Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Sẽ tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế sử dụng ma túy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I và triển khai kế hoạch quý II-2019 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào ngày 24-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị nên xem xét sửa đổi quy định để tước bằng lái vĩnh viễn với lái xe sử dụng ma túy.
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí
Cùng với cả nước, Gia Lai là tỉnh tình hình tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí. Theo đó, 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 78 vụ TNGT, làm chết 54 người, bị thương 72 người. So với cùng kỳ năm 2018 giảm 29 vụ (giảm 27,1%), giảm 17 người chết (giảm 23,94%) và giảm 37 người bị thương (giảm 33,94%). “Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh trong công tác triển khai các giải pháp kiềm chế TNGT”-Đại tá Phạm Văn Uấn, trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Gia Lai đánh giá.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước, Gia Lai vẫn nằm trong số các địa phương có tình hình TNGT cao. Cụ thể, Gia Lai đứng thứ 11/63 tỉnh thành về số vụ; thứ 9 về số người chết, người bị thương. Trong đó, có 2/7 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 6 người xảy ra tại quốc lộ 14 đoạn qua xã Ia Glai (huyện Chư Sê) và ngã tư giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku với tỉnh lộ 664 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai).
Điểm cầu Gia lai tham gia Hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo ATGT 3 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Hòa
Điểm cầu Gia lai tham gia Hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo ATGT 3 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Hòa
Qua phân tích làm rõ các vụ TNGT cho thấy, có 32 vụ va chạm giao thông, ít nghiêm trọng; 40 vụ nghiêm trọng và 6 vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số bước đầu được kiềm chế với 32 vụ, làm chết 15 người, bị thương 35 người (giảm 10 vụ, 17 người chết và 3 người bị thương so với cùng kỳ năm trước). TNGT xảy ra chủ yếu do các nguyên nhân: đi sai làn đường, phần đường; vi phạm tốc độ; không chú ý quan sát… với 96,55% số vụ có nguyên nhân thuộc về lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Thời gian xảy ra TNGT chủ yếu nằm trong khung giờ từ 17-22 giờ (38 vụ, chiếm 48,72%). Tuyến đường xảy ra tai nạn chủ yếu là quốc lộ (37 vụ), đường nội thị (22 vụ), đường tỉnh 6 vụ. Ngoài ra, phương tiện, đối tượng chính gây ra TNGT là mô tô (chiếm trên 76%), ô tô (chiếm gần 22%)… TNGT liên quan xe công nông tăng về số vụ (8 vụ, tăng 1 vụ), giảm 2 người chết và 1 người bị thương.
Bên cạnh đó, trong quý I năm nay, lực CSGT, cảnh sát trật tự toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 26.739 trường hợp vi phạm (tăng 9.788 trường hợp); xử phạt 24.846 trường hợp với tổng số tiền 8,7 tỷ đồng, tạm giữ 5.605 phương tiện vi phạm và 13.173 giấy tờ, tước 1.183 giấy phép lái xe. Đặc biệt, tổ kiểm tra xử lý chuyên đề về ma túy, nồng độ cồn của Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện kiểm tra ma túy đối với 80 trường hợp ô tô, kiểm tra nồng độ cồn đối với 2.400 trường hợp ô tô, xe mô tô đã phát hiện, lập biên bản 46 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 1 trường hợp dương tính với ma túy. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát khác, công an cấp xã, tổ tự quản ATGT phát hiện, xử phạt 1.431 trường hợp vi phạm; cảnh cáo 5.873 trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Thanh tra Giao thông tỉnh đã dừng và kiểm tra 156 lượt phương tiện, phát hiện 82 phương tiện vi phạm; tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 30 tổ chức, 86 cá nhân với tổng số tiền xử phạt trên 658 triệu đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn 52 loại giầy tờ liên quan…
Tập trung kiểm soát phương tiện, người lái
Cảnh sát giao thông đang làm rõ một vụ TNGT xảy ra trên Quốc lộ 14. Ảnh: Lê Hòa
Cảnh sát giao thông đang làm rõ một vụ TNGT xảy ra trên Quốc lộ 14. Ảnh: Lê Hòa
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh tới một số vấn đề trọng tâm nổi lên trong 3 tháng đầu năm 2019, từ đó đề ra các giải pháp trong các tháng tiếp theo. Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố tiêu chuẩn, trách nhiệm người lái và doanh nghiệp vận tải quản lý phương tiện và người lái gây TNGT, công tác đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe. “Sự buông lỏng quản lý về ATGT trong kinh doanh vận tải, doanh nghiệp quá đề cao chỉ tiêu kinh doanh, giao doanh số, thậm chí khoán trắng cho tài xế đã tạo áp lực cho tài xế. Nhiều vụ TNGT liên quan đến doanh nghiệp vận tải nhưng mới chỉ xử lý nghiêm khắc tài xế, còn doanh nghiệp lại chủ yếu xử lý hành chính nên chưa nêu cao được trách nhiệm doanh nghiệp vận tải với công tác đảm bảo ATGT”-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định. Đối với trường hợp tài xế sử dụng ma túy gây TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị nên xem xét sửa đổi quy định để tước bằng lái xe vĩnh viễn thay vì tước có thời hạn như hiện nay nhằm nâng cao tính răn đe, đồng thời hướng đến loại trừ các tài xế sử dụng ma túy tham gia hoạt động và gây bi kịch cho người khác.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ cũng chỉ đạo một số nội dung trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới, như: nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống camera giám sát phát hiện vi phạm trật tự ATGT; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm; tập trung xử lý các “điểm đen” TNGT… Đặc biệt, phải phát động đợt cao điểm xây dựng văn hóa giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân, từ trường học, các tổ chức hội đoàn thể đến các công ty, xí nghiệp, lái xe…
Đối với Gia Lai, thực hiện chủ đề năm ATGT 2019 “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe gắn máy”, ông Phan Hữu Hiếu-Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: "Trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, lực lượng thành viên triển khai siết chặt đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; thanh kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp vận tải theo quy định, kiểm tra sức khỏe tài xế và quy trình thực hiện khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe tài xế của các cơ quan y tế; tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, ngăn chặn nguy cơ xảy ra TNGT thuộc về lỗi khách quan…”
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm