Vì sao những quả xoài được bán với giá cao chót vót ở siêu thị nước ngoài vẫn khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cảm thấy “buồn lắm”?
Vải thiều Việt Nam được bán với giá cao ở Pháp, nhưng nông sản Việt chỉ là 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU. Ảnh: Minh Thuý |
Có một câu hỏi được đặt ra trong buổi toạ đàm trên cổng thông tin điện tử Chính phủ: Người Việt ở Australia, ở Nhật khi đi siêu thị đã rất xúc động đăng tải lên Facebook những tấm ảnh chụp sản vật quê nhà như quả vải, thanh long được bán với giá rất cao. Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần thay đổi chiến lược xuất khẩu theo hướng tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị giá tăng?
Và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời, rằng: Vui thật, cảm xúc thật. Nhưng buồn lắm.
Tại sao lại thế?
Bởi chính ông, tư lệnh ngành, phát hiện ra là nông sản mình bán ra “ít lắm”.
Bán ít, mật độ thì “lâu lâu mới có một thương vụ”. Chưa kể tới giới hạn chỉ “đa phần bán ở các cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan”.
“Tôi vừa qua có đi Châu Âu với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nhiều đại sứ có nói nhiều khi thanh long của mình bán ở cửa hàng Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt”- lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Quả thanh long, “mặc áo Thái Lan” không chỉ là chưa đàng hoàng đường bệ, mà phải nói là còn rất mặc cảm, tự ti.
Nó có ngon cách mấy thì hẳn nhiên vẫn định vị trong mắt người tiêu dùng đó là hàng Thái Lan.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan buồn. Người Việt mình buồn. Nông dân thì đương nhiên là không thể vui. Bao mồ hôi nước mắt, bao công sức chăm bẵm để có được một thứ nông sản. Trong khi bán thì rất hẻo ở những thị trường lớn.
Ông Lê Minh Hoan, từ khi ở Đồng Tháp - chính là người truyền thông việc đưa container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ.
Nhưng chính ông cũng nhận chân vấn đề là nhiều khi nó khiến chúng ta hào hứng quá mà quên đi những vấn đề, những rủi ro phía sau.
Và ông nói, rất thật: Không thể chỉ vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường. Một Đại sứ ở EU đã nói rằng, nông sản của mình mới chỉ là 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại bán ở cửa hàng gốc Á.
“Phải mất nhiều năm nữa” là mốc thời gian là chính bộ trưởng tự đặt ra - cho sự “đàng hoàng” của nông sản Việt.
Nghe qua thì có vẻ mơ hồ nhưng thật ra đó mới chính là thực tế, là tỉnh táo.
Và chúng ta có niềm tin với một tư lệnh ngành nhìn thấy rất rõ vấn đề, không hề ảo tưởng. Một bộ trưởng với nỗi buồn chân chính đau đáu với việc tiêu thụ nông sản cho dân.
Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)