Thời sự - Bình luận

Để tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhìn lại những thành công và bài học kinh nghiệm của cuộc vận động là cách để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, làm cho mình ngày một tốt hơn trong mỗi lời nói, việc làm; để Đảng ta thực sự là một đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh, là đạo đức, văn minh.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng; kết tinh rạng ngời đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trọn cuộc đời, Người đã rèn luyện, cống hiến không ngừng nghỉ, tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, đồng bào, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội và con người... Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành biểu tượng cách mạng, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho Nhân dân Việt Nam và Nhân dân tiến bộ thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học tập những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại được kết hợp một cách nhuần nhuyễn với tư tưởng, đạo đức tiên tiến của thời đại. Đó là tư tưởng, đạo đức vì con người, cho con người, trung với nước, hiếu với dân, mọi việc làm đều vì nước vì dân, được thể hiện một cách sống động qua đức tính: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, tác phong giản dị, khiêm tốn xuyên suốt cuộc đời của Người. 
Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Lam Nguyên

Bài học lớn nhất của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là mọi giá trị phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn. “Đạo đức không phải là cái gì từ trên trời rơi xuống; đạo đức là do rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà có, giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Những người từng giơ nắm tay thề dưới cờ Đảng quang vinh phải thấm nhuần quan niệm: “Người cách mạng phải có đạo đức. Nếu không có đạo đức, tự mình tham ô, hủ hóa thì còn làm nổi việc gì cho nước cho dân”.  

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, các bộ, ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, chương trình hành động cụ thể, phát huy được sức lan tỏa sâu rộng trên mọi mặt đời sống xã hội; tác động đến lối sống, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên và người dân; tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, sự đồng lòng, quyết tâm trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Đã có hàng ngàn cán bộ, đảng viên bị kỷ luật vì thoái hóa biến chất, nhưng cũng ngày càng có nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, thực sự có sức lan tỏa trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và khát khao cống hiến, phụng sự đất nước xuất hiện trong xã hội, cổ vũ toàn thể Nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là học ở tính khiêm nhường của Người, mỗi cán bộ, đảng viên biết đặt mình trong Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, biết soi mình vào thực tiễn để hiểu mình, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Học theo Bác là học tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong công việc, sẵn sàng từ bỏ những cái lỗi thời, lạc hậu để tìm tòi, đi tới những cái mới mang tính thời đại; luôn hướng về phía trước, không ngừng nâng cao trình độ, làm giàu trí tuệ của mình bằng những kiến thức phong phú, sâu rộng thực tiễn cuộc sống.
Học ở Bác là học phong cách ứng xử trên một bình diện văn hóa cao, sống giản dị, thanh cao, khoan dung độ lượng với mọi người, yêu lao động, quý thời gian, không làm công chức kiểu sáng cắp ô đi tối vác về, ăn bám tiền thuế của dân; làm việc gì cũng sâu sát, tin yêu và tôn trọng quần chúng; lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình để sửa chữa khuyết điểm, thực hiện và phát huy dân chủ, trước hết là dân chủ trong sinh hoạt Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một Đảng, một dân tộc và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, được mọi người yêu mến, kính phục, không có nghĩa là hôm nay vẫn được mọi người tôn trọng, nếu như lòng dạ không trong sáng nữa, sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không thể là việc làm mang tính phong trào hay theo chỉ thị này, nghị quyết kia mà phải là việc làm thường xuyên, thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên; học theo Bác để “lòng trong trí sáng”; để “tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” như Tổng Bí thư nhấn mạnh.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm