“Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách con người”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày nay các tệ nạn xã hội có xu hướng xâm nhập vào gia đình ngày càng tinh vi khó lường, làm cho gia đình dần dần bị suy yếu, không đảm bảo được chức năng vốn có của mình. Bàn về vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai vừa có cuộc trao đổi với ông Hoa Hữu Vân-Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) trong dịp ông vào Gia Lai công tác.

- Thưa ông, trước đây cuộc sống khó khăn thì tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình rất hòa thuận, hạnh phúc nhưng nay mặt trái của đời sống kinh tế thị trường đã và đang làm cho gia đình bị lung lay, thay đổi. Ông nghĩ sao về điều này?

 

Ảnh: Đinh Yến

Tôi nghĩ thời nào cũng thế thôi, quan trọng là các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm lẫn nhau, kính trên nhường dưới, ứng xử với nhau như thế nào cho phải đạo tình chồng vợ, ông bà, con cháu. Trước đây, cuộc sống nghèo khổ nhưng gia đình vẫn hạnh phúc, bền vững mà trong mỗi gia đình có tới hai, ba thế hệ sống chung.

Còn ngày nay, gia đình đang bị tác động của đời sống kinh tế thị trường. Đó là thời gian của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau càng hiếm hoi. Và dần dần hai tiếng thiêng liêng “gia đình” dường như bị phai nhạt, họ chỉ coi gia đình là nơi đi-về sau mỗi buổi chiều mệt nhọc. Trong khi đó, vai trò, chức năng của gia đình thì vô cùng lớn lao-là nơi duy trì nòi giống, thỏa mãn nhu cầu tình cảm; là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội; phát triển gia đình trở thành môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi cá nhân khi chào đời và quá trình phát triển, liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên trong gia đình.

Chính “hiện tượng” đó mà tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung không kết hôn, quan hệ tình dục bừa bãi và tình trạng nạo phá thai trước hôn nhân có chiều hướng gia tăng. Các tệ nạn xã hội có xu hướng xâm nhập vào gia đình ngày càng tinh vi khó lường, đó là cháu giết bà chỉ vì bà không cho tiền chơi game, anh em ruột chém nhau, cháu ruột chém giết chú ruột cũng vì không cho cháu đi chơi với bạn… Và điều đáng quan tâm hơn nữa là tình trạng các đôi vợ chồng trẻ hiện nay vì sớm tách khỏi gia đình truyền thống, kinh nghiệm sống có ít mà cuộc sống gia đình thì có vô vàn những điều phải lo, các gia đình trẻ khi gặp vấn đề rắc rối chưa biết cách tháo gỡ, rồi cuối cùng cũng chỉ chọn một giải pháp duy nhất là ly hôn. Nhưng hậu quả đằng sau đó là những đứa con mới chào đời của các đôi vợ chồng trẻ này như thế nào và xã hội lại thêm những gánh nặng.   

- Vậy quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” có còn đúng với gia đình ngày nay nữa không, thưa ông?

 

 

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là câu nói của cha ông xưa về vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn hạnh phúc, nền nếp gia đình, giáo dục con cái. Nhưng trong xã hội hiện đại, sự bình quyền bình đẳng đang dần được thay đổi. Đàn ông và đàn bà đều phải có trách nhiệm xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đàn ông trong gia đình rất gia trưởng, cho rằng mình là quan trọng nhất, thích làm gì thì làm, quát mắng vợ con và mọi việc trong nhà đều do người đàn ông đó quyết định, vợ con phải nghe răm rắp. Nếu gia đình nào có người chồng như vậy thì đi ngược với Luật Bình đẳng giới. Người vợ cần được sống cho bản thân mình, biết tôn trọng hạnh phúc riêng tư và dám sống vì điều đó. Vì vậy những người vợ đang được xã hội đấu tranh cho quyền bình đẳng là sự tôn trọng của người chồng, của các thành viên trong gia đình. Phụ nữ đang không còn phải hạ mình phụ thuộc vào đàn ông và những áp lực ý thức hệ của xã hội.

- Vậy theo ông để có một gia đình hạnh phúc thì cần phải làm gì?

Tôi vẫn tiếp tục phải khẳng định rằng, gia đình là cái nôi hình thành nhân cách con người. Dù gì, mỗi con người sinh ra và lớn lên đều từ gia đình mà ra. Gia đình là nơi mà mỗi cá nhân khi chào đời và quá trình phát triển, liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên trong gia đình. Gia đình có bền vững, hạnh phúc thì những thành viên trong gia đình mới sống tốt, mạnh khỏe, hạnh phúc. Do vậy, gia đình muốn có hạnh phúc, theo tôi cần phải thể hiện được 3 nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất là phải hiểu và thực hiện được những chức năng của gia đình như nêu trên; nhóm thứ hai là phải hoàn thiện chính sách pháp luật về gia đình liên quan; và quan trọng nhất là thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, như: Trên kính dưới nhường, đạo hiếu, anh em hòa thuận, thuận vợ thuận chồng, cha nghiêm mẹ từ; nhóm thứ ba là gia đình phải ổn định về kinh tế.  

- Cảm ơn ông!

Hà Tây (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm