Biển đảo Việt Nam

Lễ chào cờ ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chào cờ vào thứ hai đầu tuần không phải là điều xa lạ với các học sinh, cán bộ, công chức, viên chức. Tuy vậy, đôi lần tham dự và chứng kiến lễ chào cờ trên đảo Trường Sa, chúng tôi  lại cảm nhận bao điều mới mẻ, đem lại không ít bài học cả về sự nghiêm túc cần thiết của mỗi người khi tham dự và lớn lao hơn là ý thức trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, nhân dân một cách rất tự nhiên, chân thành.

Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa trong lễ chào cờ. Ảnh: T.S

Trong hành trình công tác, hôm ấy, chúng tôi đến Trường Sa. Trưởng đoàn công tác thông báo trước kế hoạch nhưng chỉ khi xuồng cập bờ, cả đoàn nhanh chóng tập trung vào trước cột mốc chủ quyền để làm lễ chào cờ, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa của một nghi lễ.  

Khi hàng ngũ đã chỉnh tề thì lễ chào cờ bắt đầu. Trước cột mốc chủ quyền, lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay. Các chiến sĩ thực hiện nghi thức thượng cờ từ lúc 5 giờ sáng. Hôm quân dân trên đảo tổ chức gói bánh chưng đón Tết cổ truyền, tôi chứng kiến cảnh các chiến sĩ làm lễ thượng cờ Tổ quốc: 1 sĩ quan điều khiển và 2 chiến sĩ theo mệnh lệnh, từ từ kéo lá cờ lên đỉnh cột. Và khi lá cờ tung bay trong gió, các chiến sĩ mới cẩn thận buộc dây cố định chắc chắn. Thường thì 10-15 ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, Trường Sa và các đảo có thể làm lễ thượng cờ một lần. Từ dưới nhìn lên, khi trời còn chưa sáng rõ, sao xa hãy còn trên nền trời tím sẫm, màu cờ đỏ nổi bật, đẹp đến ngỡ ngàng trong ánh bình minh rực rỡ.

Như nhiều lần diễn ra, hôm nay có đủ quân dân, các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo. Theo sự điều khiển của người chỉ huy, mọi người chỉnh đốn trang phục, chờ đợi tiếng hô “Chào cờ”, rồi cùng hát vang bài Quốc ca. Lời Tổ quốc hùng thiêng sông núi vừa dứt cũng là lúc vang lên 10 lời thề hùng hồn, trang trọng, sắt đá của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau mỗi lời thề, tiếng hô “xin thề” vang động, át cả tiếng sóng biển bốn bề gầm gào quăng quật.   

Ngạc nhiên, lạ mắt với người mới đến là sự có mặt của các công dân tí hon. Đứng bên ba mẹ, các cháu cũng khá nghiêm túc, dù thỉnh thoảng vẫn không thiếu cử chỉ, hành động trẻ con. Một số cháu được sinh hạ trên đảo, nhờ tình yêu thương chung tay giúp đỡ của các y-bác sĩ trên đảo và đất liền.

Mỗi khi có đoàn công tác tới đảo, ngoài nghi thức chào cờ, đảo còn tổ chức duyệt binh, đưa đến viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nhà tưởng niệm Bác Hồ và viếng mộ liệt sĩ, như một bổ sung đầy đủ cho đời sống tâm linh trên đảo. Một không khí thành kính thiêng liêng và vô cùng xúc động khi nghe diễn văn tưởng niệm do Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn-Chính trị viên đảo, Bí thư Đảng ủy thị trấn Trường Sa trình bày, thể hiện lòng biết ơn công lao trời biển của ông bà tổ tiên, của người đi trước, của Đảng, Bác Hồ, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong việc xác lập chủ quyền và cam kết vững chắc của các thế hệ cháu con quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương, ra sức xây dựng Trường Sa thành tiền đồn bất khả xâm phạm. Sóng xô bờ trắng xóa và gió rung giật từng cơn, nhưng trời đất, cây lá, hoa cỏ Trường Sa vẫn rất thanh bình và vững chãi. Dòng người lần lượt vào thắp hương tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ, Bác Hồ, rưng rưng một lòng thành kính với tình cảm biết ơn và tự hào sâu sắc.

Với người từ xa đến, lễ chào cờ ở Trường Sa để lại ấn tượng rất mạnh. Đó là vì, nghi lễ này được tổ chức tại cột mốc chủ quyền nơi biển đảo xa xôi, gợi lên ý nghĩa thiêng liêng về sự toàn vẹn lãnh thổ, để từ đó càng thêm nâng cao ý thức và trách nhiệm chung tay gìn giữ, bảo vệ biển đảo quê hương, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Có lẽ không ở đâu trên đất nước này, lễ chào cờ Tổ quốc lại khắc sâu trong lòng chúng ta lòng biết ơn tổ tiên, tình cảm thiêng liêng đối với Tổ quốc như ở Trường Sa!

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm