Đại học Huế: Nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh 2010

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù đã hạ mốc điểm sàn thấp hơn năm ngoái nhưng để tuyển đủ chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2010 này, Đại học Huế gặp khá nhiều khó khăn khi nhiều ngành để lấy đủ chỉ tiêu, thậm chí nửa chỉ tiêu gần như là chuyện không tưởng. Một số ngành thậm chí phải ngừng tuyển sinh. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Đức Hưng, (ảnh) Phó giám đốc Đại học Huế, Phó chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế năm 2010 xung quanh vấn đề này.

 

Về những khó khăn trong khâu tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Đức Hưng cho biết:

Năm nay chắc chắn là khó khăn hơn năm ngoái vì chỉ tiêu còn lại để tuyển NV2, NV3 còn nhiều mà điểm chung thì còn ít. Có nhiều ngành ở Đại học Huế có khó khăn nguyện vọng (NV) 1 nhưng trên thực tế nguồn để tuyển vào cùng khối mà thi ở các trường khác hoặc thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn. Với điểm sàn năm nay thì Đại học Huế đã gọi NV1 so với tổng số chỉ tiêu là 92% rồi đấy nhưng cái đó cũng không phản ánh được hết khó khăn bởi có nhiều ngành rất khó tuyển.

Trong 92% là tổng số chỉ tiêu được tuyển, số đã gọi trúng tuyển đạt sàn trở lên và số đã trúng với điểm chuẩn của Đại học Huế nhưng có nhiều ngành số chỉ tiêu vào được rất ít, nghĩa là khó khăn còn lại vẫn còn nhưng vẫn hy vọng ở nguồn còn lại theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như vậy thì có thể chờ đợi NV2 có thể vào được.

Theo tính toán và thống kê của Bộ, nguồn tuyển sinh còn lại sau khi đã xét NV1 từ điểm sàn trở lên trên phạm vi cả nước còn rất nhiều. Tuy nhiên khu vực miền Trung là vùng trũng tập trung điểm dưới sàn, điểm thấp và cũng không nhiều trường hợp các thí sinh từ hai đầu đất nước về Huế để học. Liệu đó có phải là khó khăn cho Huế?

Chắc chắn là khó khăn nhưng xin nói ngay đó không phải là khó khăn của riêng Huế mà các trường miền Trung, Tây Nguyên. Có hai khu vực là miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đều gặp khó khăn. Nếu như thống kê nguồn tuyển sinh còn lại sau khi đã xét NV1 từ điểm sàn trở lên thì hai khu vực này số lượng còn lại để thực hiện lượng liên thông là ở mức độ thấp; nhưng vì mặt bằng chung của Bộ và yêu cầu về mặt chất lượng đầu vào nên định điểm sàn trên cơ sở thống kê điểm thi của cả nước tính theo khối và lấy từ trên xuống dưới so với chỉ tiêu hiện nay và nguồn để di chuyển trong miền Trung, Tây Nguyên theo tính toán chung toàn quốc thì vẫn còn dư để có thể di chuyển nhưng nguồn dư này theo kinh nghiệm thực tế không phải cứ thừa điểm là các thí sinh vào những ngành mình tuyển.

Như vậy có thể nói, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung phải chờ những thí sinh của các tỉnh từ hai đầu đất nước tràn vào thì mới có thể đảm bảo được số lượng chỉ tiêu và khó khăn đó là có.

Năm nay điểm rơi khó nhất là vào những ngành nào, thưa ông?

Thực chất những ngành khó đều không phải khó của năm nay và những năm trước đã là khó rồi, mà không riêng Huế mà cả những đại học Hà Nội, Cần Thơ… ví dụ, những khối ngành nông nghiệp, nông lâm thủy sản… Những ngành này không phải nhu cầu xã hội không có mà người học chưa say sưa với những ngành này thì vẫn tiếp tục khó tuyển, hay một số ngành như của Trường đại học Khoa học như địa chất, khoa học cơ bản tự nhiên… Ngành địa chất gần như năm nào cũng phải tuyển NV2 nhưng không phải nhu cầu xã hội không có bởi ví dụ ngành địa chất công trình tốt nghiệp ra có việc ngay nhưng người học không nhận thức thấy được điều đó.

Hiện nay phần lớn người thi vào các ngành đó đầu vào thấp, thấp thì nhiều khi không đạt được điểm sàn để vào và số vào được cũng chỉ điểm ngang sàn thôi nên chất lượng đào tạo không cao.

Nhìn vào bảng điểm có thể dễ dàng thấy rằng điểm rơi, phổ điểm phổ biến rơi vào con số 3,4 điểm khá nhiều?

Nói như vậy cũng không hẳn vì phổ điểm năm nay rất chuẩn. Bộ đã làm thống kê điểm từng khối, vẽ ra đồ thị của nó và qua đồ thị này thể hiện rất rõ sự phân bố, trên cơ sở đó để định điểm sàn. Vì thế tôi cho rằng, năm nay Bộ đã chuẩn bị rất kỹ về mặt số liệu và mục tiêu đặt ra cũng rất rõ: mục tiêu thứ nhất là phải căn cứ vào kết quả thi tất cả các ngành, các khối, các trường và xử lý thống kê đưa ra biểu đồ; mục tiêu thứ hai là căn cứ vào chỉ tiêu được phân được tuyển; thứ ba là hai cái đó tính cân bằng và quan tâm đến mục tiêu tiếp theo là tạo thuận lợi để các cơ sở đào tạo tuyển được với mặt bằng cao hơn.

Theo phương án điểm sàn đại học mà Bộ Giáo dục Đào tạo công bố (khối A, D là 13; khối B, C là 14 điểm) thì khối A có 120.518 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 37.497 thí sinh và vẫn còn 89.165 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn có cơ hội được xét tuyển NV2. Khối B có 84.846 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 5.939 thí sinh để đủ chỉ tiêu của các trường và còn 50.000 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn. Khối C có 18.196 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 6.552 thí sinh trúng tuyển NV1 và 13.423 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn. Khối D có 34.037 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 18.923 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn tới 30.891 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn. Như vậy, gần 68.911 thí sinh có cơ hội vào Đại học bằng NV2.

Rất nhiều ngành việc lấy đủ chỉ tiêu thậm chí nửa chỉ tiêu là không tưởng?

Đành phải chấp nhận thôi vì Bộ đã đưa ra một mặt bằng sàn cần để nâng cao chất lượng đầu vào thì không còn cách làm nào khác. Tất nhiên là thấy rõ khó khăn đó và Đại học Huế phải nói ngay là có một số ngành không tuyển đến thời điểm này ví dụ một số ngành ở NV1  mà số thí sinh trúng tuyển quá thấp có ngành chỉ có 1,2 em trúng tuyển thôi.

Trong cuộc họp vừa rồi của Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế năm 2010 đã xác định, những ngành đó thôi không đào tạo năm nay nữa và không thông báo tuyển sinh NV2. Như vậy có nghĩa là phải tạm dừng một số ngành với điều kiện là số lượng đầu vào quá ít. Đà Nẵng người ta dừng 9 ngành đào tạo, Huế hiện nay mới chính thức ngừng ngành phát triển nông thôn của Trường đại học Nông lâm, một số ngành liên kết với địa phương ví dụ như Phú Yên…

Vì sao một số ngành rất khó tuyển đủ sinh viên như ngành tiếng Nga, ngành Ngôn ngữ, ngành Hán- Nôm, nhưng Đại học Huế lại tiếp tục tuyển, đào tạo?

Một số ngành ví dụ như ngành tiếng Nga tuy rất khó tuyển ở Huế nhưng thực tế đây là nền văn hóa lớn và ở ngoài Bắc vẫn có nhiều thí sinh đăng ký và xã hội có nhu cầu  vì vậy nên Đại học Huế vẫn tiếp tục duy trì…

Thưa ông, nếu như sau khi tuyển xong NV2, NV3 mà có một số ngành quá ít sinh viên liệu Đại học Huế có tạm ngừng đào tạo ngành đó hay không?
   
Nếu vậy chắc chắn phải chờ ý kiến quyết định của hội đồng và quan điểm là nói chung có thể phải ngừng các ngành đào tạo nếu thực sự là không có nhu cầu vì thực chất cái này là phải ánh nhu cầu của xã hội.

Xin cảm ơn ông!
Thanh Vân (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm