Thêm những hiểu biết về cuộc đời họa sĩ Xu Man

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thêm những hiểu biết về cuộc đời họa sĩ Xu Man ảnh 1
 

Ở Gia Lai có hai người Bahnar nổi tiếng cùng được hai nhà văn quân đội vinh danh ngay từ khi các ông còn sống. Đó là Anh hùng Núp trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc và họa sĩ Xu Man trong Cuộc đời nghệ sĩ Xu Man của Trung Trung Đỉnh.

Cuốn sách thứ nhất, kể từ khi ra đời đến nay đã hơn nửa thế kỷ vẫn luôn được những người yêu mến cao nguyên trân trọng, như họ đã và đang trân trọng cụ Núp. Cuốn sách thứ hai, ra đời muộn hơn và nó đã thực sự giúp độc giả biết rằng, chúng ta có một họa sĩ tài danh, sống cuộc đời trầm lặng nơi núi rừng xa xôi- Xu Man.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh kể rằng, cho đến sau năm 1975, ông mới bắt đầu biết, quen rồi thân thiết với họa sĩ Xu Man. Theo ông, Xu Man là người giản dị và kham khổ. “Mới gặp lần đầu, không ai nghĩ ông là họa sĩ. Bởi vì, ngay từ đôi tay vụng về của ông đưa ra bắt, cũng đã toát lên cái vẻ nhọc nhằn của người quen lao động nặng”.

Xu Man là người Bahnar, từ thân phận nô lệ nhờ đi theo cách mạng mà trưởng thành. Hình ảnh cậu bé Siêu Dơng (Xu Man thời thơ ấu) cầm khúc củi đuổi chó để đám bạn bè cùng trang lứa nhặt xương rồi chia nhau ăn dưới gầm sàn nhà Chánh tổng H’Ngới gây nhiều thương cảm trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi. Sau khi gia đình trở thành món hàng trao đổi giữa những kẻ giàu có, quyền lực, Dơng cùng cha mẹ trở thành nô lệ cho Tri phủ Môr, chủ làng Bông. Rất nhiều đau đớn đã xảy ra với mọi người trong giai đoạn tăm tối ấy. Siêu Dơng lớn lên, đi tìm cho mình hạnh phúc nhưng cuộc đời một người nô lệ dù là cường tráng, tài hoa đã không giúp anh có được điều đó. Và, nếu như không có sự giải phóng của Việt Minh, cuộc đời lam lũ đầy phẫn uất của Dơng cùng những người trong gia đình, quê hương anh chẳng biết sẽ trôi về đâu. 1954, Siêu Dơng đi bộ đội. “Tiếng cồng chiêng tiễn Siêu Dơng lên đường vui như ngày hội. Từ đây, cuộc đời anh chuyển sang một bước ngoặt mới…”.

Nhiệm vụ đầu tiên Siêu Dơng được cách mạng giao cho “là dắt ba con bò từ làng Bông xuống An Khê cho bộ đội liên hoan mừng chiến thắng”. Sau đó, là chuỗi ngày rèn luyện trước khi tập kết ra miền Bắc. Năm 1955 ông được kết nạp Đảng rồi lần lượt qua Trường Văn hóa Dân tộc Trung ương học chữ, học Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật. Năm 1960, Siêu Dơng được lệnh trở về miền Nam. Trong thời điểm ấy, một sự kiện đã gây ảnh hưởng lớn đến lối sống sau nay của họa sĩ Xu Man, đó là việc ông được gặp Bác Hồ. Người đã xem tác phẩm và khuyên ông ráng giữ lấy cái “gốc” Tây Nguyên của mình. Trong truyện của Trung Trung Đỉnh có một câu nói mà sinh thời họa sĩ Xu Man vẫn thường nhắc lại, là lời Bác khuyên ông: “Chú cố gắng vẽ thật tốt, đừng ham lãnh đạo”. Xu Man đã sống đúng như lời Bác dặn, điều đó không chỉ có ở tác phẩm văn học này mà hơn thế, tất cả những người biết ông đều thừa nhận.

Xu Man về Nam lao vào công việc để quên đi sự mất mát trong hạnh phúc riêng tư. Được cấp trên cho phép, ông xây dựng gia đình mới. Rồi sau đó, vì lý do sức khỏe, năm 1974, ông lại ra Bắc vừa là để chữa bệnh, cũng là để hoàn thành bậc học cao đẳng. Xu Man không đòi hỏi bất cứ một đặc quyền nào khi trở thành cán bộ văn hóa địa phương. Ông lặng lẽ làm công việc của một người ăn lương và tranh thủ vẽ. Ông vẽ nhiều nhưng tuyệt nhiên không giữ lại làm của riêng cho mình một tác phẩm nào. Tranh của Xu Man có trong Bảo tàng Mỹ thuật và lưu lạc ở nhiều nơi; bạn bè cũng từng tổ chức cho ông một triển lãm cá nhân. Với ông, hình như điều đó không phải là việc quan trọng lắm. Xu Man về hưu, lại tiếp tục làm rẫy và tranh thủ vẽ. Bởi đó là hai công việc mà theo ông, không được làm thì sẽ “chết ngay”.

Cuốn sách chỉ nhỉnh hơn trăm trang của nhà văn Trung Trung Đỉnh dừng lại ở đấy. Ở những dòng cuối cùng viết hồi tháng 3-1988, ông tin rằng họa sĩ Xu Man “vẫn đang viết tiếp những trang mới cho cuộc đời mình”. Tiếc rằng, khi cuốn sách này được tái bản lần thứ hai (7-2009 với gần 21.500 bản), Xu Man mất đã mấy năm rồi. Ông lặng lẽ ra đi như một người Bahnar bình dị, trước khi kịp để lại tất cả những tác phẩm của mình cho mọi người. Nhà văn Trung Trung Đỉnh có đưa ra một cách giải thích rằng, tên ông- Xu Man- chính là do họa sĩ tự nghĩ ra và đặt cho mình mà có. Tính chính xác đến đâu chưa thấy ai phản hồi, nhưng hẳn sẽ không ai băn khoăn khi biết cái tên ấy bắt nguồn từ những suy nghĩ chân mộc của một con người muốn “suốt đời theo cách mạng, xung phong cho nhiệm vụ cách mạng” được ông viết tắt mà thành.

Cuộc đời nghệ sĩ Xu Man là một tác phẩm gây được thiện cảm không chỉ đối với bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi các dân tộc thiểu số mà còn là một bản lí lịch mang tính nghệ thuật của họa sĩ Xu Man, giúp những người lớn tuổi thêm yêu mến ông.

Nguyễn Quang Tuệ

Có thể bạn quan tâm