Thời sự - Bình luận

Định kiến 'kinh tế tư nhân'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những buổi "trà dư tửu hậu" vào các dịp cuối tuần với một vài người bạn cũ đã về hưu, không ít lần tôi được nghe những câu cảm thán: "Riết rồi cái gì cũng vào tay tư nhân hết trơn...".
Thử gõ cụm từ "vào tay tư nhân" trên Google, tôi nhận được tổng cộng 42.400 kết quả được trả về trong thời gian 0,35 giây!
Như vậy, dù công cuộc đổi mới tại Việt Nam đã trải qua nhiều thập niên, nhưng xã hội chúng ta vẫn còn quá nhiều thành kiến với kinh tế tư nhân, mà "vào tay tư nhân" là thứ định kiến đáng sợ nhất trong cụm từ "phát triển kinh tế". 
Có lẽ, câu nói của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội 6 đổi mới "Cái cần đổi mới trước hết chính là đổi mới tư duy" đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ quan điểm rằng: "Nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ, nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: "Chúng ta không hề phân biệt giữa kinh tế tư nhân và nhà nước, chúng ta bình đẳng các thành phần kinh tế".
Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số vốn đầu tư công được giải ngân đến cuối tháng 8-2020 chỉ mới đạt khoảng 47% kế hoạch, hàng chục bộ ngành và địa phương "xin" trả lại nhiều ngàn tỉ đồng với lý do "không có nhu cầu", TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - phải kêu lên rằng: "Đã đến lúc cần trao cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công bởi nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn có đủ thực lực hoàn thành tốt các dự án" ("Phải để tư nhân tham gia đầu tư công", Tuổi Trẻ ngày 28-8).
Việc kêu gọi trao cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư công, có lẽ không chỉ vì việc giải ngân sẽ nhanh gọn hơn, dự án sớm được đưa vào hoạt động, mà hiệu quả đầu tư của dòng vốn tư nhân cũng như những đóng góp của kinh tế tư nhân với sự phát triển chung của nền kinh tế VN đã được chứng minh trong thực tế. 
Từ con số 0 tròn trĩnh, khối doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những doanh nghiệp nhà nước, đã cổ phần hóa với sự tham gia của vốn tư nhân, nỗ lực vươn lên và đóng góp đến 40% tổng GDP của quốc gia.
Tuy nhiên trong thực tế, tư duy "ban - cho", sự không bình đẳng trong quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp vẫn đang tồn tại, thành kiến với doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được loại bỏ. Nhiều quan chức nhà nước đến với doanh nghiệp tư nhân luôn trong tâm thế của người "ban - cho", rằng sẽ tạo điều kiện và giúp đỡ, chứ không cho rằng đó là trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn tốt, đóng thuế cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động...
Chính cái định kiến có phần "bất công" về việc cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đang là rào cản làm tắc nghẽn quá trình phát triển của nền kinh tế hiện nay. Trong khi lẽ ra, trừ những trường hợp sai phạm đã được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo pháp luật, chúng ta cần có cái nhìn công tâm với vai trò của đầu tư tư nhân.
Sự sợ hãi "vào tay tư nhân" đang làm trùm mền, đóng băng hàng loạt dự án mà không ai can đảm đứng ra giải quyết để có thể khơi thông dòng chảy của dòng vốn, phát huy được hiệu quả mà kinh tế tư nhân có thể đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nói riêng và xã hội nói chung.
Với kỳ vọng đón "đại bàng", những doanh nghiệp lớn trên thế giới đến Việt Nam đầu tư làm ăn, ngoài chuyện "lót ổ" bằng hạ tầng hoàn chỉnh, thủ tục đơn giản, nhân lực có trình độ... theo tôi, đã đến lúc mỗi chúng ta phải vượt qua định kiến "vào tay tư nhân".
Theo PHẠM PHÚ NGỌC TRAI (TTO)

Có thể bạn quan tâm