Nhà sưu tập Trương Văn Thuận: Một tình yêu hội họa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cơ duyên đến với Trương Văn Thuận gần 30 năm trước, khi lúc đó ông giúp đỡ gia đình một họa sĩ danh tiếng và một nhà sưu tập trong lúc khó khăn.

Sự tận tình với những người bạn mới dẫn đến điều bất ngờ: ông bắt đầu cảm thấy thích ngắm tranh. Sự tò mò ban đầu đã trở thành một niềm đam mê và cũng từ đó là một tình yêu dành cho hội họa lớn dần theo thời gian.

Cơ duyên tình cờ

 

Vườn xuân - một phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Vườn xuân - một phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Lúc đó khoảng năm 1990, một nhà sưu tập và gia đình một họa sĩ danh tiếng khi lâm vào thế khó đã được ông Trương Văn Thuận tận tình giúp đỡ. Sau những buổi trò chuyện lúc trà dư tửu hậu, họ trở thành bạn bè. Cũng từ lúc đó, ông bắt đầu để ý đến tranh, thích nghe mọi người nói chuyện về tranh, về những tác phẩm nghệ thuật. Qua những câu chuyện mới, ông lại tự tìm thêm kiến thức cho mình. Dần dần, ông nhận thấy những bức tranh đã thật sự giúp ông thư giãn sau những giờ phút căng thẳng, phức tạp trong công việc của một sĩ quan công an cấp cao.

Cũng như nhiều người chơi tranh, nhà sưu tập Trương Văn Thuận đã trải qua một thời gian lúng túng khi sưu tầm tranh của các họa sĩ tiền bối từng học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ nổi tiếng nhưng đã qua đời. Với một người không phải trong giới mỹ thuật, lại chưa có kinh nghiệm, việc trang bị cho mình kiến thức cần thiết để cảm nhận được cái đẹp, giá trị nghệ thuật của một bức tranh đã là không dễ dàng. Đó là chưa nói đến việc thẩm định tranh thật, tranh giả - yếu tố rất quan trọng, đôi khi quyết định đến cả sinh mệnh của người sưu tập. Nghề chơi cũng lắm công phu - trong giới chơi tranh, không ít nhà sưu tập đã phải trả những khoản “học phí” đắt đỏ trước khi rút ra được bài học cho riêng mình. Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng không ngoại lệ.

Vốn là người luôn cầu tiến, từ những lần gặp gỡ họa sĩ để sưu tầm tranh, ông ngẫm ra một điều rất quan trọng: gặp họa sĩ, nhà điêu khắc không chỉ để trao đổi, tìm hiểu về tác phẩm của chính họ, đó còn là cơ hội để ông học hỏi về mỹ thuật, thêm kiến thức nhận định được cái đẹp của tác phẩm, độ thật, giả của tác phẩm đó cho chính mình. Nghĩ là làm, ông chủ động dành thời gian liên lạc, tìm đến nhà của nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc để tận mắt xem họ làm việc và cũng là để học. Danh sách những người bạn mới là những họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi cũng lớn dần.

Theo thời gian, căn nhà của vợ chồng ông cũng trở thành nơi để các họa sĩ, văn nghệ sĩ thường xuyên họp mặt, giao lưu. Các nghệ sĩ quý ông ở sự chân tình, cầu thị, trên hết là tấm lòng trân quý nghệ sĩ và niềm đam mê tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên, không đặt nặng tính thương mại. “Các văn nghệ sĩ mới chính là người góp sức quan trọng nhất để tôi có thể hoàn thiện bộ sưu tập nghệ thuật của mình được như ngày nay”, ông Thuận tâm tình.

Khuyến khích những người yêu nghệ thuật

 

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận bên tác phẩm Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ (1952-1985) của họa sĩ Dương Bích Liên.
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận bên tác phẩm Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ (1952-1985) của họa sĩ Dương Bích Liên.

Hành trình đến với nghệ thuật gần 30 năm, giờ đây trong giới sưu tập, Trương Văn Thuận đã có một vị trí riêng. Để có được thành quả này, ông đã không ít lần trả giá, không ngại thất bại và không ngừng học hỏi. Thậm chí có khi nhà sưu tập phải đeo đuổi đến năm bảy năm trời mới mua được một tác phẩm ưng ý là chuyện thường tình. “Có lần tôi thấy bức sơn mài rất cũ kỹ, chưa xác định được tác giả là ai nhưng tôi thấy đẹp và thích nên mua. Một phần, chủ nhân bức tranh không bán được cho ai, nên tranh không được quan tâm và bảo quản đúng cách đã trở nên hoen ố, đen sì. Tôi phải mày mò đánh đi đánh lại mấy lần mới được thế này”, chỉ tay vào bức sơn mài khổ nhỏ vẽ phong cảnh Hà Nội, ông kể.

Mãi về sau, ông mới biết bức này là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, một trong những nghệ sĩ bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh được vẽ từ năm 1943 - tuổi của tranh còn lớn hơn cả tuổi đời của ông.

 

TS Mã Thanh Cao, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Điều đáng quý ở nhà sưu tập Trương Văn Thuận là thái độ trân trọng nghệ thuật, sự chân thành và tử tế trong làm nghề. Anh còn rất may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, động viên anh thực hiện niềm đam mê của mình. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng yêu cái đẹp, luôn thân thiện và hiếu khách”.

Lần đầu tiên, một phần bộ sưu tập của ông Trương Văn Thuận được ra mắt giới nghệ thuật và công chúng yêu hội họa tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Triển lãm “Một tình yêu hội họa” giới thiệu khoảng 200 tranh, tượng của trên 80 họa sĩ và nhà điêu khắc… thu hút sự quan tâm của công chúng bởi từ trước đến nay chưa có một nhà sưu tập nào làm được điều này. Trong đó có hơn 20 tác phẩm sơn mài, gần 100 tranh sơn dầu, 15 tác phẩm điêu khắc và hàng chục chân dung của ông cùng gia đình - là tình cảm của các nghệ sĩ yêu mến thể hiện.

Theo ông Thuận, những tác phẩm tại triển lãm này đều đã “hoàn tất hồ sơ”… Đây chỉ là một phần trong bộ sưu tập hàng ngàn tác phẩm tranh, tượng, phác thảo, ký họa, điêu khắc giá trị của các thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ Việt Nam nhiều thời kỳ - là gia tài trong gần 30 năm âm thầm, kiên trì đi tìm cái đẹp của ông. Trong bộ sưu tập mà ông coi như báu vật ấy, có không ít cái tên khiến những người yêu nghệ thuật mơ ước: Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Mai Long, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Hoàng Tích Chù, Lưu Văn Sìn, Lê Văn Xương, Đỗ Đình Hiệp… đến nhiều họa sĩ trẻ đương đại.

Triển lãm đầu tiên này còn là dịp kỷ niệm ông tròn 60 tuổi - lúc ông được nghỉ ngơi và dành toàn bộ thời gian cho sưu tập mỹ thuật. Thông qua triển lãm, nhà sưu tập mong muốn chia sẻ tình yêu nghệ thuật của mình với công chúng, để tự động viên mình, khuyến khích những người yêu thích sưu tập trong thú chơi tao nhã nhưng không kém phần chông gai. Qua đó tôn vinh những giá trị văn hóa to lớn của mỹ thuật Việt Nam, góp phần phát triển thị trường mỹ thuật lành mạnh.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm