Nửa thế kỷ sắt son nhang khói cho người chồng chưa cưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ với lời hứa: “Hết chiến tranh anh sẽ về cưới em” của người lính trẻ, cô gái Thanh Mai đã từ chối nhiều lời dạm hỏi, một lòng chờ đợi. Đến khi người yêu hy sinh ngoài chiến trận, cô gái xinh đẹp vẫn một lòng sắt son với lời thề năm xưa. Không những lặn lội đi tìm hài cốt “chồng” chưa cưới, người phụ nữ ấy còn lập bàn thờ hàng ngày lo hương khói. Giờ đây, ước nguyện lớn nhất của bà là được yên nghỉ cùng người “chồng” của mình.
 

Bà Mai gần nửa thế kỷ nhang khói cho người chồng chưa cưới.
Bà Mai gần nửa thế kỷ nhang khói cho người chồng chưa cưới.


Hàng chục năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1947, ngụ phường Trường Thi, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) sống thui thủi trong căn nhà chật chội, xuống cấp tứ bề. Nhưng trong tâm khảm người phụ nữ ấy, bà không sống một mình mà còn có người “chồng” chưa cưới đã hy sinh ngoài mặt trận.

Kể về ông, bà Thanh Mai không giấu được xúc động. Bà kể quê bà ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Lúc vừa tròn 20 tuổi, bà gia nhập đội nữ dân quân. Cũng trong năm đó, một đơn vị bộ đội dừng chân ở quê bà luyện tập để bổ sung vào chiến trường miền Nam. Trong nhóm chiến sĩ trẻ có anh Phạm Khắc Vũ (SN 1945, quê xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) đẹp trai, nghiêm nghị.

Trong khoảng thời gian ngắn sống nhờ tại gia đình Mai, chàng thanh niên ấy đã sớm có tình cảm đặc biệt với cô gái xinh xắn, hiền lành. Anh chăm lo cho cô từ những điều nhỏ nhặt nhất như xách hộ xô nước tưới rau, chẻ củi… Tình yêu của họ nảy nở giữa khó khăn, gian khổ vì bom đạn.

“Ngày đó tình yêu trong sáng lắm. Yêu nhau mà không dám cầm tay dù chung sống cùng một mái nhà. Tình yêu đầu đời đẹp đẽ, thủy chung, son sắt lắm”-bà cười ngượng nhớ lại ký ức.

Một thời gian ngắn sau, anh Vũ biên thư về gia đình, kể về người yêu đẹp người đẹp nết. Mai cũng vững tin hơn trong tình yêu khi bố mẹ hai bên đều biết và vun vén cho tình cảm hai người. Một ngày giáp Tết Mậu Thân, đơn vị chàng trai được lệnh hành quân gấp vào chiến trường.

Hay tin người yêu chuẩn bị đi xa, Mai lặng lẽ khâu lại quần áo cho anh và khâu thêm cái túi để đựng thư từ, giấy tờ, như muốn gửi gắm tình yêu của mình vào từng đường kim, sợi chỉ. Đáp lại tình yêu đó, người lính trẻ tỉ mẩn làm chiếc nhẫn khắc trái tim và một chiếc lược có hình 2 con chim bồ câu quấn quýt để tặng người yêu. Cho đến bây giờ, bà vẫn nhớ như in giây phút Vũ tuyên bố trước sự chứng kiến của đồng đội, thủ trưởng các đơn vị và người thân trong gia đình: “Anh yêu em! Có đơn vị biết, có gia đình chứng kiến, anh không có gì cả, chỉ biết tặng cho em những vật kỷ niệm này… Hết chiến tranh anh sẽ về cưới em”. Lời đính ước ngày đó như tạc vào lòng dạ, vững bền mãi mãi không bao giờ đổi thay.

 

Nhà bà Mai.
Nhà bà Mai.


Người yêu ra trận được hai năm, Thanh Mai cũng ra Bắc theo học một lớp về giao thông. Cô gái cao ráo, xinh đẹp nên có nhiều “vệ tinh” vây quanh. Tuy vậy, cô khéo léo từ chối những tình cảm đó bởi lời thề với người lính Phan Khắc Vũ.

Năm 1975, sau thời gian học và thực tập, Mai trở về Nghệ An làm cán bộ kỹ thuật giao thông. Lúc ấy, chiến tranh đã kết thúc, đất nước hoàn toàn giải phóng, Mai phấp phỏng chờ ngày người yêu quay lại. Thế nhưng, đợi mãi, đợi mãi, người lính vẫn không về… Hy vọng dần tắt nhưng bà vẫn không nguôi thương nhớ về ông.

Rồi bà lao vào công việc, các hoạt động đoàn thể tại địa phương để quên đi nỗi đau. Bà nuôi các em khôn lớn, dựng vợ, gả chồng cho từng người. Sau khi các em đã yên bề gia thất, năm 1992, người phụ nữ ấy quyết định xuống TP. Vinh, sống trong gian tập thể bé nhỏ tại phường Trường Thi. Vò võ một mình, sống với ký ức. Nhiều đêm nằm ôm gối khóc trong căn phòng vắng, bao nhiêu khát khao, mong nhớ bà chỉ biết chôn chặt vào lòng.

“Có lúc, tôi nghĩ đến chuyện lấy một ai đó làm chồng, để nương tựa vào nhau mà sống lúc tuổi già, khỏi cô quạnh, đơn độc, chứ không còn có tình yêu nữa đâu. Những lúc như thế, tôi lại thấy gương mặt ông hiện lên, đang nhìn tôi cười, thế là thôi”, bà kể chuyện.

Sau nhiều năm trời chờ đợi người yêu trở về nhưng bặt tin tức, bà âm thầm đi khắp nơi hỏi thăm tin tức về ông. Để bắt đầu hành trình đó, bà tìm lại những đồng đội cũ của ông từng ở trong nhà mình ngày xưa ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam… nhưng không có bất kỳ manh mối nào. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm được, bà đều dồn vào công cuộc tìm kiếm ấy.

Ước nguyện cuối đời

Cho đến năm 2008, trong một lần tình cờ hỏi thăm ở Nghĩa trang liệt sỹ huyện Nam Đàn (Nghệ An), bà mới biết ông Vũ đang “nằm” ở đó. Trên bia ghi rõ tên Phạm Khắc Vũ, mất năm 1969.

“Vậy mà bao nhiêu năm trước đó tôi không hề biết. Ông được đưa từ xã Nam Lĩnh về, bức thư đầu tiên và cũng là duy nhất tôi nhận được sau ngày ông ra đi, ông nói đang dừng tại Nam Lĩnh. Bức thư có đoạn: “… có một người rất yêu và thương Mai, chắc ai thì Mai biết rồi… Em hãy chờ ngày anh về, chúng ta sẽ xây dựng hạnh phúc…”-bà nghẹn ngào nhớ lại.

Với mong muốn được thắp lên bàn thờ người yêu và gia đình nén nhang, bà lặn lội tìm về quê hương Kim Bảng chỉ với một cái tên, và ký ức năm xưa ông từng kể chuyện. Sau mấy ngày ngược xuôi tìm kiếm và nhờ sự trợ giúp của chính quyền, cuối cùng bà cũng tìm về được đúng căn nhà ông năm xưa.

Lần đầu tiên bước chân vào nhà người yêu, bà “cảm giác thân thuộc như nhà mình, không có gì rụt rè, e ngại, hay bỡ ngỡ chi cả”. Chỉ có điều ngoài quê ông, cha mẹ đã mất, anh trai, chị gái của ông cũng không còn, chỉ còn một người chị lấy chồng xa…

Bà ngậm ngùi: “Anh em họ hàng ngoài kia bảo, ở đây chỉ có mộ chí thôi, hài cốt của anh vẫn ở Nghệ An, chưa đưa về ngoài này, mà cũng không có ai lo việc đó cả”. Nghe vậy, bà chỉ biết khóc thương ông. Trở về quê nhà, bà sửa sang lại bia mộ cho “chồng” ở Nghĩa trang Liệt sĩ Nam Đàn, rồi lập bàn thờ hương khói.

Hàng chục năm âm thầm lo hương khói cho chồng chưa cưới, giờ đây, điều mong mỏi duy nhất của bà là xin được hưởng chế độ hương hỏa của ông, để an ủi bà những năm tháng còn lại của cuộc đời. Bà tâm sự: “Tuổi trẻ của tôi giờ chẳng còn gì nữa ngoài nỗi nhớ, kỷ niệm, nhưng tôi vẫn yêu ông và không bao giờ hối tiếc vì điều đó”.

 

 Bàn thờ liệt sĩ Vũ được bà Mai lập tại nhà mình.
Bàn thờ liệt sĩ Vũ được bà Mai lập tại nhà mình.


Hơn 40 năm trôi qua, cô thôn nữ Mai ngày nào giờ đã gần bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng bà vẫn sống lặng lẽ với tình yêu nguyên vẹn của mình. Bà lập bàn thờ chồng chưa cưới trong căn nhà nhỏ của mình. Với bà đó là cả một niềm an ủi lớn lao. Dù chưa thành vợ, thành chồng nhưng bà tự xem mình như người vợ của ông. Cứ đến ngày lễ Tết, ngày giỗ, bà lại tất tả bắt xe đến thăm mộ “chồng”, để làm tròn bổn phận của một người vợ một cách nhẹ nhõm và thanh thản.

“Nếu ngày ấy chúng tôi kịp làm đám cưới trước khi anh lên đường thì biết đâu giờ tôi đã có một đứa con để nương tựa. Làm người phụ nữ, ai không mong có người đàn ông của mình bên cạnh, để được yêu thương, thậm chí là để được cãi giận, để được có đứa con mà chăm sóc, dạy dỗ…”-bà bật khóc.

Tay run run thắp nén nhang lên bàn thờ ông Vũ, bà khấn: “Anh ơi, em đã quy linh anh về chùa Cần Linh, ở đó có một gian thờ cúng liệt sĩ. Hàng năm, em sẽ làm giỗ cho anh, rồi đến lúc em chết đi, thì em cũng sẽ cùng đoàn tụ với anh”. Khói hương quấn vòng như cũng nặng lòng vương vấn.

Theo PLO

Có thể bạn quan tâm