Thời sự - Bình luận

Hiểm họa từ chợ tạm ven đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 5 người chết trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tại tỉnh Đak Nông hôm 13-6 đã trở thành lời cảnh báo về những cái chết được báo trước từ thói quen “khó chữa” của người dân và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương khi để nhiều chợ tạm, chợ cóc tồn tại bên đường trong thời gian dài mà không có biện pháp xử lý cương quyết. Làm gì để không còn những cái chết thương tâm là câu hỏi mà những người có trách nhiệm ở địa phương phải trả lời.

 

Xin không nhắc lại diễn biến vụ tai nạn này một lần nữa. Bởi lẽ, chỉ trong tích tắc, 5 người bị thương nặng, 5 người vĩnh viễn không trở về nhà khi trên tay họ vẫn đang cầm mớ rau, con cá chuẩn bị cho bữa cơm gia đình, cũng đã đủ nói lên mức độ nghiêm trọng của vụ việc và sự tột cùng của nỗi đau.

Hiện trường vụ xe tải lao vào chợ khiến 5 người chết ở Đak Nông (ảnh nguồn TNO)



Ở Việt Nam, đâu có dân là ở đó có chợ. Từ ngàn xưa đã thế và ngày nay cũng vậy. Cho dù đất nước có phát triển đến đâu, các siêu thị, trung tâm mua sắm có vươn về đến tận các huyện thì chợ truyền thống, chợ nông thôn vẫn cứ tồn tại. Đó không chỉ là nhu cầu tất yếu của cuộc sống mà còn là văn hóa của con người, là một trong những chỉ dấu về trình độ phát triển của xã hội.

Ở nông thôn, miền núi, chợ đâu chỉ là chỗ để mua bán mớ rau, con cá do nhà làm được. Chợ còn là chỗ để giao lưu, kết nối. Đi chợ còn để gặp bạn bè, người quen. Dù bây giờ cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini bán không thiếu một thứ gì, nhưng với trẻ con thì túm chè, cốc nước mía được bà, mẹ mang về sau mỗi buổi chợ luôn là niềm vui, sự chờ đợi trong tình thương đầm ấm của gia đình.

Cùng với thời gian, cuộc sống phát triển, con người bây giờ ai cũng gấp gáp, vội vàng. Cái tính ấy, cộng với thói quen của một thời đất rộng người thưa, mọi thứ đều tùy tiện, là lý do để những chợ quê, chợ cóc ven đường tồn tại. Không chỉ ở nông thôn mà ở các đô thị cũng vậy. Vì cuộc sống, người Việt Nam phần lớn là thích bám mặt đường để mưu sinh. Ngay cả những đoạn quốc lộ được lắp lan can hẳn hoi, nhưng chỉ cần thiếu kiểm tra là người ta sẵn sàng phá lan can ra đường cho tiện, để mở hàng quán kinh doanh.

Không ai phủ nhận những cơ hội phát triển mà đường Hồ Chí Minh mang đến cho các tỉnh phía Tây của đất nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, khi quốc lộ 14 được đầu tư nâng cấp. Thế nhưng, những hệ lụy từ con đường mang lại cũng không ít, khi ý thức con người và tư duy quản lý của các cơ quan nhà nước không theo kịp.

Từ vài người đứng bán hàng rong ban đầu, những nhà dân ven đường lần lượt mở bán, cho thuê mặt bằng. Lâu dần, những cái chợ tự phát ven đường hình thành lúc nào không hay. Người dân vẫn muốn đi chợ sao cho nhanh nhất, dù chỉ là tiết kiệm mấy phút gửi xe. Người bán cũng vậy, chỉ muốn làm sao tiếp cận người mua một cách nhanh nhất, tiện nhất nên cứ bạ đâu ngồi đấy, hàng hóa bày bán ngay bên lề đường. Cảnh chen chúc, tắc đường xảy ra vào mỗi buổi họp chợ gần như thường xuyên.

Nói chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đối với chợ tạm, chợ cóc ven đường chắc cũng không sai. Nhưng quả thực, đây là điều không hề dễ dàng. Quản lý, chấn chỉnh những cửa hàng có đăng ký kinh doanh còn được, chứ với những người buôn bán vãng lai thì quả là rất khó. Nhắc nhở, xử phạt, thậm chí là tịch thu hàng hóa… cũng mặc. Chỉ cần đoàn kiểm tra đi qua là mọi thứ lại đâu vào đấy. Chợ vẫn họp bên đường, người dân vẫn vô tư dừng xe mua bán. Thậm chí, người dân còn phản ứng, chống đối lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, nhắc nhở.    

Thật khó thống kê hết có bao nhiêu chợ tạm, chợ cóc họp ven quốc lộ 14 từ Kon Tum đi qua các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh. Với lưu lượng hàng vạn ô tô đủ các loại lưu thông mỗi ngày, nguy cơ tai nạn từ những cái chợ tạm thật không thể nào lường trước, khi với lái xe đường dài, chỉ cần một tích tắc thiếu tập trung, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Đừng lấy lý do nghèo khó để biện hộ cho lối sống tùy tiện, lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán làm kế mưu sinh!

Họp chợ ven đường, nhất là hai bên quốc lộ là đem mạng sống của mình treo trước đầu ô tô. Đó là những mối hiểm họa được báo trước khi con người còn xem thường pháp luật, bất chấp  quy định của chính quyền và ngành chức năng địa phương trong quá trình tổ chức cuộc sống. Đừng bao giờ lấy sinh mạng của mình để làm lời cảnh báo cho người khác, mà hãy tự cảnh báo cho mạng sống của mình mỗi khi quyết định dừng lại đâu đó bên đường.    

 ĐÌNH CƯƠNG 

 

Có thể bạn quan tâm