Với Công điện 381/CĐ-TTg ngày 25-4 của Thủ tướng Chính phủ "về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5", những vấn đề cần chấn chỉnh trong hoạt động du lịch tiếp tục được đề cập.
Trong công điện, Thủ tướng lưu ý nhiều việc để các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai thực hiện, như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch trong việc bảo đảm quy định về phòng chống dịch Covid-19; giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách...
Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay trùng vào thứ bảy và chủ nhật, là ngày nghỉ hằng tuần, nên người lao động được nghỉ bù vào thứ hai (2-5) và thứ ba (3-5) tuần kế tiếp. Như vậy, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tục, từ 30-4 đến hết 3-5. Đây là dịp rất tốt để người lao động được nghỉ ngơi dài ngày hoặc tham gia các tour du lịch. Ngành du lịch nói riêng, hoạt động kinh tế nói chung cũng có thêm "cú hích" để phục hồi và phát triển sau những năm tháng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Du lịch Việt Nam sau thời gian dài xem như "ngủ đông" vì dịch Covid-19 đã hồi sinh mạnh mẽ với du khách nội địa và quốc tế ngày càng gia tăng. Nhiều tỉnh, thành đang tiếp tục "trải thảm đỏ" nhằm kích cầu du lịch, mà dịp nghỉ lễ dài ngày này chính là một cơ hội.
Nhưng quãng thời gian vừa thoát ra khỏi thời kỳ "ngủ đông" ấy cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục: Tình trạng lừa đảo, trục lợi, chèo kéo du khách vẫn rải rác xuất hiện hết nơi này đến nơi khác. Trên mạng xã hội vẫn thường xuyên lan truyền các video clip về cảnh bát nháo ở những điểm đến đông người, tình trạng "chặt chém", thái độ bất nhã của các chủ hàng quán hay khách sạn đối với du khách...
Không phải là phổ biến và chính quyền cũng như ngành văn hóa, du lịch nhiều địa phương đã mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, nhưng thực tiễn cho thấy vẫn chưa đủ sức răn đe. Những chuyện như thế lại tác động không nhỏ đến hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta không được phép lơ là với dịch Covid-19. Dù dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước và số ca nhiễm, ca nặng, tử vong tại các tỉnh, thành có xu hướng giảm nhanh từng ngày nhưng không vì thế mà chủ quan. Đến các địa điểm du lịch, chúng ta sẽ dễ dàng chứng kiến không ít du khách chưa thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gần đây cũng đã nhấn mạnh: "Chúng ta có thể đủ sức đối phó những chủng virus cũ nhưng nếu xuất hiện những biến chủng mới thì sẽ gặp khó khăn, bị động, bất ngờ. Do đó, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác".
Hy vọng các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Công điện 381/CĐ-TTg để dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 sắp tới thực sự là một "cú hích" cho ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ.
Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG (NLĐO)