Gặp ông Siu Pui - nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân quản thị xã Cheo Reo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã rất nhiều lần gặp ông Siu Pui (Ama Thương, SN 1931)- nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân quản thị xã Cheo Reo (thị xã Ayun Pa ngày nay), xung quanh ông luôn có rất nhiều người trò chuyện nên tôi đành phải “kính nhi viễn chi”. Nay ông về thăm quê nhà, thanh thản ngồi nghỉ ngơi giữa làng Djrêk (xã Nhơn Hòa- Chư Sê), tôi mới có dịp diện kiến. Khi nghe tôi hỏi chuyện về những ngày tháng chống Mỹ, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, thống nhất đất nước, ông bỗng trầm lặng hồi lâu như tưởng nhớ đến các đồng chí, đồng đội, rồi mới chậm rãi kể:

Ông Siu Pui. Ảnh: Hoàng Cư
Ông Siu Pui. Ảnh: Hoàng Cư
Mùa Xuân năm 1975, ông giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Đak Lak. Nhận nhiệm vụ, ông trực tiếp chỉ huy lực lượng tiền phương tỉnh Phú Bổn (gồm thị xã Ayun Pa cùng các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và một phần lớn huyện Chư Sê), Đại đội 303 Đặc công của tỉnh Đak Lak phối hợp với quân và dân tỉnh Gia Lai cùng Sư đoàn 320 thực hiện trọng trách thu hút địch hướng về phía Bắc Tây Nguyên để chúng ta dễ bề tấn công thị xã Buôn Ma Thuột, tiến tới giải phóng các huyện H4, H5, H37 (Ea H’Leo, Ea Kar, Krông Buk- Đak Lak); các đồn bốt ở Nhơn Hòa, ngã ba Cheo Reo, Hbông (Chư Sê)... Sau khi quán triệt, thống nhất chủ trương phối hợp, chuẩn bị đầy đủ mọi nhân vật lực, khí tài…; đúng 6 giờ ngày 8-3, Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320 đã phối hợp với quân, dân địa phương nổ súng tấn công cứ điểm Cẩm Ga (thị trấn Chư Sê) và Thuận Mẫn (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đak Lak). Sau 2 tiếng đồng hồ tấn công bất ngờ, táo bạo; chúng ta đã làm chủ được hoàn toàn trận địa. Thừa thắng, ông và đồng chí Sơn- Chính ủy Sư đoàn 320 nhanh chóng chỉ đạo các cánh quân thần tốc tấn công vào thị xã Cheo Reo và chặn đánh quân địch tại đèo Cư Djrê (thuộc Ea H’Leo- Đak Lak), cắt đứt đường tiếp viện của địch trên quốc lộ 14, tạo vành đai thép cô lập, diệt viện binh địch ở thị xã Pleiku và thị xã Buôn Ma Thuột.

Trước sự tấn công như vũ bão của quân và dân ta, ngày 16-3, Quân đoàn 2 của địch đã bị thất thủ trận tuyến thị xã Cheo Reo, tháo chạy bạt mạng theo đường số 7 (quốc lộ 25 ngày nay) về hướng tỉnh Phú Yên. Sáng ngày 17-3, ta đã tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, bắt giữ trên 3.000 tù binh, thu giữ khoảng 200 xe tăng, 150 khẩu pháo… Cũng trong thời gian này, 2 tiểu đoàn thuộc Quân đoàn 3 của địch đã bị quân và dân ta tiêu diệt ngay trên đường tiếp viện cho mặt trận Buôn Ma Thuột. Chiều ngày 17-3, ta tiếp quản thị xã Cheo Reo, chính thức giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Bổn cũ. Sau thời gian nổi dậy hỗ trợ bộ đội chủ lực, kêu gọi địch bung súng đầu hàng, vận động và ổn định khoảng 2 vạn dân chạy loạn, giữ gìn trật tự…; ngày 20-3, ta tổ chức mít tinh quần chúng tưng bừng, hoan nghênh tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân, đồng thời thành lập và công bố Ủy ban Quân quản thị xã Cheo Reo.

Những ngày vui đại thắng ở Cheo Reo, ở Thuận Mẫn và đặc biệt nhất là TP. Hồ Chí Minh- ngày 30-4-1975, làm ông nhớ mãi. Những ngày này, người người, nhà nhà đều hân hoan, vui vẻ; cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu… tràn ngập trên các con đường. Ông rất tự hào đã đóng góp một phần công sức của bản thân làm nên những chiến thắng thần kỳ đó. Càng tự hào hơn khi mỗi lần về thăm quê, ông đều tận thấy dân làng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau làm ăn, phát triển kinh tế, văn hóa…
Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm