “Giữa mênh mông sóng nước, gió và mưa, cộng với sóng biển như muốn thổi bay mặt người nhưng hễ trời ngớt là chúng tôi phải chạy ra đo đạc, sau đó chạy về vị trí ẩn nấp, sơ sẩy là nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2010, chúng tôi đã mất một người vì bão. Trạm ít người và thường xuyên đối mặt với nguy hiểm nên anh em quý nhau như người thân trong nhà”-quan trắc viên Dương Ngọc Sơn chia sẻ.

Trạm đóng giữa biển khơi có độ mặn cao khiến máy móc, trang-thiết bị thường xuyên bị ăn mòn. Hàng ngày, ngoài việc đo đạc các thông số, cán bộ và nhân viên thay phiên nhau lau chùi, bảo dưỡng máy móc trang-thiết bị.

Quỹ đất hạn hẹp, cùng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở đảo khiến cho việc trồng rau xanh gặp vô vàn khó khăn. Gạo và thức ăn được gửi ra từ nhiều tháng trước đó rồi trữ tủ đông. Nếu tàu không ra hoặc mùa mưa bão, mọi người phải ăn lương khô, mì gói. “Ở đây ăn lương khô và mì gói là thường xuyên, nhất là vào mùa mưa bão, nhà cửa thường xuyên bị mưa tạt ướt nên gạo và củi cũng ướt theo, không nấu nướng được”-anh Tín bộc bạch.

Mặc dù khó khăn, gian khổ nhưng những người làm công việc khí tượng tại Trường Sa vẫn vươn lên với mong muốn được đóng góp sức lực nhỏ bé cho những ngày bình yên của đất nước.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm