(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những đồng đội đã hy sinh vẫn luôn đau đáu trong tâm trí cựu chiến binh Phan Ngọc Huân (thôn điểm 8, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa). 10 năm qua, ông đã cùng các đội quy tập hài cốt liệt sĩ lặn lội nhiều nơi, cả những vùng rừng thiêng nước độc, vùng biên giới Campuchia để tìm và đưa hài cốt đồng đội của mình về với gia đình, quê hương.
Ông Phan Ngọc Huân. Ảnh: Đức Mạo |
Với những đóp góp của mình, ông Phan Ngọc Huân đã được cấp trên tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Năm 2015, ông được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2005-2015. |
Ông Phan Ngọc Huân sinh năm 1948 tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ. Trên chiến trường này, rất nhiều đồng đội của ông anh dũng hy sinh dưới bom đạn kẻ thù.
Sau 16 năm phục vụ trong quân đội, năm 1982, ông Huân được giải quyết chế độ trở về quê hương. Năm 1984, theo chủ trương của Đảng, ông đưa gia đình vào vùng đất Krông Pa lập nghiệp. Cuộc sống ban đầu gặp nhiều khó khăn song với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông đã động viên gia đình chăm chỉ lao động sản xuất để ổn định cuộc sống. Dù cuộc sống vẫn còn bộn bề lo toan nhưng cựu chiến binh, thương binh 4/4 Phan Ngọc Huân vẫn luôn đau đáu nghĩ về những đồng đội, đồng chí của mình đang nằm lại đâu đó trên chiến trường xưa. “Sau khi nghe thông tin trên Đài Truyền hình Việt Nam kêu gọi các cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Việt Nam, chiến trường Campuchia trong thời kỳ chống Mỹ, chống Pôn Pốt đi tìm kiếm hài cốt các đồng chí hy sinh, tôi thấy mình biết mà không chỉ, không tìm thì có lỗi với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các đồng chí, đồng đội. Từ đó, tôi đã liên hệ với Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), đồng thời cung cấp một số thông tin tôi biết về địa điểm các đồng chí đã hy sinh ở chiến trường Campuchia và Việt Nam”-ông Huân cho biết.
Đến nay, ông Huân đã có 10 năm lội suối, vượt núi, băng rừng cùng các đội quy tập hài cốt liệt sĩ để tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sĩ về với quê hương. Bên cạnh đó, ông cũng cung cấp thông tin, vẽ sơ đồ mộ chí cho cơ quan chức năng tìm kiếm. Ông cho hay, khoảng thời gian ông trực tiếp đi tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ dài nhất là 1 tháng trong rừng biên giới Campuchia, nơi ông từng chiến đấu. Do đã nhiều năm trôi qua, cảnh vật thay đổi nên nếu không kiên trì, không có trí nhớ tốt thì không thể tìm thấy nơi chôn cất đồng đội. Chia sẻ về chuyến đi dài ngày này và cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ của mình, ông Huân bồi hồi nhớ lại: “Khoảng 4 giờ chiều một ngày tháng 3-2009, khi đưa đoàn tìm kiếm đến nơi nghỉ đêm thì tôi phát hiện hầm trinh sát trước đây 4 người chúng tôi ở bị sập xuống cạnh một cây đa to. Lúc đó, tôi rất vui mừng và chắc chắn đúng vị trí nên yên tâm. Sáng hôm sau, mọi người tìm nhưng không thấy. Do mang gạo ít, thời điểm ấy cũng là lúc mùa mưa đến, cả đoàn tìm kiếm quyết định trở về. Tôi nói với các anh ở Đội K52 cố gắng tìm, nếu không được tôi sẽ tổ chức đưa cựu chiến binh vào tìm. Tháng 3-2010, các anh điện cho tôi báo là đã tìm được hài cốt 4 liệt sĩ cách chỗ tôi chỉ có 1,5 mét. Trong 2 năm 2010 và 2011, Đội K52 tiếp tục tìm thêm được 90 hài cốt liệt sĩ ở khu vực này. Vị trí thứ 2 tôi chỉ cho Đội K52, năm 2012, trong 2 ngày đã tìm được 7 hài cốt liệt sĩ. Tổng cộng 2 vị trí là 101 liệt sĩ”.
Những ngày tháng băng rừng, lội suối, ông Huân và đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ vất vả về đi lại mà còn phải đối mặt với bệnh tật, đói khát. Có đợt đi, hơn 90% lực lượng tham gia bị sốt rét phải về điều trị. Còn bản thân ông 2 lần đi đều phải cấp cứu. Hiện nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn nhiệt tình trong công tác đi tìm hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ địa phương, gia đình liệt sĩ tìm kiếm hài cốt người thân để tri ân, đáp đền công ơn đối với người đã ngã xuống.
Không chỉ tích cực tham gia công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, ông Huân còn là một cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong công tác Hội. Ông Phan Khắc Hùng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Rsươm, cho biết: Ông Phan Ngọc Huân luôn gương mẫu trong các hoạt động của Hội và tạo điều kiện giúp đồng đội khó khăn nên rất được mọi người tin yêu.
Ngô Đức-Ngô Thu