Biển đảo Việt Nam

Khám chữa bệnh từ xa trên quần đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hôm đến đảo An Bang, chúng tôi chứng kiến hoạt động trang bị hệ thống khám-chữa bệnh từ xa hiện đại cho bệnh xá đảo.

 Giới thiệu thiết bị khám-chữa bệnh trực tuyến đảo An Bang. Ảnh: T.S
Giới thiệu thiết bị khám-chữa bệnh trực tuyến đảo An Bang. Ảnh: T.S

Quần đảo Trường Sa hiện có 21 đảo và 33 điểm đảo. Địa bàn rộng, xa đất liền, các điểm đảo ở cách xa nhau, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, cũng như công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang-thiết bị. An Bang là đảo được liệt vào hàng khó khăn nhất. Với đặc điểm tự nhiên là nằm trên dải san hô dựng đứng, quanh năm sóng vỗ, ra vào rất nguy hiểm nên đảo nhận được sự quan tâm về nhiều mặt, nhà ở được xây dựng kiên cố, đảo có bãi đáp trực thăng, hệ thống năng lượng gió, điện mặt trời, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh, mạng di động Viettel, nguồn nước sinh hoạt giúp đời sống vật chất, tinh thần cán bộ, chiến sĩ không ngừng được cải thiện và nâng cao. Và hệ thống khám-chữa bệnh từ xa là một ví dụ về sự quan tâm chăm lo to lớn đó.

Tiếp chúng tôi trong lúc các nhân viên kỹ thuật thao tác lắp đặt và hướng dẫn sử dụng hệ thống thiết bị khám-chữa bệnh từ xa, Trung úy Phan Quang Anh-Bệnh xá trưởng đảo An Bang cho biết: Các chiến sĩ và ngư dân đánh bắt cá trên ngư trường Trường Sa đôi khi mắc bệnh đau ruột thừa, các bệnh về da và mắt, hay rủi ro tai nạn trong quá trình lao động, công tác. Những bệnh thông thường thì không đáng nói, nhưng gặp những ca phức tạp thì y-bác sĩ bệnh xá cũng không tránh khỏi lúng túng, rất cần sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia trình độ cao ở đất liền. Đó là lý do vì sao phải đầu tư trang bị hệ thống khám-chữa bệnh từ xa cho các đảo (hệ thống khám-chữa bệnh trực tuyến).

Hệ thống khám-chữa bệnh từ xa cho quân dân 9 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa do Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng triển khai từ năm 2012. Đầu tiên là đảo Trường Sa, đến An Bang là đảo thứ 8 và sắp tới là đảo cuối cùng-Trường Sa Đông (dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 1-2017). Với Bệnh xá đảo An Bang, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện 175 đảm nhận khâu lắp đặt và hướng dẫn sử dụng. Trước đó, đội ngũ thừa hành theo tàu 631 Hải quân Vùng 4 đã không thể lên được đảo suốt 4 ngày vì biển động, sóng to gió lớn.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Hải-thành viên đoàn công tác, hệ thống khám-chữa bệnh cho các bệnh xá đảo kết nối chặt chẽ với các bệnh viện trong đất liền. Đây là hệ thống y tế phục vụ việc thăm khám, hội chẩn, phẫu thuật… Hệ thống gồm một loạt thiết bị: phục vụ hội nghị truyền hình (máy tính, camera), thiết bị y tế ghi lại thao tác mổ làm tư liệu cho học viên và phục vụ công tác hội chẩn. Ngoài ra còn có thiết bị soi da, họng, khám các bệnh tổng thể; máy đo các chỉ số sống còn, máy đo nhịp tim, máy nghe tim, phổi…

Với việc trang bị hệ thống khám-chữa bệnh này, cơ sở vật chất, năng lực khám-chữa bệnh cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ y-bác sĩ các bệnh xá đảo không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nhờ có sự hướng dẫn của chuyên gia từ đất liền, nhiều ca bệnh phức tạp được cứu chữa kịp thời, sức khỏe cán bộ, nhân dân trên các đảo được quan tâm chăm sóc tốt hơn.

Rõ ràng, hệ thống khám-chữa bệnh từ xa trên các bệnh xá đảo thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng làm nhiệm vụ trên các đảo. Việc làm đó thêm vào điểm tựa để cán bộ, chiến sĩ vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, tích cực hỗ trợ ngư dân bám biển đánh bắt hải sản làm giàu cho gia đình và phát triển kinh tế đất nước.

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm