“Điều quan trọng làm nên một tác phẩm tốt chính là ở ý tưởng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phan Khánh Trang, sinh viên năm 5 Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế. Ảnh: Thanh Vân
Chỉ trong vòng 3 ngày từ khi biết thông tin về cuộc thi rồi lên ý tưởng và thiết kế nhưng tác phẩm Banana leaf- furoshiki của Phan Khánh Trang, sinh viên năm 5 Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế đã vượt lên 217 bài tham dự của các sinh viên đến từ 9 quốc gia trên thế giới để đoạt giải Giải thưởng Lớn (Grand Prize) duy nhất của Cuộc thi thiết kế khăn gói quà Nhật Bản (Furoshiki) Quốc tế lần thứ II dành cho sinh viên. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng Trang ngay khi Trang vừa đi nhận giải về từ Thủ đô Hà Nội.

* Chào Trang! Cảm giác của em thế nào khi biết tin mình được giải thưởng cao nhất của Cuộc thi thiết kế khăn gói quà Nhật Bản (Furoshiki) Quốc tế lần thứ II?
Cảm giác đầu tiên là rất bất ngờ vì khi tham dự em chỉ nghĩ là để cho vui thôi. Khi có cuộc gọi điện thoại từ phía Ban tổ chức báo tin được giải em vẫn chưa tin, cứ tưởng ai đó nói đùa, chỉ đến khi nhận được email thông báo chính thức em mới tin là mình đã đoạt giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
* Thông tin về cuộc thi đến với Trang như thế nào? Và Trang đã bắt tay thực hiện tác phẩm ra sao?
Trên trường đã thông báo từ lâu nhưng thời điểm đó em đang làm bài tốt nghiệp nên không biết, khi biết thông tin thì đã gần hết hạn cuộc thi.
Trước khi quyết định tham gia cuộc thi, em đã đọc lại yêu cầu xem mình có đạt hay không, sau đó em tìm hiểu mục đích mà cuộc thi hướng tới rồi đi tìm ý tưởng và thực hiện. Tất cả, từ khi biết tin đến khi nộp tác phẩm chỉ trong vòng 3 ngày.
* Sự tương tác giữa văn hóa Nhật Bản và các quốc gia trên thế giới là điều mà cuộc thi hướng đến. Để tham dự cuộc thi này, hẳn Trang đã phải tìm hiểu khá nhiều về nền văn hóa của đất nước mặt trời mọc?
Văn hóa Nhật được rất nhiều người trong lứa tuổi em yêu thích và cảm thấy rất ấn tượng. Vì vậy, từ lâu em đã hay tìm đọc sách về văn hóa Nhật và đã xem các bộ phim của Nhật nên cũng không phải tìm hiểu gì nhiều. Em chỉ tìm hiểu cụ thể furoshiki nghĩa là gì, và tìm ra những điểm tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Nhật Bản để lên ý tưởng.
Tác phẩm Banana leaf- furoshiki của Phan Khánh Trang
* Theo Trang, lý do nào khiến Ban tổ chức cuộc thi đã đánh giá rất cao tác phẩm Banana leaf-furoshiki của em?
Em nghĩ chắc là vì ý tưởng. Em cảm thấy rất tự tin và hài lòng về mặt ý tưởng. Chủ đề cuộc thi nói lên điểm tương đồng giữa các nước và Nhật Bản. Để thể hiện điều này có nhiều cách, chẳng hạn như những nước Á Đông thì có thể dùng chữ viết, hoặc hoa văn như Việt Nam mình có một số bạn dùng lá sen, hoa sen để nói lên sự tương đồng, nhưng em thì dùng chính chủ đề của cuộc thi là khăn furoshiki, tức em không dùng một hình tượng mà chính cái khăn đó chủ đề đó để nói lên điểm tương đồng, em nghĩ đó là điểm khác biệt của em và các bạn khác.
Cuộc thi thiết kế khăn gói quà Nhật Bản (Furoshiki) Quốc tế lần thứ II dành cho sinh viên do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (The Japan Foundation) tổ chức thu hút 217 bài tham dự của các sinh viên đến từ 9 quốc gia trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cuộc thi thú vị này và giành được rất nhiều giải thưởng trong đó Phan Khánh Trang đã vinh dự giành giải Giải thưởng Lớn (Grand Prize) duy nhất của cuộc thi trị giá 100.000 Yên Nhật, 3 sinh viên Việt Nam khác đã đoạt giải khuyến khích (Merit Prize) và 1 sinh viên đoạt giải danh dự (Honorable Mention).
Lễ trao giải thưởng của Cuộc thi thiết kế khăn gói quà Nhật Bản (Furoshiki) quốc tế lần thứ 2 dành cho sinh viên cho 5 sinh viên Việt  Nam có các mẫu thiết kế đoạt giải vừa được tổ chức vào ngày 3-3-2011 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Thủ đô Hà Nội.
* Em có thể nói về ý tưởng phối hợp giữa lá chuối xanh và con chuồn chuồn đỏ trong tác phẩm Banana leaf-furoshiki của mình?
Furoshiki hay còn gọi là những tấm khăn gói quà ngày nay trở nên rất thời trang và đặc trưng cho một nền văn hóa truyền thống của Nhật Bản.
Những năm gần đây, ở Nhật Bản và một số nơi trên thế giới, việc sử dụng furoshiki đã trở nên phổ biến trở lại. Những chiếc khăn này có thể được tái sử dụng nhiều lần, chính vì thế sẽ giảm thiểu tác hại tới môi trường. Khăn furoshiki xuất phát từ thiên nhiên và em thấy rằng nó cũng tương đồng với Việt Nam mình thường dùng lá chuối để gói đồ. Do đó, ý tưởng chính trong tác phẩm là lá chuối, vì nó là điểm tương đồng với Nhật Bản và cũng là truyền thống lâu đời người Việt Nam.
Còn con chuồn chuồn về mặt thiết kế, nó làm cho tác phẩm trở nên sinh động hơn và làm điểm nhấn của tác phẩm thiết kế. Còn về mặt ý tưởng, con chuồn chuồn là con vật mà nhìn vào là nghĩ đến thiên nhiên, gợi cho ta về thiên nhiên, nó cũng là hình tượng thiết kế truyền thống trong hàng thủ công không chỉ Việt Nam, Nhật Bản mà cả Á Đông nữa. Em dùng lá chuối, con chuồn chuồn để nói lên tính Á Đông, tính truyền thống và tính thiên nhiên. Đây là ba điểm chính trong tác phẩm của em.
 
* Trang có thể “bật mí” một chút về những sở thích của mình?
Em thích đọc truyện, thích thiết kế- ngành em học, thích xem những tác phẩm hội họa và thích nghe nhạc.
* Sinh ra trong gia đình có ba là họa sĩ và cũng là giảng viên, em có bị ảnh hưởng phần nào bởi người cha của mình?
Em cũng không biết có ảnh hưởng không, nhưng từ nhỏ em hay nhìn ba vẽ và đã yêu thích vẽ từ nhỏ.
* Ước mơ của Trang sau này là...?
Học thiết kế nên em cũng muốn sau này được làm nghề đúng ngành của mình, thiết kế đồ họa. Em muốn có cơ hội để học chuyên sâu về ngành của mình và tham gia một số khóa mở rộng như multimedia chẳng hạn. Sắp tới, em sẽ đi Thái Lan để học thạc sĩ về Nghệ thuật thị giác.
* Cảm ơn Trang về cuộc trò chuyện cởi mở này!
Thanh Vân (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm