Biển đảo Việt Nam

Đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hóa ra xuồng không vào được đảo cũng có cái hay. Bởi cũng vì sóng to gió lớn phải lưu lại một đêm trên đảo mà cán bộ, chiến sĩ, phóng viên báo đài mới có cơ hội tham gia một đêm văn nghệ nhiều cảm xúc.

Giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.S

Sau khi rời đảo Đá Tây, tàu 561 Hải quân Vùng 4 tiếp tục hải trình tiến về hướng đảo Trường Sa Đông, đợi sáng hôm sau sẽ trung chuyển hàng và người lên đảo. Nhưng thả neo chưa được bao lâu, sóng dữ bỗng nổi lên, tàu rung lắc dữ dội. Mới đấy mà sóng tung trắng xóa bủa vây đảo nhỏ, khiến tàu vội vàng nhổ neo về lại đảo Đá Tây cách đó mấy chục hải lý tránh gió, sáng hôm sau mới vào được đảo này.

Trở lại đêm văn nghệ đáng nhớ. Sau bữa cơm chiều rất ngon có canh rau mồng tơi, cải xanh, cá bò sừng, thịt kho tàu, thịt gà đông… do anh nuôi trên đảo thể hiện, các chiến sĩ đã lục tục chuẩn bị cho phần liên hoan văn nghệ. Trước đó, cán bộ, chiến sĩ Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo mau mắn thiết kế sân khấu, dựng phông màn, trang âm, ghép nhạc… Một màn hình LCD cỡ lớn sẵn sàng ở một góc sân khấu hỗ trợ ca sĩ lúc quên lời. Mấy chiến sĩ trẻ khiêng 2 chậu quất, quà đoàn công tác tặng đảo, đặt lên sân khấu cho thêm không khí văn nghệ. Giữa tấm phông màu xanh nổi bật dòng chữ cách điệu Giao lưu văn nghệ mừng Xuân Đinh Dậu 2017”.

Vẫn biết “cây nhà lá vườn”, thiếu thốn, đơn sơ, vậy mà chương trình khiến ai cũng xúc động thấm thía. “Cây nhà lá vườn” vì sân khấu là một khoảnh sân, âm thanh là dàn âm ly nơi hội trường làm việc và mấy chiếc loa, màu sắc chỉ ánh sáng trắng, không nhạc công lẫn đạo cụ. “Cây nhà lá vườn” vì thành phần diễn viên chẳng ai khác là cán bộ, chiến sĩ trên đảo, cán bộ Lữ đoàn 146 và phóng viên báo đài. “Cây nhà lá vườn” bởi diễn viên trang phục đơn sơ bất đắc dĩ vì đặc thù làm việc nơi biển đảo. “Cây nhà lá vườn” vì khán giả cũng đấy mà diễn viên cũng đấy, hát xong xuống làm khán giả, hết làm khán giả lại thành diễn viên. Vậy mà vào cuộc, “nghệ sĩ” nào cũng nhiệt tình hết cỡ, hát múa hết mình. Ai có “tài” gì thì đem ra góp vui. Không sợ “phô” giọng, không sợ quên lời, vì đã có nhạc karaoke “cứu viện”.

Dĩ nhiên, chủ đề chính của chương trình là những bản nhạc gắn liền với biển đảo: “Nơi đảo xa”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Bâng khuâng Trường Sa”… Hồng Sen (Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nam) và Thế Hưng (cán bộ mới ra đảo) thật “ngọt” khi song ca cùng nhau bài “Tình ta biển bạc đồng xanh”. Thu Hồng (Đài Truyền hình Việt Nam) hôm ở đảo Trường Sa khiến ai nấy ngạc nhiên bởi bài múa ba lê thì tối nay lại “đốt” mắt khán giả bằng tiết mục múa dân gian “Sen nơi đảo xa” với không ít động tác khó. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Tuấn (Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương) vừa trữ tình vừa khỏe khoắn với bài “Tình ca”. Bất ngờ nhất là anh Nguyễn Hoàng (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) với ca khúc “Chiếc áo bà ba”. Ở tuổi  60 nhưng khỏe khoắn, nhanh nhẹn, xông xáo, nhiều nhà báo trẻ lè lưỡi trước  sự nhiệt tình và sức làm việc của anh.

 Trong không khí hưng phấn, Trưởng đoàn công tác-Đại tá, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Phan Ngọc Quang không chịu đứng ngoài cuộc, góp chương trình bài hát “Gần lắm Trường Sa” ngọt ngào, sâu lắng. Chẳng thấy ai dè dặt, ngại ngần, trái lại đều nhiệt tình, không hát thì múa, không múa thì cổ vũ hò reo. Đảo nhỏ, biển động, gió to sóng lớn chỉ cách vài chục mét. Tiếng hát lẫn với tiếng gió vù vù, tiếng sóng vỗ ào ạt nhưng chẳng làm ai nao núng, trái lại ai cũng hứng khởi mê say. Những bàn tay chai sần, những gương mặt rám nắng bỗng trở nên trẻ trung, nhẹ nhõm.

Một lần ra Trường Sa, một đêm giao lưu văn nghệ để lại ấn tượng thật khó quên. Hẳn là vì nó diễn ra ở nơi đảo xa trong tinh thần “cây nhà lá vườn” đậm đà chất lính, trong ngày Xuân ấm áp thiêng liêng, thể hiện đầy đủ lòng tự hào dân tộc, tình cảm thắm thiết quân dân, đảo xa-đất liền cố kết một quyết tâm sắt đá: bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm