Đã thành phản xạ, mỗi khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về các đồng chí cán bộ được Đảng phân công ở lại Gia Lai sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), tôi thường chạy xuống ông Ngô Thành- nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai hiện ở 07 Nguyễn Du (TP. Pleiku). Đơn giản vì cánh nhà báo chúng tôi coi ông là “pho sử sống”. Hơn nữa, ông là người đặc biệt dễ gần và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi bất kể lúc nào. Cứ như đó là trách nhiệm của ông vậy. Lần này tôi đến gặp ông để tìm hiểu về ông Năm Vinh- Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai giai đoạn 1955-1960 và 1967-1969.
|
Một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ của tỉnh Gia Lai tham dự cuộc tọa đàm về lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, ngày 18-2-1995. |
Vừa biết ý định của tôi, ông cười thật tươi: “Anh Năm Vinh là người xe duyên cho vợ chồng tôi đấy!”. Thế là một thời đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của tuổi trẻ theo dòng mạch cảm xúc ùa về. Ông kể: Tôi biết anh Năm Vinh (tên thật là Võ Trung Thành, còn có bí danh khác là Lê Tâm, Lê Trung, Bă Mônh) từ năm 1952. Mặc dù anh ở khu 1 (Kbang) còn tôi hoạt động ở khu 5 (Đức Cơ), chỉ thỉnh thoảng về họp hoặc anh lên dinh điền công tác mới gặp nhưng chúng tôi rất hiểu nhau. Trong số cán bộ ở lại, anh là người có học, là cán bộ lãnh đạo, nhưng tác phong rất giản dị, rất quần chúng. Thời gian làm bí thư, anh có nhiều sáng kiến trong chỉ đạo, rất nhạy bén và quyết đoán. Lúc thì anh đề xuất tổ chức học văn hóa cho thanh niên (ở trong căn cứ phần lớn anh em chưa biết chữ) vừa tập hợp thanh niên, vừa tạo cơ sở, tạo “vốn” cho phong trào. Khi lại đề xuất ra tờ nội san Vững Tiến, sau này là báo Thống Nhất bằng 3 thứ tiếng: Phổ thông, Bahnar (lấy tên là Pơ Ling) và Jrai (lấy tên là Pơ Lia) để phổ biến nội dung, kinh nghiệm công tác, cung cấp thông tin cho cán bộ và cơ sở. Anh còn tự soạn tài liệu “Thương dân yêu nước đứng lên làm cách mạng”- một tài liệu học tập cho dân và cán bộ cơ sở rất tốt. Anh là người rất chú trọng đến việc xây dựng, phát triển lực lượng cốt cán bám rễ sâu trong quần chúng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người địa phương. Nhiều huyện phía tây năm 1957 mới bắt đầu phát triển đảng viên tại chỗ, nhưng chỉ sau 3 năm đã thành lập đảng bộ hoặc chi bộ ở xã, tổ đảng hay đảng viên ở làng. Ngoài tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, còn thành lập các tổ chức khác như tổ vòng đổi công, tổ văn nghệ, tổ săn bắn… để tập hợp quần chúng, làm vỏ bọc cho các hoạt động cách mạng. Anh nắm rất chắc đường lối, chủ trương và nhạy bén trong chỉ đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng như: Đòi địch thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi hiệp thương, đòi dân sinh dân chủ; chống địch cướp bóc, chống lấn chiếm đất lập dinh điền, đấu tranh chống “tố cộng”; phát động nhân dân tiến hành đồng khởi, giành quyền làm chủ ở nhiều buôn làng vùng dân tộc, xây dựng vùng căn cứ của tỉnh cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh, tạo nên chỗ dựa cho tỉnh Bình Định và Phú Yên lúc khó khăn và bảo đảm hành lang cho Trung ương từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, anh còn đóng góp rất lớn trong việc chỉ đạo thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân. Phát động phong trào “Nhân dân làm chủ núi rừng” và toàn dân tham gia đánh địch. Kết hợp chặt chẽ đấu tranh bằng “2 chân 3 mũi giáp công” (đấu tranh chính trị, công tác binh tề vận với đấu tranh vũ trang). Chính đồng chí Võ Chí Công- Bí thư Khu ủy 5 lúc bấy giờ đã nhận xét: Trong khi các tỉnh gặp khó khăn và tổn thất thì Gia Lai, vẫn giữ được thế tấn công địch liên tục. Thành công đó cũng nhờ một phần ở sự chỉ đạo sáng suốt của anh. Rồi giọng ông chợt lắng xuống: “Anh Năm Vinh là người có công lớn không chỉ với phong trào cách mạng ở Gia Lai mà cả Tây Nguyên. Tôi đã viết bản tóm tắt thành tích hoạt động cách mạng của anh gửi tỉnh đề nghị Trung ương xét phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” từ năm 2003 nhưng đến nay chưa thấy hồi âm”.
…Ông Năm Vinh sinh năm 1924 trong một gia đình trung nông lớp dưới ở thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi); biết tiếng Pháp, nói tốt tiếng Jrai, Bahnar; năm 1945 tham gia công tác tại địa phương, làm Bí thư Thanh niên cứu quốc thôn. Kinh qua nhiều chức vụ khác nhau nhưng dù ở cương vị nào, ông cũng luôn dồn hết tâm trí cho công việc, cống hiến hết mình vì sự thành công của cách mạng. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng (từ 1945 đến 1979), ông luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, luôn là tấm gương sáng, là vị chỉ huy công tâm, đầy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Những cống hiến của ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, 3 Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Thành đồng hạng Ba.Nguyễn Thị Dung