Rơchăm Tih là một người không xa lạ đối với những người yêu văn hóa Tây Nguyên. Anh không những là một nghệ nhân chuyên làm các nhạc cụ truyền thống với đôi tai thẩm âm kỳ diệu mà còn là một nghệ sĩ với đôi tay điêu luyện, sử dụng thành thạo hầu hết các nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên. Huy chương vàng đầu tiên anh đạt được là tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc ở Huế năm 1997, đến nay số lượng huy chương vàng đã lên đến 12 chiếc. Còn huy chương bạc, giấy khen thì chính anh cũng không nhớ hết vì… nhiều quá!
Ảnh: Nguyên Phương |
Hiện nay HTX có 20 xã viên, mỗi người góp 2,5 triệu đồng để làm vốn sản xuất. Trụ sở Hợp tác xã do Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) xây dựng và bàn giao vào năm 2007 (nguồn vốn thuộc Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề). Nguyên liệu làm nhạc cụ chủ yếu được anh và xã viên khai thác từ những cánh rừng gần thủy điện Sê San 3. Mỗi chuyến đi như vậy mất khoảng 10 ngày và anh phải trực tiếp chỉ huy vì không thể chặt bừa, chặt ẩu được, muốn làm nhạc cụ gì thì phải định hình trước và lấy đúng loại tre, trúc, nứa hay lồ ô cần thiết mà thôi.
Các sản phẩm chủ yếu của HTX gồm: Đàn Tơ rưng truyền thống, Tơ rưng 2 giàn, Tơ rưng 3 giàn, Tơ rưng cầm tay, đàn Kơ ní một dây, hai dây, đàn Đinh goong, Krông pút…; các loại đồ lưu niệm như bầu, gùi, đàn gió, đàn Tơ rưng… Đặc biệt sản phẩm đàn gió Gùi- Chim của HTX đã đạt giải ba trong cuộc thi sáng tạo sản phẩm phục vụ du lịch do Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cấp.
Nhân dịp Festival Cồng chiêng Quốc tế Gia Lai lần thứ I vào tháng 11- 2009, HTX của anh cũng sẽ có một gian hàng vừa sản xuất trực tiếp các loại nhạc cụ, đồ lưu niệm, vừa biểu diễn âm nhạc truyền thống để giới thiệu với du khách gần xa về âm nhạc truyền thống Tây Nguyên.
Rơchăm Tih tâm sự: “Âm nhạc, nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên là cái gốc, cái rễ của mình, nếu mình không giữ vững, không đam mê, không có trách nhiệm phát huy thì có tội với tổ tiên. Do vậy mình cố gắng duy trì chứ chỉ nói về tiền bạc thì không đủ. Ông cha mình rất giỏi, họ làm bao nhiêu điều mà mình không thể làm được, nên nếu mình không thích nó, không tự hào về nó thì chắc chắn nó sẽ mất đi. Bây giờ ngày càng hiện đại, tuổi trẻ không đam mê âm nhạc truyền thống, mấy đứa cháu có khi phải bắt chúng mới chịu làm. Mình cứ tự nhủ phải cố gắng, khó mấy cũng phải làm. Tuy nhiên, bây giờ gia đình cũng chưa ổn định, rồi còn đi biểu diễn trong các lễ hội, các liên hoan… Ngoài ra với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã nên phải có trách nhiệm trong việc điều hành sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của cơ sở nữa”.
Anh nói: “Festival lần này là dịp may hiếm có để giới thiệu những nét đẹp văn hóa Tây Nguyên đến bạn bè gần xa. Mình thấy trách nhiệm và bổn phận phải đóng góp cho thành công chung của Festival. Nhưng mong muốn cấp trên quan tâm hỗ trợ cho HTX hơn nữa, bởi vì muốn có những mặt hàng tốt, có chất lượng để phục vụ cho Festival thì người nghệ nhân phải toàn tâm, toàn ý cho công việc của mình. Các nghệ nhân biết làm nhạc cụ loại này không nhiều, đang là mùa nông nhàn nên họ không có tiền để lo cho gia đình, vì vậy trước mắt họ phải đi làm thuê để đảm bảo cuộc sống. Nếu có một khoản tiền ứng trước để họ yên tâm sáng tạo thì chắc chắn gian hàng của HTX tại Festival sẽ tốt hơn. Khi bán được sản phẩm ở Festival sẽ hoàn trả lại cho cấp trên số tiền đã tạm ứng, nếu bán không được sẽ chịu trách nhiệm trả lại số tiền đó.
Tạm biệt những ngổn ngang tre nứa, tạm biệt những trăn trở của Rơchăm Tih về bảo tồn và phát huy vốn quý của cha ông. Đặc biệt là những nghĩ suy làm thế nào để Festival cồng chiêng sắp tới thành công và gian hàng do HTX sản xuất nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên tạo được những ấn tượng trong lòng du khách... Có lẽ câu trả lời cho những vấn đề ấy thuộc về những người có trách nhiệm.
Nguyên Phương