Thời sự - Bình luận

Đúng cách để hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đoàn phim Phố trong làng vừa nhận bằng khen của Bộ Công an. Đây là trường hợp khá đặc biệt với một bộ phim truyền hình khi sự ghi nhận không đến từ các giải thưởng nghề nghiệp.
Phố trong làng được thực hiện thông qua sự phối hợp giữa X03 (Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an) và Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài truyền hình Việt Nam (VFC) nhằm tuyên truyền hiệu quả hoạt động và chủ trương của ngành. Khi lên sóng trên VTV1 từ cuối năm 2021, bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực, lượng theo dõi luôn ở mức cao, từng đứng đầu tốp 10 chương trình truyền hình có lượng người xem cao nhất khu vực miền Bắc vào tháng 2-2022. 
Từ câu chuyện của Phố trong làng, đặt ra vấn đề nội tại trong việc đặt hàng các tác phẩm văn hóa nghệ thuật để thực hiện mục đích tuyên truyền. Mỗi năm, trong các lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, sách… luôn có các đợt vận động, sáng tác, đặt hàng phục vụ công tác tuyên truyền. Có một thực tế, khi nhắc đến các tác phẩm tuyên truyền, luôn được gắn mác là khô khan, cứng nhắc và khó tiếp cận khán giả. Không ít tác phẩm, điển hình như ở lĩnh vực điện ảnh được rót kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng đều không đạt hiệu quả và đón nhận như mong đợi.  
Tại hội thảo góp ý cho Luật Điện ảnh (sửa đổi) tổ chức tại TPHCM vừa qua, không ít ý kiến đã bày tỏ về tính hiệu quả của việc sản xuất phim đặt hàng bằng ngân sách nhà nước. Nhiều phim sản xuất xong, ra mắt ở phạm vi hẹp rồi đem cất kho là coi như đã hoàn thành “quy trình”. Đơn giản bởi chất lượng phim không đủ sức cạnh tranh để có thể chiếu phục vụ khán giả đại chúng. “Vết xe đổ” ấy, không chỉ đúng với lĩnh vực điện ảnh. Không ít tác phẩm tương tự ở nhiều lĩnh vực khác đã ra đời, thậm chí giành giải cao trong các cuộc vận động sáng tác, nhưng sau đó chỉ được biểu diễn, giới thiệu tại một số ít sự kiện quảng bá. Nó có thực sự đi vào đời sống và gây ấn tượng với công chúng, khán giả hay không, người trong cuộc hiểu hơn ai hết. Điều này vừa gây lãng phí, đồng thời cũng không đạt được ở mức cao nhất mục tiêu đầu tiên là phục vụ nhiệm vụ chính trị, phổ biến, tuyên truyền.  
Bài toán đặt hàng đúng cách, đầu tư hiệu quả để tạo nên những tác phẩm vừa có giá trị cao về tư tưởng, thẩm mỹ đồng thời có sức sống lâu bền trong lòng công chúng đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Nhiều nhà làm phim từng đề cập những bất cập trong lĩnh vực điện ảnh khi việc đặt hàng, đấu thầu hiện nay chưa mở rộng để khuyến khích các tài năng trẻ được thỏa sức sáng tạo, phạm vi đặt hàng vẫn bị giới hạn. Đây cũng là điều tồn tại ở nhiều lĩnh vực bởi hình thức đặt hàng nhiều khi vẫn còn cũ kỹ, nặng về hình thức, dàn trải và thiếu môi trường cho nghệ sĩ sáng tạo hết mình. 
Những tác phẩm với mục đích tuyên truyền, nếu đến được càng gần, càng quen thuộc với khán giả, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị càng cao. Và, nó cũng đồng thời có thể sinh lời về mặt kinh tế. Phim phát sóng trên truyền hình, nếu chất lượng sẽ thu hút quảng cáo. Phim ra rạp nếu đánh trúng thị hiếu khán giả sẽ mang về doanh thu. Các vở kịch, vở diễn, chương trình nghệ thuật, ca khúc hay có thể tái diễn nhiều lần. Các tác phẩm mỹ thuật có thể xuất hiện trong các phiên đấu giá. Và xa hơn, là có thể đưa những tác phẩm ấy tham gia các giải thưởng ở nước ngoài, góp phần tôn vinh và nâng tầm giá trị văn hóa Việt.  
Cân bằng giữa mục đích tuyên truyền với tính giải trí, chất lượng nghệ thuật không đơn giản. Muốn làm khác, phải bắt đầu thay đổi từ tư duy. Trong câu chuyện đặt hàng, không thể bỏ qua chủ thể sáng tạo là nghệ sĩ. Câu hỏi đặt ra là, họ có đang thực sự dấn thân vào cuộc sống, tìm tòi những chất liệu và cách thể hiện mới để đưa vào tác phẩm. Nếu vẫn giữ lề lối, sáng tác theo khuôn mẫu này, mực thước kia mà không dám bước qua vùng an toàn, mọi thứ vẫn sẽ dừng chân tại chỗ. Từ thành công của Phố trong làng với đề tài và cách thể hiện gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống, sự phối hợp nhịp nhàng của các bên là bài học thiết thực. 
Theo HẢI DUY (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm