Chủ tịch Hội “khét mùi thuốc lá”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bằng ý chí lao động phi thường, Nguyễn Đình Khánh- Thôn 3 xã Chư Gu (Krông Pa) đã tạo dựng nên cơ nghiệp trị giá tiền tỉ. Nhưng điều quan trọng hơn là người cán bộ Hội Nông dân này với uy tín của mình đã xốc dậy một phong trào sản xuất giỏi, xây dựng hội vững mạnh…

Khởi nghiệp từ… 30 kg gạo!

Cái dáng dấp thanh niên còn ở tuổi ngoại tứ tuần khiến tôi không thể ngờ Nguyễn Đình Khánh phải trải qua những ngày cơ cực để lập nghiệp… Năm 1984 từ quê Đông Thủy (huyện Đông Hưng- Thái Bình) chàng trai 25 tuổi cùng gia đình đến Chư Gu. Rừng thiêng nước độc, đất đai khô cằn gói tròn trong một con số “không”. Cảm giác “mang con bỏ rừng” ngày càng đậm trong những người đi kinh tế mới. Thay vì động viên nhau khắc phục khó khăn, người ta đua nhau phá phách. Cứ ở đâu có gỗ quý là có “lâm tặc” kinh tế mới Chư Gu. Gỗ dần hết thì quay sang đãi vàng… Buồn thay càng phá phách thì càng thêm tai họa. Sốt rét theo chốn rừng thiêng nước độc về ám từng nhà. Kéo dài cuộc sống tạm bợ này là tự sát. Chỉ có một con đường: Vắt đất mà làm ra sự sống…
Nguyễn Đình Khánh (bên phải) và mô hình trồng lúa nước mùa khô của ông Nay Quanh ở buôn Lao- xã Chư Gu. Ảnh: Ngọc Tấn
Nguyễn Đình Khánh (bên phải) và mô hình trồng lúa nước mùa khô của ông Nay Quanh ở buôn Lao- xã Chư Gu. Ảnh: Ngọc Tấn
Năm 1992, Công ty Thuốc lá Nam đến vận động trồng nguyên liệu cho nhà máy. Lờ mờ một tia sáng trên con đường vô vọng, Khánh nhận trồng thử. Đã mô tê gì về kỹ thuật mà cây thuốc lá- nhất là thuốc lá sợi vàng lại quá ư rắc rối. Mỗi hec- ta phải đổ vào 500 công lao động nhưng nan giải vẫn là vốn. Cưới vợ ra ở riêng, cha mẹ cho vỏn vẹn có... 30 kg gạo. Cái khó ló cái khôn, Khánh nghĩ ra cách tạo vốn bằng của trời cho, ấy là đánh cá. Sông Ba hồi đó rất lắm cá. Ngày lên rẫy, tối lại ra sông lặn lội thân cò. Chính Khánh cũng không ngờ mình là tay sát cá có hạng. Có đêm anh đánh được cả ba chục cân… Phân, giống, công thuê thu hoạch… cứ lần hồi tích cóp như thế. Vụ đầu tuy chưa thắng lớn nhưng đã cho Khánh một niềm tin vững chắc rằng đây chính là loại cây cứu cánh. Anh tìm cách mở rộng thêm diện tích, góp nhặt kinh nghiệm qua từng thao tác kỹ thuật được tập huấn. Với quyết tâm cao độ, chỉ trong một thời gian ngắn, không những nắm chắc kỹ thuật, Khánh còn tìm cách hạ giá thành, tăng năng suất thuốc lá. Đáng kể nhất là phương pháp bón phân theo rạch. Trước nay người ta vẫn dùng cuốc vạch luống xung quanh gốc, bỏ phân rồi lấp đất. Cách này đã tốn thời gian lại thất thoát phân bón. Khánh nghĩ ra cách dùng bò cày rãnh. Sáng kiến đơn giản hoá ra hiệu quả lại không nhỏ: Mỗi hec-ta Khánh tiết kiệm được xấp xỉ 10 triệu đồng nhờ giảm được 5 tạ phân bón, công làm cỏ và vạch rãnh… Thâm canh chiều sâu, nắm chắc kỹ thuật, với 2,5 ha, năng suất thuốc lá của anh thường đạt 7 tấn, lãi ròng 160 triệu. Không chỉ giữ ngôi quán quân về năng suất mà lợi nhuận cũng đứng đầu trên một đơn vị diện tích so với người trồng thuốc lá trong vùng.

Trăn trở với đất nghèo

Từ thân phận đói nghèo có lúc tưởng như cùng cực, trở thành chủ nhân của gần 16 ha đất sản xuất, thu nhập mỗi năm gần 300 triệu đồng, Nguyễn Đình Khánh càng thấm thía sự gắn kết và đồng hành tất yếu trước cung cách làm ăn mới. Chính vì vậy anh đã tham gia các phong trào hội ngay từ đầu. Bảy năm là Phó chủ tịch và bây giờ là Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Gu, anh luôn trăn trở: Làm gì để đời sống bà con khấm khá được trên vùng đất khắc nghiệt này… Nói rằng thuốc lá là cây cứu cánh thì đã rõ nhưng đâu phải ai cũng bám được vào cứu cánh. Bằng kinh nghiệm tích lũy được, anh đã phổ biến, chỉ dẫn tận tình cho bà con trong những buổi sinh hoạt hội, đồng thời giúp hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay. Từ 14 hộ ban đầu, đến nay 95% nông dân người Kinh Chư Gu trồng thuốc lá. Toàn xã đã có khoảng 250 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng/ năm trở lên. Nguyễn Đình Khánh tập trung giúp đỡ bà con người Jrai trồng lúa nước. Vốn nghề của một người con quê lúa, sự khéo léo của anh đã giúp hàng chục hộ đồng bào dân tộc Jrai vốn chỉ quen cây lúa rẫy bước đầu nắm được kỹ thuật. Không những thế, một số hộ như ông Siu Rét, Nay Quanh còn đạt năng suất đến 8tạ/sào. Thành công này đang được anh đúc kết trong kế hoạch tập huấn tiếp cho 50 hộ với cách làm chính quy hơn, bài bản hơn…
Những việc làm thiết thực và hiệu quả của ông Chủ tịch “khét mùi thuốc lá” Nguyễn Đình Khánh đã làm cho người dân thấm thía vai trò của tổ chức hội. Hội Nông dân Chư Gu bây giờ đã có 836 hội viên, nguồn quỹ hơn 30 triệu đồng, là một trong những Hội nông dân có phong trào mạnh nhất huyện Krông Pa…
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm