Biển đảo Việt Nam

Đội đặc nhiệm đảo An Bang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở đảo An Bang có một đội đặc nhiệm rất độc đáo. Đội có nhiệm vụ “chuyên trị” hỗ trợ đưa xuồng vào đảo để cán bộ, nhân dân đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo. “Lý do có đội đặc nhiệm này trước tiên là vì vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đảo An Bang”-Đại tá, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Hải quân Vùng 4 Phan Ngọc Quang, tiết lộ. Theo Phó Chính ủy, An Bang có vị trí chiến lược tạo lá chắn vòng ngoài ngăn chặn hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù từ hướng biển, khống chế các loại máy bay quân sự, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, lãnh hải quốc gia.

 Kéo xuồng vào đảo An Bang. Ảnh: T.S
Kéo xuồng vào đảo An Bang. Ảnh: T.S

Đầu tháng 3-1978, tình hình trên quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, chấp hành mệnh lệnh của trên, tháng 8-1978, Trung đoàn 146 đã cử đồng chí Cao Anh Đăng làm chỉ huy trưởng và đồng chí Nguyễn Mã làm phó chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ Đặc công Đoàn 126 hành trình theo tàu HQ 601 ra triển khai nhiệm vụ đóng giữ đảo. Tháng 11-1978, hải quân đối phương đã cho tàu bay và lực lượng vây áp An Bang suốt 11 ngày đêm. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ trên đảo không hề nao núng, quyết tâm bám sát trận địa, bình tĩnh đối phó, buộc địch phải rút lui khỏi khu vực.

Về phương diện kinh tế, do nằm trên con đường hàng hải tấp nập, nếu được đầu tư, An Bang có điều kiện khai thác dịch vụ hàng hải mang lại giá trị kinh tế lớn. Bên cạnh đó, khu vực đảo quản lý là vùng biển giàu tôm cá.

Song, yếu tố trực tiếp dẫn đến việc hình thành đội đặc nhiệm An Bang xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của đảo. Do cấu trúc san hô dựng đứng, An Bang như cây nấm khổng lồ vươn lên từ đại dương bốn mùa sóng vỗ, việc ra vào đảo gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm. Tàu vào đảo mùa sóng dữ nhiều khi bất lực. Đây chính là lý do đảo hình thành đội đặc nhiệm để làm nhiệm vụ hỗ trợ đưa xuồng vào bờ an toàn. Ra Trường Sa mùa giông gió nên trước hôm vào thăm An Bang, đoàn nhà báo nhận được thông báo nếu thời tiết không thuận thì chỉ 10 trong số 39 người được lựa chọn vào đảo. Đêm ấy, nhiều nhà báo đã tìm gặp giao lưu, thăm hỏi, chia tay các cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại đảo lần này và cầu mong giông gió qua mau để ngày mai tất cả cùng được vào đảo. Và như thấu được tình cảm, lòng người, hôm sau trời trong nắng đẹp, các nhà báo đều được lên xuồng vào đảo như ý nguyện.

Theo Đại úy, Chính trị viên Vũ Quang Minh: Do đảo nằm trên thềm san hô dựng đứng, ra vào khó khăn nên quân nhân đều được giáo dục, huấn luyện mọi mặt, nhất là kỹ năng hoạt động trên biển. Thiếu tá Phạm Văn Thạo-Phó Chỉ huy quân sự, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm cho biết, đội có vài chục người, lựa chọn kỹ càng từ những chiến sĩ khỏe mạnh, gan dạ, tích lũy nhiều kinh nghiệm biển giã, giỏi bơi lặn trực tiếp hướng dẫn, điều khiển luồng lạch, tiếp cận ghe xuồng để đưa vào bờ.

Các chiến sĩ được huấn luyện thuần thục và tinh nhuệ kỹ năng đi xuồng, bắt dây, kéo xuồng lên đảo, phòng tránh rủi ro, va chạm... Chỉ huy đảo duy trì thường xuyên việc huấn luyện thực tế trên biển, đặt ra yêu cầu cao đối với đội công tác đặc biệt này. Khi xuồng chở đoàn công tác còn chưa cập bờ, các chiến sĩ đội đặc nhiệm quần cộc áo phao đã ào ra mặt nước, bất chấp sóng to bắt dây mồi rồi nhanh chóng triển khai thành 2 hàng chéo góc ra sức kéo xuồng vào bờ. Phải đến mấy phút vật lộn với những con sóng lớn khiến xuồng chòng chành dạt vào kéo ra như thế, các chiến sĩ mới đưa được xuồng vào bờ. Nhìn chiến sĩ ướt sũng, mệt nhoài nhưng phấn khích, vui mừng vì hoàn thành nhiệm vụ mới cảm phục và thương làm sao.

Từ kết quả đón các đoàn công tác từ đất liền ra đảo thăm và làm việc an toàn, đội đặc nhiệm được các cấp, các ngành, lãnh đạo Trung ương, địa phương, quân đội đánh giá rất cao. Nếu không thường xuyên giáo dục, huấn luyện thì không thể hoàn thành nhiệm vụ trên đảo, nhiệm vụ giữa tàu và đảo, giữa các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Trước khi lên tàu 561 thực hiện hải trình Nam Trường Sa, chúng tôi đã ít nhiều nghe kể về An Bang. Hòn đảo thơ mộng đi vào câu hát “Đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang” nhưng nó cũng cảnh báo không ít hiểm nguy “sóng cuồng bão giật” cho những ai muốn đặt chân đến. Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ đảo xa, trực tiếp là đội đặc nhiệm không sợ hiểm nguy, dũng cảm đối mặt với những con sóng lớn biển sâu, bắt dây mồi, ra sức kéo xuồng, đưa người lên đảo đã nói lên tất cả. Hành động đó đã lưu lại hình ảnh thật đẹp về người lính đảo trong tâm hồn và tình cảm người xa đến, trong sự cảm phục, yêu mến và tin tưởng của đất liền vào nhiệm vụ của người chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm