Những người làm đẹp đường phố

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dáng người mảnh khảnh, giọng nói nhẹ nhàng, nước da trắng trẻo, nhìn chị, khó ai đoán đó là một công nhân vệ sinh môi trường với sự cố gắng phi thường. Hàng ngày, cứ 2 giờ sáng, chị Lê Thị Hương đã bắt đầu công việc. Buổi chiều chị cùng các chị em trong tổ đi thu gom rác, có những hôm thiếu người, một mình chị phải đẩy chiếc cộ nặng hàng tạ đi hàng nửa cây số. Công việc đâu chỉ có vậy, buổi trưa chị lại tranh thủ đến từng hộ để thu phí, có hộ phải đi vài ba lần mới gặp chủ nhà. “Công việc vất vả là vậy, nhưng Hương luôn hoàn thành xuất sắc, thậm chí nếu chị em trong đội có bị ốm đau Hương sẵn sàng làm thay” -chị Trần Thị Hồng, Đội phó Đội Vệ sinh Môi trường II (Công ty Công trình Đô thị thành phố Pleiku) cho biết. Còn với chị Hương: “Được vào làm công nhân vệ sinh môi trường với tôi là một may mắn. Từ ngày vào làm trong công ty, công việc có vất vả hơn nhưng thu nhập ổn định hơn nhiều so với lao động phổ thông bên ngoài, lương bình quân mỗi tháng cũng được 2,3 triệu đồng đến 2,4 triệu đồng”.

Gia đình anh Thái quây quần trong căn nhà khang trang. Ảnh: Lê Lan
Gia đình anh Thái quây quần trong căn nhà khang trang. Ảnh: Lê Lan
Cũng như chị Hương, anh Nguyễn Văn Thái cũng là người miệt mài với công việc và cũng rất gắn bó với nghề. Anh cho biết:  “Gần 15 năm gắn bó với nghề, ngày nào cũng ra đường, ngày nắng cũng như ngày mưa, càng lễ, Tết lại càng làm nhiều hơn. Tổ có 14 anh em nhưng phải đi theo 8 chiếc xe ép rác, phục vụ toàn thành phố Pleiku. Công việc nặng nhọc, nhất là mùa mưa anh em rất dễ bị đau. Là tổ trưởng đôi lúc tôi cũng “nhức đầu” khi phải xắp xếp ca làm việc thật hợp lý để không trùng”- anh Thái bày tỏ. Vợ anh, chị Trần Thị Nhương, cũng là công nhân vệ sinh môi trường đã 14 năm nay, chị không chỉ hoàn thành tốt công việc công ty mà còn là người mẹ biết chăm lo cho gia đình.

Tiếp tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Nguyễn Văn Thái không ngại kể về công việc làm thêm của mình. Mỗi khi chuông đồng hồ reo 4 giờ 30 phút sáng, ấy là lúc anh và chị thức dậy, ra vườn. Những ngày rau nhiều, anh phải chở ra chợ sau đó mới về nhà cho con ăn sáng, đưa con đi học rồi mới đi làm. “Năm ngoái nhà tôi làm 2 sào rau, trồng đủ các loại, hết làm đất rồi bón phân, bận lắm, đến thời gian ngủ cũng hiếm. Nhưng năm nay thì chỉ làm một sào thôi, phải dành thời gian để chăm sóc con- ngồi cạnh chồng chị Nhương nói thêm vào. Bình thường lương của 2 vợ chồng được 4-5 triệu đồng/tháng cộng thêm khoản thu từ trồng rau 3,5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống của gia đình coi như là khá giả, có thể sắm được những vật dụng đắt tiền.

Không thua kém vợ chồng anh Thái, chị Hương vốn có tay nghề ươm cây từ hồi còn làm ở Lâm trường Kon Hà Nừng, tranh thủ thời gian ở nhà chị ươm cây rừng để bán. Không chỉ làm hết trên khoảnh đất của gia đình, chị còn thuê thêm đất để làm vườn ươm cây giống, mỗi vụ ươm trên 10 vạn cây. Nhà chị ngay gần Trường Trung cấp Lâm nghiệp nên vườn ươm của chị được nhiều người biết đến, khách đặt mua hàng khá đông, công việc làm ăn cũng khấm khá dần lên. “Cực nhọc bao nhiêu chị cũng cố được, chỉ mong con cái học hành đàng hoàng, có trình độ cho đỡ khổ”- chị Hương hạ giọng nói.

“Công việc tuy vất vả nhưng ngoài giờ làm việc ở công ty, hầu hết anh chị em trong đội đều tranh thủ tăng gia, sản xuất thêm, người thì trồng rau, người ươm cây, chăn nuôi… Nhờ thế mọi người có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, các chị em trong đội còn rủ nhau góp mỗi tháng 500 ngàn đồng, lập quỹ luân chuyển để có thể mua sắm các vật dụng, tiện nghi trong gia đình”- chị Trần Thị Hồng cho biết thêm.
Lê Lan

Có thể bạn quan tâm