Chuyện chưa kể về chiếc nón lá của bà Hillary Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi đi thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bà Hillary trầm ngâm đại ý: thời gian có quá ít, tôi chỉ có ít phút trước hàng ngàn năm lịch sử, thế nào tôi cũng có dịp quay trở lại nơi này.
 

Bà Hilary và con gái trong chuyến thăm Việt Nam.


Vừa đi vừa hỏi thăm đường, tới được thôn Phú Tàng xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn (chính là chỗ Núi Đôi nổi tiếng của thi sĩ Vũ Cao rẽ vào 5 cây số) thì đã lưng buổi trưa. Đường đi lối lại trong thôn đã bịt kín đã giăng đầy lực lượng an ninh của ta và an ninh phủ Tổng thống. An ninh cho đệ nhất phu nhân Hillary Clinton  và con gái Chelsea đến thăm dự án Quỹ tình thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Oxfam tại thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày 17-11 được bài trí cẩn trọng chu tất.

Rất lắm nhân viên an ninh đàn ông lẫn đàn bà cao lênh khênh, người của phủ tổng thống chốt chặt các lối rẽ trong thôn dưới cái nắng trưa khá gắt để ngày mai trời chuyển gió mùa Đông Bắc, anh nào chị nấy nhễ nhại mồ hôi nhưng cứ im lìm như tượng. Dưới nắng trưa rờ rỡ, ngay bên cạnh tôi là nhịp bước khoan thai của bà Hillary trong bộ đồ màu sáng sánh đôi cùng cô con gái Chelsea. Bà tân thượng nghị sĩ đang sốt sắng hỏi chuyện chị Lê Thị Lương, một nông dân của thôn, ngay dưới nắng trưa giữa sân nhà cách thức chị dùng đồng vốn vay để nuôi lợn gà ra sao, một vốn của quỹ tình thương của Hội Phụ nữ để thành được bốn lời như thế nào. Bà Hillary thích thú xem chị Lương thao tác cách chế biến đậu phụ.

Cuối vườn chuối cách xa chuồng lợn, tôi nhác thấy tướng Phạm Chuyên-Giám đốc Công an Hà Nội. Chắc ông có mặt để lo an ninh cho cuộc thăm. Ông đang thầm thì gì đó với một Công an trẻ. Lại rút ra cái gì hình như tiền? Mải hướng ống kính máy ảnh về chỗ chị Lương và bà Hyllary nên tôi không để ý đến viên phụ tá của ông Phạm Chuyên đã trở lại với hai cái nón lá trên tay, xăm xắn lách qua hàng rào người đến bên cạnh hai mẹ con bà Hyllary đưa hai cái nón ra và nói điều gì đó. Có một thoáng ngạc nhiên và ngay sau là nụ cười rạng rỡ của bà đệ nhất phu nhân cùng cô con gái. Ngay sau đó cả hai vẻ thận trọng ướm cái nón lá Việt Nam lên đầu. Thôi rồi là hàng tràng âm thanh của máy ảnh cùng các thiết bị ghi hình dậy lên ghi lại hình ảnh lạ mắt nhưng duyên dáng của đệ nhất phu nhân cùng con gái dưới vầng nón lá Việt.

Sau này ngồi chuyện với ông Phạm Chuyên được ông bộc bạch thế này. Mùa đông xứ mình thường có buổi tự dưng gắt lên cái nắng hanh hao khó chịu báo hiệu có đợt không khí lạnh bổ sung. Cậu có thấy hai mẹ con phải đối phó với cái nắng nhiệt đới bằng cách lấy cái ví tay che hờ… Tớ hối chúng nó chạy đi mượn nón hoặc vù ra cửa hiệu chỗ đầu làng mà quơ lấy vài cái. Ban sáng đi kiểm tra tớ đã thấy cái cửa hiệu ấy rồi…

Bây giờ coi lại các bức ảnh đã ghi lại khoảng khắc độc đáo ấy, để ý thấy hai cái nón mà phu nhân Tổng thống cùng con gái đội quả là nón mới.

Sau nữa tôi cũng được biết trong một chuyến công cán đến Mỹ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có món quà độc tặng bà ngoại trưởng Hillary. Đó là bức tranh bằng đá quý do chính tay đại gia đá quý Phạm Văn Cường chế tác hình ảnh phu nhân Hillary và con gái đội nón trưa ấy ở một thôn hẻo lánh ở Sóc Sơn.

Nhờ có cặp nón mà hình như phu nhân và con gái bám trụ ở thôn Yên Tàng hơi lâu?

Chị Lương áo trắng, nhỏ thó lọt thỏm trong đám phóng viên ngoại quốc cao lớn. Thì có sự kiện gì to tát đâu. Thôn Phú Tàng cũng như xã Bắc Phú, Sóc Sơn quê chị có tên “phú” nhưng nghèo lắm, chiêm khê mùa thối là cái rốn nước của huyện. Mới đầu chị vay của Quỹ 300.000 đồng khởi sự xóa đói bằng làm đậu phụ, rồi nuôi gà. Kha khá một tí trả xong nợ cũ chị vay tiếp gây thêm đàn gà nữa rồi nuôi lợn. Ba năm nay nhà chị với hai đứa con nhỏ mới thoát đói và đang giảm một chút nghèo thôi chứ đã tấn tới khấm khá gì. Thế mà mấy ông báo Tây này cứ quây lấy chăm chú hỏi chăm chú ghi ghi chép chép. Chị cứ tính thực thế mà trình bày. Tôi để ý đám ký giả đang vây lấy chị Lương cứ chiểu theo tấm thẻ tòn ten trên ngực thì những là Chandler của CNN; Marl Lander của New York Times; Richard của Daily News; Al Turner của ABC. Bốn vị nữa tôi không thấy có thẻ. Chị Lương đâu biết đây là những tay tổ trong làng báo Mỹ này tìm tới cái xóm nghèo này của chị.

Chị Nguyễn Thị Thu mà bà phu nhân tổng thống đến thăm tận nhà đã cười khi tôi hỏi là trước đấy cán bộ thôn có dặn chi điều gì không. Hình như có nhưng khi các ông quây lấy tôi chụp ảnh hỏi han và nhất là khi hai mẹ con bà phu nhân Tổng thống bước vào nhà là tôi quên sạch cả. Này anh, nghe đâu bà ấy năm mươi mà người còn nõn thế không biết? Mà lại hỏi những câu hệt như cán bộ huyện hội, cán bộ phụ nữ xã, tinh những việc mà tôi đã thuộc đã làm như dùng vốn tổ chức nuôi gà nuôi lợn nên tôi cứ tình thực tế mà trình bày, chả run tẹo nào cả. Chỉ có thế mà bà ấy còn khen tôi nữa chứ...

Có lúc thấy ái nữ Chelsea đứng riêng, tôi chợt nghĩ ra phận sự của mình.  Ngay từ đầu, chúng tôi nghĩ bằng cách nào đó cố gắng có một bài dạng phỏng vấn với ái nữ của ông bà tổng thống. Nhưng trong những cuộc thăm như thế này có mà mồng thất mới có cái cơ may ấy. Gặp còn khó. PV Quốc Dũng cùng tôi hì hục thảo một cái email gửi cho Chelsea. Quốc Dũng phiên ngay ra tiếng Anh. Cứ ngắm vẻ mặt hân hoan xen chút hài lòng của anh bạn đồng nghiệp đủ biết Quốc Dũng đó thực thi cái công việc ấy cẩn trọng say mê như thế nào! Đại để mấy câu gọi là nội dung phỏng vấn bạn lần đầu tới một đất nước từng là cựu thù của nước Mỹ, cảm giác của bạn? Trước chuyến thăm bạn đó biết gỡ về Việt Nam? Những cuộc gặp gì tiếp xúc mà bạn được tham gia chứng kiến trong cuộc thăm đó để lại cho bạn ấn tượng gì?vv…

Bức thư điện tử đã được hoàn tất nhưng gửi đi bằng cách nào? Tất tật không ai có địa chỉ email của công chúa Chelsea. Tôi đã có cách. Nhờ tướng Phạm Chuyên nhiệt tình giúp cho nên may mắn tôi xuyên qua hàng rào an ninh cả Mỹ lẫn Việt dày đặc lọt được vòng trong nơi diễn ra sự kiện. Nhưng không có cuộc mặt đối mặt mà tôi  được tận mắt chứng kiến cuộc chuyển thư như thời cổ là một phiên dịch Bộ Ngoại giao vốn là chỗ quen biết đã cầm phong thư đưa tận tay ái nữ Tổng thống.

Nhưng suốt cả cuộc thăm, đợi mãi mà tịnh chẳng thấy hồi âm? Cho đến khi chuyến thăm kết thúc chúng tôi vẫn dài cổ đợi? Rồi tuyệt vô âm tín. Sao thế nhỉ? Khuôn mặt ái nữ Chelsea như bừng sáng khi người phiên dịch trực tiếp trao bức thư đó cơ mà?

Chao ôi Chelsea khả ái ngơ ngác của 16 năm trước lạ lẫm giữa thôn Yên Tàng? Nay đã làm mẹ.

Trở lại chuyện ở Yên Tàng hôm đó. Phu nhân Tổng thống và cô Chelsea, nón lá cuốc bộ trên đường làng đoạn thì lấm bụi, đoạn thì rợp bóng tre để ra đình dự buổi sinh hoạt của các hội viên Quỹ tình thương xóa đói giảm nghèo.

Hai mẹ con ngồi chung với các hội viên trong thôn cùng vỗ tay theo nhịp bài hát “Bốn phương trời ta về đây chung vui”. Phu nhân tổng thống cầm micro bình dị giữa chị em thôn Yên Tàng “Tôi và con gái tôi rất vui có mặt ở đây với chị em hôm nay. Tôi biết thế nào là vai trò của các bạn trong đời sống gia đình trong quá khứ bảo vệ đất nước cũng như bây giờ trong việc xây dựng cuộc sống mới. Bằng số vốn ít ỏi, bằng sự tần tảo chịu thương chịu khó, các bạn đã làm nên điều kỳ diệu, niềm hạnh phúc khi cho con đi học, nuôi thêm gia súc, mở rộng hoặc xây mới nhà cửa...”.

Để ý chả thấy bà ghi chép gì, và cũng chẳng thấy ai nhắc nhưng khi kết thúc bài nói bà cảm ơn vanh vách (bằng âm sắc Việt hẳn hoi) tên của chị Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện, xã, của chị phụ trách cụm, thôn làm chị em rất ngạc nhiên và cảm động. Tràng pháo tay cuối như được dậy hết cỡ khi đại diện Hội Phụ nữ Trung ương tuyên bố kết nạp hai mẹ con là hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam.

Trên đường về có nán lại một chút với chị Kiều Hà Liên, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Có lẽ chị là người phụ nữ Việt Nam duy nhất tham dự một số hoạt động của bà Hillary và cô con gái Chelsea từ lễ đón đến lễ tiễn... Chị Liên bộc bạch thế này: Người ta nói nhiều tới sự khả ái của phu nhân Tổng thống và cô Chelsea, tôi nghĩ nhận xét này nên dành cho cánh đàn ông các anh thì chính xác hơn. Vâng, tôi đã tham dự nhiều hoạt động như lễ đón, cuộc chiêu đãi, các cuộc mua sắm ở phố cổ, cuộc thăm ở xã Bắc Phú Sóc Sơn, địa điểm khai quật tìm kiếm hài cốt phi công Elvert... nhưng không phải chỗ nào bà Hillary cũng “thường trực” một nụ cười khả ái như các anh vẫn thấy... Tôi nhớ mãi vẻ mặt đăm chiêu của bà tân thượng nghị sĩ lúc đứng trước những hiện vật trận Bạch Đằng giang, Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Khu di tích Hùng Vương... khi đi thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Bà Hillary trầm ngâm đại ý:  thời gian có quá ít, tôi chỉ có ít phút trước hàng ngàn năm lịch sử, thế nào tôi cũng có dịp quay trở lại nơi này. Tôi có cảm giác khi tới khu khai quật tìm hài cốt của viên phi công Elvert và lúc đến xem triển lãm rà phá bom mìn, bà Hillary hầu như vắng hẳn cái cười khả ái như mọi người vẫn thường thấy...

Theo Xuân Ba (Tiền Phong)
Vntinnhanh đặt lại tiêu đề

Có thể bạn quan tâm