“Làm từ thiện rất cần một tấm lòng”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đã gặp và đi với chị không ít lần trong các hoạt động cứu trợ, từ thiện, đã tưởng người phụ nữ nhỏ nhắn này rất đỗi thân quen rồi, ấy thế mà có dịp ngồi lại trò chuyện, tôi lại ngỡ ngàng. Chị khiến tôi tin hơn vào hoạt động này, rằng khi người ta muốn sống có ý nghĩa, muốn làm điều tốt cho cuộc đời, cho con người, có thể đến với các hoạt động từ thiện. Nhưng, phải là từ thiện chân chính, đúng với ý nghĩa cao quý của hoạt động này.
Bà Ksor H’Nhan tặng quà cho người nghèo ở Bàu Cạn (Chư Prông). Ảnh: Hoàng Ngọc

 Ksor H’Nhan tặng quà cho người nghèo ở Chư Prông. Ảnh: Hoàng Ngọc

Một đồng nghiệp của tôi có thời gian được phân công theo dõi các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, có lần nói với tôi rằng: “Đi theo chị H’Nhan không nổi bạn ạ! Hình như chị ấy không biết mệt”. Ấy là anh nói đến những chuyến đi không nghỉ của chị. Từ cứu trợ khẩn cấp những gia đình không may bị thiên tai; trợ giúp nhân đạo; trợ giúp y tế như chăm sóc sức khỏe bà mẹ- trẻ em, phòng- chống các bệnh truyền nhiễm, đến khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo; bảo trợ nạn nhân chất độc da cam; bảo trợ các làng phong… không đâu vắng mặt chị.

Ngay từ khi công tác tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh (1984), Ksor H’Nhan đã được mọi người biết đến bởi các hoạt động nhân đạo trong bệnh viện. Không có điều kiện tham gia hoạt động từ thiện bên ngoài, chị vận động ngay những người sống quanh mình, các đồng nghiệp trong bệnh viện: Quyên góp, giúp đỡ bệnh nhân nghèo; vận động y tá, cán bộ trong Khoa cho máu những bệnh nhân nguy cấp. Chị bộc bạch: “Đồng nghiệp, bạn bè đều rất ủng hộ tôi. Điều đó khiến tôi tin hơn vào những điều mình làm”.
Nghe chị trải lòng mới thấy, những số phận gặp bất hạnh đều khiến chị trăn trở: “Từ khi còn đi học và thực tập y khoa ở các buôn- làng, tôi đã chứng kiến nhiều gia đình có con chết vì đau, nhiều đứa trẻ suy dinh dưỡng không còn chút sức sống.
Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi mãi. Từ lúc ấy, dù làm gì, ở đâu tôi đều nghĩ đến họ. Sau 16 năm công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và thêm 4 năm chuyển về Sở Y tế, tháng 9-2004, tôi về Hội Chữ thập đỏ. Từ lúc ấy, tôi thực sự thỏa nguyện”.
Đi nhiều, thấy nhiều, điều chị trăn trở nhất chính là những gia đình khó khăn trong các làng phong, những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, những số phận không may nhiễm chất độc da cam của Mỹ.
Theo chị, để giúp những người này, vật chất không phải là tất cả. Cần có sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội. Cần để họ thấy rằng, chúng ta đến với họ bằng tấm lòng, bằng tình cảm con người để họ xóa đi mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng.
Những năm gần đây, phần lớn thời gian chị dành cho hoạt động hiến máu nhân đạo. Trung bình mỗi năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thu nhận gần 2.000 đơn vị máu. Đây là lượng máu không nhỏ giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Chị còn tích cực vận động trong các dự án xây dựng làng phong, xây dựng trường, trạm y tế, đường giao thông… giúp cho cuộc sống của người bệnh phong có sự khởi sắc và thay đổi đáng kể; các dự án cho nông dân nghèo nuôi bò để thoát nghèo bền vững; làm một số công trình nước sạch ở Chư Sê và Đức Cơ; các chương trình phẫu thuật phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện cho người khuyết tật… Tạo dựng được uy tín trong lĩnh vực từ thiện, chị đã trở thành cầu nối để các cá nhân, tổ chức ở  khắp nơi đến với đồng bào nghèo Gia Lai như Báo Sài Gòn Giải Phóng, phật tử quận 5, quận 10, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh), nghệ sĩ Út Bạch Lan…
Ở tuổi 50, dù làm gì, trong hoàn cảnh khó khăn thế nào chị đều rất lạc quan. Ksor H’Nhan luôn khiến mọi người phải cười trong những chuyến công tác xa vất vả. Có lẽ, hoạt động từ thiện đã cho chị những niềm vui sống mà không gì có thể mua được.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm