(GLO)- Trong những ngày cuối năm, chúng tôi cùng đoàn công tác Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) thăm các đảo phía Bắc Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi đã được đón Xuân cùng cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi. Vừa đặt chân lên đảo Sơn Ca, không khí đón Tết cổ truyền ở đây đã làm cho chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác...
Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông
Ảnh: Lê Nam |
Dù đã được nghe nhiều, nhưng chỉ đến khi tới thăm quần đảo Trường Sa, chúng tôi mới có thể thấu hiểu sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên, thời tiết giữa biển khơi. Nhưng bất chấp tất cả, những cây bàng vuông, bão táp, phong ba vẫn vươn lên xanh mơn mởn, mạnh mẽ và hiên ngang làm lá chắn kiên cố cho người lính trước sóng biển.
Đặc biệt hơn, lá bàng vuông lại được những người lính biển dùng để gói bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Các anh lính thoăn thoắt đôi tay rất khéo léo, mỗi người một công đoạn, người rửa lá, người cắt lá, người chẻ lạt, người gói, người dùng lạt buộc… chẳng mấy chốc thúng gạo nếp, đỗ xanh và nồi thịt làm nhân bánh được ướp tẩm gia vị đã thành từng chồng bánh, xếp vào nồi. Trung úy Nguyễn Thành Lê đã 2 năm ăn Tết trên đảo Sơn Ca và là người phụ trách công đoạn gói bánh chưng tâm sự: “Lá bàng vuông xù xì và có nhiều gân nên nếu gói luôn sẽ rất khó, vì thế phải nhúng qua nước ấm hoặc hơ qua lửa để lá mềm và sẽ dai hơn. Phải nêm thật chặt lá bàng để gạo và nhân thịt không bung ra ngoài khi nấu”.
Trước đây, lá dong chuyển từ đất liền ra đảo trải qua hành trình dài nên khi đến đảo lá đã chuyển màu hoặc bị héo úa. Bởi thế, để bánh chưng xanh, người lính đã sáng tạo kết hợp dùng lá bàng vuông còn tươi xanh lót bên trong lá dong và sau đã thay thế hoàn toàn lá dong và chỉ gói riêng lá bàng vuông. Lá bàng dùng để gói bánh chưng được các chiến sĩ chọn lựa rất kỹ phải vừa to, vừa dài và không già, không non. Sau đó, các công đoạn gói bánh cũng như gói bằng lá dong truyền thống. Tuy nhiên, công đoạn khó nhất là xếp lá và gói thật khéo để chiếc bánh vuông đẹp như gói bằng lá dong truyền thống. Bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông cũng có màu sắc, mùi vị rất đặc biệt như có màu xanh của nước biển, hơi mằn mặn của muối, vị chát của lá bàng tất cả hòa quyện vào nhau đem lại cho bánh một mùi vị chỉ có riêng ở hải đảo xa xôi.
Tết thắm tình đồng đội
Ảnh: Lê Nam |
Không khí đón Tết trên đảo càng trở nên ấm cúng khi tiếng í ới gọi nhau người mổ heo, mổ gà, kê nồi đặt bếp đun bánh hay xếp lại mâm ngũ quả, trang trí hoa đào, hoa mai rộn ràng ở khắp các phân đội. Hoa đào, hoa mai cũng được cắt dán từ những mảnh giấy kính nhuộm hồng, vàng. Chiến sĩ Lê Quốc Long đang cắt dán vào phông dòng chữ “Chúc mừng năm mới” cho hay: Chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ tỉ mỉ cắt, dán từng chi tiết. Ở đảo, chỉ có hoa mai vàng, hoa đào làm bằng giấy và cây làm bằng cây phong ba. Sau đó cây mai vàng tràn đầy sắc xuân được bày ở vị trí trang trọng trong các căn phòng tại đảo.
Cũng như ở đất liền, đêm 30 Tết, bữa cơm Tất niên tiễn năm cũ thật đầm ấm và hạnh phúc. Các món truyền thống được các chiến sĩ chế biến công phu, tỉ mỉ và đầy đủ như ở đất liền để tạo không khí Tết đầm ấm, vui tươi. Nhiều năm liền ăn Tết tại Trường Sa, Thiếu tá Văn Minh Tai-Phó Chỉ huy trưởng Cụm 1 cho hay: Đây là lần thứ 2 tôi đón Tết trên đảo Sơn Ca và là lần thứ 6 tôi đón Tết cùng đồng đội, đồng chí nơi đầu sóng, ngọn gió. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng bộ đội Trường Sa đón Tết cũng vui không kém ở nhà. Chúng tôi tổ chức mâm cơm Tất niên cho chiến sĩ trên đảo kết hợp với giao lưu văn hóa, văn nghệ và thi đua giữa các cụm bằng hình thức trang trí mâm ngũ quả, gói bánh chưng, trang trí Tết tại các cụm sau đó tập trung toàn đơn vị cùng ăn Tất niên rất đầm ấm giúp cho người lính càng chắc tay súng nơi biển đảo.
Cùng với các chiến sĩ Hải quân, người dân sinh sống trên đảo cũng trang hoàng nhà cửa, trẻ em xúng xính trong những bộ quần áo mới háo hức đợi chờ những phong bao lì xì... anh Đoàn Duy Kiệt-người dân sống tại đảo Song Tử Tây vui vẻ nói: Gia đình ra đảo từ năm 2013 và đã có thêm thành viên mới trên đảo. Đây là Tết thứ 3 gia đình đón Xuân trên đảo và cũng như mọi năm trước mỗi khi Tết đến Xuân về là các gia đình lại chuẩn bị như ở đất liền. Những phần quà, vật liệu được gửi từ đất liền ra để người dân chúng tôi đón Tết rất đầy đủ từ thịt heo, thịt gà, lá dong hay bánh kẹo, hạt dưa… Chúng tôi ăn Tết cùng các chiến sĩ Hải quân rất đầm ấm, thắm tình quân dân.
Lê Nam - Vĩnh Hoàng