“Bảy hoa sen trên sông Hương là biểu tượng cho Đại lễ Phật đản của Thừa Thiên-Huế”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thượng tọa Thích Giác Đạo
Bắt đầu từ năm 2008, tác phẩm “Bảy đoá sen hồng nâng gót tịnh” sắp đặt 7 đoá hoa đăng khổng lồ lớn nhất từ trước đến nay ở Huế đã được các tăng ni, kỹ sư, hoạ sĩ và phật tử trẻ Thừa Thiên-Huế thực hiện để cúng dường Đức Phật trong ngày đản sanh Đức Từ Phụ và nhân Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008.
Kể từ đó, năm nào 7 đóa sen cũng tiếp tục toả sáng, tạo cho dòng sông Hương chiều sâu không gian tâm linh và đem lại cho lòng người cảm giác bình an, sâu lắng. Đại lễ Phật đản năm nay cũng vậy, chỉ có điều khác với các năm trước, năm nay, lần đầu tiên 7 đóa sen hồng được chuyển sang màu vàng- màu tượng trưng cho đạo Phật. 
Thượng tọa Thích Giác Đạo, Chánh văn phòng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng tiểu ban trang hoàng nơi công cộng của Ban tổ chức Đại lễ Phật đản, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã cho biết về những điểm mới của tác phẩm sắp đặt mang đầy ý nghĩa trong Đại lễ Phật đản tại Huế này:  

Tác phẩm “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” được thiết kế từ năm 2008- năm Nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008. 7 hoa sen này là ý tưởng của nhóm tăng ni trẻ Thừa Thiên Huế và được Ban trị sự cũng như là Ban tổ chức Đại lễ Phật đản chấp nhận. “Bảy đoá sen vàng nâng gót tịnh” là vì khi Đức Phật mới sinh ra đã đi được 7 bước và trên mỗi bước chân nở thành 1 hoa sen. 7 hoa sen này nói lên tiến trình tu tập của Đức Phật để chính được đạo quả, chính được giải thoát- niết bàn.
Qua việc thực hiện tác phẩm này, các tăng ni trẻ Thừa Thiên-Huế thể hiện mong muốn qua được 7 tiến trình tu tập đó như Đức Phật, nên họ phải thể hiện được cái tâm, đem hết khả năng của mình để thực hiện tác phẩm 7 hoa sen. Việc làm này cũng thể hiện cái tâm rất lớn của tăng ni phật tử trẻ và giáo hội rất đồng tình, hoan nghênh. Chính vì vậy hằng năm đến mùa Phật đản, tác phẩm đã đều đặn được thực hiện. Năm 2010 trong một phiên họp của Ban trị sự và Ban tổ chức Đại lễ Phật đản đã quyết định lấy 7 hoa sen làm biểu tượng cho Đại lễ Phật đản của Thừa Thiên-Huế.
Tăng ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế chuyển cánh hoa sen đến bia Quốc học để lắp ráp. Ảnh: Thanh Vân
Và khi đã quyết định như vậy thì năm nào Giáo hội cũng sẽ thực hiện 7 hoa sen này trên sông Hương. Như vậy, từ năm 2010 trở về sau, năm nào cũng sẽ có 7 hoa sen trên dòng sông Hương. Quần chúng và phật tử mỗi khi thấy 7 hoa sen trên sông Hương là biết mùa Phật đản đã đến.
* Thượng tọa có thể cho biết vì sao tác phẩm 7 đóa sen năm nay được chuyển sang màu vàng?
Hoa sen theo như trong kinh dạy thì có nhiều màu như màu hồng, màu trắng, xanh, vàng. Do vậy, Giáo hội quyết định hằng năm sẽ có sự đổi màu, 3 năm trước từ năm 2008 đến 2010, đã làm màu hồng, năm nay Giáo hội quyết định đổi thành cánh hoa sen màu vàng và nếu được thì sang năm sẽ đổi sang màu xanh. Như vậy, 7 hoa sen sẽ được thay đổi màu theo từng năm. Bản thân màu vàng là màu tượng trưng cho Phật giáo, màu hoàng y của đức Phật và chư tăng cũng mặc y vàng.
* Để có tác phẩm “Bảy đoá sen vàng nâng gót tịnh” lung linh trên sông Hương trong mùa Phật đản, hẳn quá trình chuẩn đã được lên kế hoạch từ rất sớm trước Đại lễ?
7 hoa sen này đã có từ năm 2008 rồi, như vậy từ đó đến nay khung sắt vẫn giữ nguyên, năm nay chỉ thay đổi màu của cánh hoa. Điểm khác trong quá trình thực hiện là năm nay Giáo hội quyết định giao 7 hoa sen cho Học viện Phật giáo Việt Nam để tăng ni sinh ở đây sẽ thực hiện 7 hoa sen này bởi vì Học viện thì hết khóa này sẽ có  khóa khác, lúc nào cũng có tăng ni sinh cả như vậy vấn đề kế thừa để thực hiện 7 hoa sen sẽ ổn định hơn.
Tuy là tăng ni sinh của Học viện thực hiện nhưng tác phẩm này vẫn trực thuộc tiểu ban trang hoàng nơi công cộng của Ban tổ chức Đại lễ Phật đản của Giáo hội phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế và tiểu ban đã lên quy trình làm việc để thực hiện 7 hoa sen. Sau quá trình tập trung tăng ni sinh vệ sinh khung sắt rồi dán cánh hoa sen, sáng 3-4 âm lịch, hoa đã được vận chuyển về phía sau bia Quốc học để lắp ráp.
Đóa sen vàng ở đoạn sông Hương phía trước cột cờ Phu Văn Lâu. Ảnh: Thanh Vân
Đúng 7h ngày 6-4 âm lịch đã tổ chức lễ hạ thủy 7 hoa sen trên sông Hương với sự tham gia của tất cả tăng ni sinh Học viện và lãnh đạo Giáo hội, Ban tổ chức đại lễ Phật đản. Sáng mùng 8-4 âm lịch, tất cả mọi hoa sen đã nằm đúng vị trí trên đoạn sông Hương và tối 8-4 lễ thắp sáng hoa sen đã được tổ chức theo đúng kế hoạch, mở đầu cho tuần lễ Phật đản.
* Mong muốn của Thượng tọa đối với tác phẩm sắp đặt hoa sen trên sông Hương là...?
Tác phẩm sắp đặt “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” đã có mặt trên sông Hương đến mùa Phật đản thứ tư rồi. Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng như Ban tổ chức Đại lễ Phật đản đã quyết định lấy tác phẩm này làm biểu tượng Phật đản của Huế thì tất nhiên đó chính là mong muốn lớn nhất của tôi và sau này dù mấy mươi năm nữa, thì cứ đến mùa Phật đản, 7 hoa sen này sẽ có trên dòng sông Hương.
Qua sau nhiều năm thực hiện, tác phẩm “Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh” đã được quần chúng đánh giá rất cao từ giới trí thức đến người dân bình thường. Phải nói rằng thiên nhiên đã ưu đãi cho Thừa Thiên-Huế có dòng sông Hương đẹp như thế và đến Đại lễ Phật đản lại có 7 hoa sen trên dòng sông tạo thêm nét đẹp rất riêng cho dòng sông Hương thơ mộng...
* Xin cảm ơn Thượng tọa!
Thanh Vân (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm