Dịch thuật vừa là nghệ thuật vừa là khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân, dịch giả văn học, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Ông đã dịch khoảng 20 đầu sách văn xuôi, kịch và thơ của văn học nước ngoài từ tiếng Rumania, Pháp và Anh; là tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về lý luận và phê bình văn học-văn hóa. Năm 2000, ông được trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm lý luận-phê bình Nghiên cứu văn học- lý luận và ứng dụng (loại B, không có loại A). 
Gia Lai Điện tử có cuộc trao đổi ngắn cùng ông về một số vấn đề liên quan đến văn học dịch và sự ảnh hưởng của văn học nước ngoài đến văn học Việt Nam đương đại.
 
- Thưa PGS.TS. Nguyễn Văn Dân, ông có thể nói gì về việc khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiện nay rất hiếm dịch giả?
Thật ra, nếu gộp cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên thì cũng không thể nói là hiếm dịch giả. Có thể là hiếm hơn so với hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng nếu xét rộng ra thì vẫn còn nhiều địa phương khác rất hiếm dịch giả. Điều này cũng không có gì lạ, khi mà bản đồ văn hóa của nước ta vẫn còn có sự chênh lệch tương đối. Dịch thuật là một công việc vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính khoa học. Nó đòi hỏi người làm công việc này phải có một vốn kiến thức liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa-văn học nước ngoài. Trong khi đó thì điều kiện văn hóa ở các địa phương hiện nay vẫn còn hạn chế so với các trung tâm đô thị lớn. 
Tuy nhiên, ở các tỉnh ven biển miền Trung cũng có nhiều dịch giả đã thành danh và hiện nay cũng có nhiều bạn trẻ đang say mê đi vào lĩnh vực này. Tôi đã nhận được bản dịch của một số bạn trẻ gửi đến Tạp chí Văn học nước ngoài và phải công nhận là họ có những cố gắng và say mê với nghề. Đó là điều đáng khuyến khích. Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn sẽ là một nơi để cho các bạn trẻ thử nghiệm và phát huy tài năng của mình trong nghề dịch thuật. Hiện tại, internet đang giúp làm giảm sự chênh lệch về thông tin giữa các vùng miền. Và tôi hy vọng các vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên cũng hoàn toàn có cơ hội đóng góp cho lĩnh vực dịch thuật.
- Theo ông, phẩm chất cần có nhất của một người làm nghề dịch tác phẩm văn học là gì?
Theo tôi, người làm công việc này vừa phải có óc cảm thụ nghệ thuật vừa phải có kỹ năng của một nhà khoa học. Và vì dịch thuật dứt khoát phải liên quan đến văn hóa đa quốc gia, cho nên người làm công việc này cũng dứt khoát phải có ý thức tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Dịch thuật không đơn giản là chuyển nghĩa của một từ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Mà cái quan trọng là phải hiểu các nền văn hóa đứng đằng sau ngôn ngữ để dịch đúng nghĩa của từ. Vì thế, ngoài óc cảm thụ thẩm mỹ, người dịch phải có tính kiên trì của một người lao động khoa học.
- Sự phong phú và đa dạng của văn học dịch thời điểm hiện tại liệu có làm độc giả quay lưng lại với văn học nước nhà không?
Hoàn toàn không. Cửa sổ văn hóa chỉ đem lại luồng gió mới để bổ sung và làm giàu cho văn hóa dân tộc chứ không thay thế nó.
- Ông có nhận xét gì về tác phẩm của các dịch giả trẻ hôm nay?
Các dịch giả trẻ hôm nay rất sung sức và năng nổ. Họ háo hức với những cái mới và muốn đóng góp cho văn học nước nhà. Nhưng có vẻ như họ hơi nóng vội mà thiếu một chút kiên trì. Nên đôi lúc vẫn dễ dãi trong công việc. Điều này thời gian sẽ giúp cho họ khắc phục.
- Ông chưa lần nào đến Gia Lai, vậy thời gian tới ông có ý định sẽ đến thăm vùng đất Tây Nguyên của chúng tôi không?
Tôi nghe nói Tây Nguyên là một vùng đất đẹp, cả con người lẫn thiên nhiên. Tôi có những người bạn văn Tây Nguyên rất chân thành và dễ thương. Đó là điều hấp dẫn để tôi ấp ủ ước mơ đến với vùng đất này một ngày không xa.
Hoàng Thanh Hương (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm