Hạnh phúc của già Đinh Yem

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chúng tôi về làng Đak Giang 2, xã Đông, huyện Kbang để tìm hiểu thực hư câu chuyện già Đinh Yem hiến đất của mình cho 6 đôi trai gái nghèo trong làng cưới nhau làm nhà ở. Những người trong cuộc thì cho rằng “già Yem như ông bụt trong câu chuyện cổ tích thời hiện đại”, người khác lại cho rằng “ông đúng là bị… hâm, bởi thời buổi tấc đất, tấc vàng lại đem cho không người ta”... Nhưng khi gặp Đinh Yem chúng tôi mới ngộ ra những việc ông làm đơn giản là xuất phát từ tấm lòng nhân ái.

Ông Đinh Yem (bên trái). Ảnh: Lê Nam
Ông Đinh Yem (bên trái). Ảnh: Lê Nam
Kbang những ngày đầu mùa khô, thời tiết nắng nóng, trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chúng tôi gặp già Đinh Yem đang hì hụi bên chiếc gùi đan còn dang dở. Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là khuôn mặt đen nhẻm, gầy gò, xen chút khắc khổ  của ông già vừa bước sang tuổi 65, chỉ còn đôi mắt sáng và hồn hậu. Điều kiện đầu tiên mà ông đặt ra cho chúng tôi là phải uống cạn 3 chén rượu trắng cùng ông thì ông mới kể cho nghe về cơ duyên những việc làm của mình... Xong phần thủ tục, giọng ông trầm ngâm: “Năm 1959, khi tròn 15 tuổi tôi bước vào quân ngũ và công tác tại đơn vị C50, làm giao liên. Đến năm 1963, tôi chuyển về công tác tại đơn vị 407 .Chiến đấu ở đây, tôi bị thương nặng. Ngày đó, nếu không nhờ anh em trong đơn vị cùng bà con đã chạy chữa và che chở thì có lẽ tôi cũng không thể trở về. Đến năm 1968, với thương tích đầy mình, không đủ sức khỏe nên tôi trở về làng làm dân quân.
Sau những ngày tháng đối mặt với sự sống và cái chết, khi trở về làng lại đối mặt với khó khăn của cuộc sống, nhưng một lần nữa được bà con dân làng đùm bọc, chia từng củ mì, hạt muối duy trì cuộc sống qua ngày. Sau bao nhiêu năm vất vả, bây giờ cuộc sống gia đình tôi cũng tạm ổn định, khi con cái được học hành thành đạt nên người. Nhưng bà con nhiều người vẫn còn nghèo và khó khăn quá, tôi thấy mình phải làm điều gì đó giúp họ và cũng là để trả ơn những ngày bà con đã giúp đỡ gia đình tôi khi khó khăn. Tôi cho mấy đứa trẻ trong làng đất để cất nhà từ năm 2003, ban đầu chỉ 2 hộ thôi. Cám cảnh khi nhà chúng nó nghèo lắm, đến đất làm rẫy cũng thiếu thì lấy đâu đất mà làm nhà nên tôi cho. Sau này, nghe mọi người nói, mấy cặp vợ chồng mới cưới khác lại đến xin, thấy nhà đứa nào cũng đều nghèo như vậy cả, nên tôi không cầm lòng, cho thêm 4 mảnh đất nữa để chúng nó cất nhà…”.

Tìm hiểu ra mới biết, mọi người gọi Đinh Yem là ông già “hâm” cũng có cái lý của họ, vì không chỉ với 1.400 m2 đất ông cho bọn trẻ để cất nhà, ông còn hỗ trợ thêm gạo, tiền và nhiều ngày công cho những gia đình trẻ vào những ngày đầu còn khó khăn. Không những thế, trong làng ai thiếu ăn hay ma chay, cưới hỏi, làm nhà… ông cũng đem tiền, gạo giúp mà không có điều kiện gì. Trong khi đó, ngoài đồng lương hưu và trợ cấp thương binh của ông, gia đình ông hàng ngày cũng vất vả vắt kiệt mồ hôi với 2 ha rẫy mới lo đủ cái ăn... Nên ban đầu, khi vợ và 5 đứa con biết ý định của ông thì ra sức phản đối, có lúc ông cảm thấy nản chí và muốn từ bỏ ý định của mình: “Nghe vợ con ngăn cản, bà con xì xào, nghi ngờ việc tôi làm nên đôi khi tôi thấy cũng nản. Họ cũng có cái lý, khi với số lượng đất ấy nếu bán đi cũng được một gia tài, rồi vợ con vất vả làm ra hạt gạo thì tôi lại đem cho người khác, trong khi gia đình cũng chỉ đủ ăn chứ giàu có gì đâu. Nhưng không làm thế, tôi cảm thấy có lỗi với những người đã cưu mang gia đình mình ngày xưa. Nên tôi cố thuyết phục vợ con, phải mất gần cả tháng tôi mới giải quyết được…”- ông tâm sự.

Quả thật, sống ở đời lòng tốt luôn bị nghi ngờ khi người ta chưa hiểu về nó. Nhưng với một người từng trải và kinh qua bao nhiêu gian khổ của cuộc đời, đã cống hiến một phần thân thể và  tuổi xuân nơi chiến trường như Đinh Yem thì ông cũng có cái lý đầy nhân nghĩa để thuyết phục gia đình và mọi người nghe theo: “Những việc làm của tôi không phải vì lợi lộc hay tiếng tăm gì đâu. Tôi làm như vậy là để trả ơn cho bà con, cho cuộc đời thôi. Thời bom đạn loạn ly, không có bà con che chở chắc gì tôi trở về bình an. Nay tôi làm như vậy cũng chỉ mới trả được phần nào nghĩa tình của bà con, của cuộc đời đã dành cho gia đình tôi…”.

Như để cho chúng tôi hiểu thêm về những việc làm của mình, Đinh Yem dẫn chúng tôi đi thăm những căn nhà của những cặp vợ chồng trẻ được xây dựng ngăn nắp trên mảnh đất của ông ngày xưa. Có đến đây mới thấy, với các cặp vợ chồng này, ông như một người cha, người ông thứ hai của họ. Chị Đinh Thị Toét cho biết: “Trước khi cưới nhau, nhà mình và chồng đều nghèo không có đất cất nhà. Già Yem cho đất, cho tiền và gạo, còn chỉ cho cách làm ăn nên gia đình mình đã đủ ăn, không còn đói như ngày trước. Gia đình mình rất biết ơn già Yem”.

Chia tay già Yem, tôi chợt nhớ đến một câu ngạn ngữ “Hạnh phúc chỉ đến với chúng ta, khi chúng ta cố gắng làm cho người khác hạnh phúc”. Nghe những lời tâm sự của già Yem và những người dân nơi đây, chúng tôi hiểu rằng với ông, hạnh phúc không khó tìm, nếu biết vì hạnh phúc của người khác.
Lê Anh – Lê Nam

Có thể bạn quan tâm