Thăm nhà của Đại tướng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 60 năm (ngày 7-5-1954), Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã ghi một dấu son sáng chói trong công cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Trong khoảng không gian và thời gian này, trong lòng của rất nhiều người con đất Việt, rưng rưng những xúc cảm nuối tiếc khi nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng của nhân dân.
 

 Cánh cổng đơn sơ vào nhà Đại tướng. Ảnh: Phan Lài
Cánh cổng đơn sơ vào nhà Đại tướng. Ảnh: Phan Lài

Chúng tôi đến thôn An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vào một ngày nắng gắt, cái nắng bỏng rát đặc trưng của mảnh đất “gió Lào cát trắng”. Chính mảnh đất này là nơi nuôi dưỡng người con anh hùng của cả dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người góp một phần công lao to lớn cho chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hôm nay, đứng trên mảnh đất quê hương, có mặt tại nơi đã sinh ra một bậc anh hùng, một vị Đại tướng của nhân dân, trong lòng tôi ngập tràn cảm xúc.

Tôi tìm về ngôi nhà thuở ấy, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp được sinh ra. Ngôi nhà lá đơn sơ bình dị bên dòng Kiến Giang hiền hòa nằm lặng im, cửa mở rộng như đợi chờ bóng dáng chủ nhân. Mặt nước vẫn trong, dòng sông vẫn chảy nhưng cảnh vật sao im lìm đến se thắt con tim. Gặp được anh Bùi Hữu Sơn-Trưởng thôn An Xá, anh Sơn xúc động kể: “Những năm trước, lúc bác Giáp còn sống và đang còn khỏe, bác vẫn thường điện thoại về căn dặn, động viên bà con chúng tôi cố gắng đoàn kết để phát triển làng nghề truyền thống (ở làng An Xá nổi tiếng với nghề làm rượu và chiếu cói-N.V), chăm lo ruộng vườn để đời sống bà con khấm khá hơn. Năm nay, dù bác không còn, nhưng chúng tôi vẫn sẽ nhớ mãi và làm theo lời bác dặn”.

 

Căn nhà xưa bình dị của vị tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phan Lài
Căn nhà xưa bình dị của vị tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phan Lài

Bồi hồi nhớ lại ngày ấy, bà Võ Thị Lài (77 tuổi)-vợ ông Võ Đức Tôn (cháu gọi Đại tướng bằng bác) kể: “Vào năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bác Giáp về quê cùng một đoàn cán bộ. Sau khi thắp hương cho ông bà tổ tiên bên nhà, bác sang thắp hương cho ông bà nội chồng tôi-cũng là chú, thím của bác. Bác hỏi chuyện mọi người trong nhà, làm ăn ra sao, lâu nay có đau ốm gì không. Lúc ấy trên huyện báo đã chuẩn bị cơm đón tiếp bác rồi nhưng bác từ chối, ở lại ăn cơm với người nhà. Thức ăn chả có chi mô, chỉ có một ít cà pháo muối, cá bống đồng kho rim, canh cua nấu với khế trong vườn nhà, rau muống luộc,... đơn giản thế thôi nhưng bác ăn rất ngon miệng”.

Bác Giáp sống rất giản dị, không cầu kỳ, trong bữa ăn này Đại tướng đã ân cần dặn dò các con cháu phải biết nâng cao tính tự lập trong cuộc sống, chớ ỷ lại người khác, sống phải có đạo đức và không làm việc trái pháp luật để ảnh hưởng đến đất nước, gia phong, dòng họ.

Theo bà Lài, ngồi ăn cơm với Đại tướng rất thoải mái. Trước lúc vào bữa ăn, Đại tướng kể những câu chuyện cười, những kỷ niệm trong những năm tháng đánh giặc, chính điều đó đã xóa đi khoảng cách giữa một vị tướng với một người dân, chỉ còn lại sự sum vầy của không khí gia đình. Những lời căn dặn của Đại tướng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm của bà cho đến tận hôm nay. Câu chuyện đơn giản trong bữa ăn chỉ có vậy thôi nhưng đã khiến cho những người có mặt hôm đó rất xúc động, nó đã đủ nói lên nhiều điều về lối sống, nhân cách của Đại tướng. Bác Giáp là người giản dị, khiêm tốn, sự giản dị đó làm nên vẻ đẹp của Người.
 

Ảnh: Phan Lài
Ảnh: Phan Lài

Sau câu chuyện kể, bà Lài cùng tôi đi một vòng quanh căn nhà nhỏ, giản dị thời thơ ấu mà bác Giáp từng sinh sống, bao quanh căn nhà không phải là hàng gạch kiên cố, cổng sắt kín cổng cao tường mà là hàng râm bụt xanh ngắt một màu. Trong khu vườn nhà, vẫn những luống khoai lang đặc trưng của miền quê, hai cây vú sữa và cây khế cổ thụ trăm tuổi như là nhân chứng về một thời thơ ấu buồn vui của Đại tướng.

Bức ảnh Đại tướng đặt chính giữa căn nhà, trong bộ lễ phục, ánh nhìn của bác trông thật gần gũi biết bao. Cuốn sổ tang ghi những dòng cảm xúc của những người viếng bác ngày càng dày thêm; lật giở từng trang, thật xúc động biết bao khi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của người dân dành cho vị Đại tướng của dân tộc. Dòng tâm sự của người con đến từ Thái Bình viết: “Chúng con Trần Văn Hải, Trần Lâm xin kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng dân tộc, bậc vĩ nhân muôn đời bất tử, Bác Hồ và Đại tướng sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam”; hay lời chia sẻ của đoàn đại biểu đến từ Hà Nội: “Ngày 30-4, đoàn đại biểu đã vào khu vực mộ, ngày 1-5, đoàn vào thăm và thắp hương viếng Đại tướng tại quê nhà. Chúng con nguyện noi theo tấm gương của Đại tướng, mọi người trong đoàn nguyện học tập và làm theo ý chí và quyết tâm. Nhớ những gì Đại tướng đã cống hiến cho nhân dân và đất nước Việt Nam”…

Rời nhà Đại tướng vào lúc về chiều, nắng đã nhạt màu hơn, dường như thiên nhiên cũng đang hòa cùng với lòng người tiếc nuối, nhớ thương về một vị tướng tài ba nhưng hết sức giản dị, gần gũi với người dân quê hương.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm