Thời sự - Bình luận

Đừng lãng phí nguồn lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi tồn tại nhiều ứng dụng, thì cần thống nhất, đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng để sử dụng hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho người dân và hạn chế các bất cập.

Hôm qua, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn rất căng thẳng, nhiều người không khỏi lo lắng trước hình ảnh một số chốt kiểm soát ở TP.HCM tập trung quá đông người dân chờ khai báo di chuyển nội địa (di biến động dân cư) theo quy định mới của cơ quan chức năng.
Việc tập trung đông người ẩn chứa rủi ro lây nhiễm rất cao, dẫn đến tác dụng ngược của việc khai báo - vốn nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát dịch.

Từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, nhiều cơ quan chức năng đã nỗ lực khai thác nguồn lực công nghệ nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh. Nhờ đó, nhiều ứng dụng đã ra đời như: Bluezone, NCovi... hay mới đây là khai báo di chuyển nội địa qua địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.

Tuy nhiên, khi tồn tại nhiều ứng dụng, thì cần thống nhất, đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng để sử dụng hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho người dân và hạn chế các bất cập. Nếu không, cả người dân lẫn các cơ quan chức năng đều lúng túng vì nay dùng ứng dụng này, mai lại áp phần mềm kia.

Trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng đang chuyển đổi số. Để quá trình này đạt hiệu quả, thì cần phải đảm bảo tính liên thông, đồng bộ dữ liệu. Có thế, chúng ta mới có được “xương sống” là hệ thống dữ liệu đồng bộ để các cơ quan chức năng cùng chia sẻ, sử dụng nhằm tránh lãng phí nguồn lực và gây bối rối khi triển khai. Chúng ta đã từng có những bài học từ việc tổ chức rồi thực hiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, đô thị thông minh...

Đối với việc áp dụng công nghệ để phòng chống Covid-19, thay vì lúc thì áp dụng Bluezone, Ncovi... rồi nay lại áp dụng “di biến động dân cư”, thì lẽ ra các cơ quan chức năng nên tập trung đồng bộ hóa và thống nhất dữ liệu. Qua đó, chúng ta có thể tiết kiệm nguồn lực, xây dựng thêm các bước tiến mới trong việc sử dụng công nghệ kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể là bổ sung các tính năng thiết thực hơn. Đáng mừng là theo thông tin mới nhất thì các ứng dụng này sẽ được tích hợp và thống nhất về một đầu mối là Bộ Công an quản lý.

Điển hình, chúng ta có thể cập nhật dữ liệu từ cơ quan y tế cho ứng dụng khai báo y tế, di chuyển nhằm thông tin đâu là “vùng đỏ” có mức độ nhiễm bệnh cao, đâu là “vùng xanh” có mức độ nhiễm bệnh thấp... Qua đó, chính người dân cũng sẽ chọn lựa đi lại hợp lý hơn giúp phòng ngừa bệnh dịch lan rộng. Nhờ vậy, chúng ta còn dễ dàng kiểm soát được việc di chuyển bao gồm những người đến/đi từ khu vực nguy cơ cao hay thấp, cá nhân đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 chưa...

Đó là cách mà nhiều nước phát triển đang thực hiện nhằm từng bước chuyển sang thời kỳ “bình thường mới” hậu đại dịch Covid-19.

Theo NGÔ MINH TRÍ (TNO)

Có thể bạn quan tâm