Biển đảo Việt Nam

Lý Sơn bừng sáng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 8 tháng kể từ khi lưới điện quốc gia phủ ra huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) theo hệ thống cáp ngầm, diện mạo nơi đây đã thực sự thay đổi. Đời sống kinh tế-xã hội của người dân nhờ đó ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Nhà ga Cảng Sa Kỳ hôm nay. Ảnh: Hồng Thi

Buổi sáng cuối tháng 5 nắng giòn giã, chúng tôi có mặt tại Cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) để bắt đầu chuyến hành trình ra thăm Lý Sơn-hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trên biển Đông, cách đất liền gần 15 hải lý. Vừa đặt chân xuống cảng, tôi khá bất ngờ, bởi lẽ những ký ức của lần đầu tiên đến với nơi đây vào 2 năm về trước đã gần như vỡ vụn. Có quá nhiều sự đổi thay ngay từ điểm khởi đầu này. Khoảng không gian chật hẹp dành cho du khách với những chiếc ghế nhựa đặt san sát nhau trên nền cát, dưới mấy tán cây xanh chẳng đủ che hết đầu người đã biến mất. Thay vào đó là một nhà ga rộng rãi, khang trang với diện tích 600 m2, sức chứa 250-300 người; có hệ thống bán vé trực tuyến bằng máy vi tính, khu dành riêng cho hành khách, khu vực căng tin, khu kiểm soát vé…
 

Anh bạn đồng nghiệp của Báo Quảng Ngãi bật mí cho tôi biết rằng, mùa này có thể dễ dàng nhìn thấy cá chuồn bay trên mặt biển, khiến tôi chẳng ngần ngại tiến thẳng về phía boong tàu. Một khung cảnh tuyệt đẹp như tranh hiện ra trước mắt với bao la biển trời. Xa xa, những tàu cá của ngư dân phấp phới cờ đỏ sao vàng như điểm xuyết cho bức tranh tươi đẹp ấy thêm phần sống động. Anh Toàn-nhân viên của tàu-chia sẻ với tôi rằng, anh là một trong những người có mặt trên chuyến tàu đầu tiên chở khách du lịch ra đảo Lý Sơn. Qua bao mùa gió yên biển lặng, giờ đây anh vẫn đồng hành với du khách trong hành trình về với vùng đảo tiền tiêu thân yêu của Quảng Ngãi. Bằng kinh nghiệm của mình, anh chỉ cho tôi cách để khỏi bị say sóng mà có thể quan sát cá chuồn bay, rồi không quên lý giải: “Mùa này cá chuồn hay bơi từng đàn gần mặt biển. Khi tàu chúng ta rẽ sóng đi qua sẽ vô tình xé tan đàn của chúng, một số con bứt ra khỏi đàn sẽ xòe vây lướt trên mặt nước tạo nên hiện tượng cá chuồn bay mà nãy giờ ta nhìn thấy”.
 

Việc tưới bằng vòi phun mưa tự động vừa giúp tiết kiệm nước vừa tăng năng suất cây trồng. Ảnh: Hồng Thi

Những câu chuyện giữa chúng tôi cứ tiếp nối cho đến khi tiếng còi tàu hú vang báo hiệu sắp cập bến. Huyện đảo Lý Sơn hiện rõ trước mắt. Chào anh Toàn, chúng tôi xuống tàu để tiếp tục cuộc hành trình khám phá của mình. Những đánh giá của người bạn đồng nghiệp về sự đổi thay trên hòn đảo từ ngày có điện lưới quốc gia càng thôi thúc tôi nhanh bước. Quả thật, công trình lấn biển đã làm thay đổi một vài kết cấu kiến trúc tự nhiên mà tôi đã từng thấy trước đây, trong đó có cầu cảng. Cạnh bên, khách sạn 3 sao Central Ly Son sang trọng, tươi mới đón chào du khách. Ngay ngã ba cổng chào của hòn đảo, các cửa hàng bán hành, tỏi, đồ lưu niệm giờ đã mọc san sát nhau. Riêng các ruộng hành, dưa hấu, bắp, đậu xanh… vẫn trải rộng khắp đảo, song điểm khác biệt là sự hiện diện thêm của hệ thống tưới phun mưa tự động trên mỗi cánh đồng.
 

Thông tin từ UBND huyện Lý Sơn cho chúng tôi biết thêm, từ khi hòa lưới điện quốc gia, hàng loạt cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản nông-thủy sản cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền được đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng quy mô. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Lý Sơn cũng đang đầu tư xây dựng thêm nhà nghỉ, khách sạn nhằm phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch ra đảo ngày càng tăng. Mạng lưới hạ tầng giao thông cũng ngày càng được nâng cấp, đồng bộ hóa. Hãng Taxi Tiên Sa (Đà Nẵng) đã có mặt trên đảo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan của du khách. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ra Lý Sơn khảo sát, đặt vấn đề đầu tư xây dựng khách sạn và du lịch quy mô lớn, như: dự án của Saigon Tourist, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cũng đã quyết định đầu tư một khu resort cùng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy di sản biển Lý Sơn… Đó là những cơ hội đáng mừng để hòn đảo tiền tiêu này vươn mình trỗi dậy và có điều kiện khai thác triệt để tiềm năng du lịch sẵn có.
 

Sự hiện diện của những con tàu phấp phới cờ Tổ quốc trên ngư trường Hoàng Sa là lời khẳng định đanh thép của ngư dân về chủ quyền biển đảo. Ảnh: Hồng Thi

Nhiều đổi thay là thế, song nghề đi biển vẫn được người dân nơi đây đặc biệt xem trọng. Với họ, vươn khơi bám biển không chỉ vì mưu sinh mà đó còn là trách nhiệm quan trọng mà họ phải làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ai cũng biết, ngoài đối mặt với bão tố, rủi ro khi hoạt động ngoài khơi, vài năm trở lại đây, ngư dân Lý Sơn khi dong tàu đi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thường xuyên bị tàu nước ngoài xua đuổi, ngăn cản, thậm chí cướp ngư cụ, bắt giam người vô cớ. Thế nhưng muôn vàn khó khăn ấy không thể lay chuyển được quyết tâm bám biển của ngư dân huyện đảo này. Ông Nguyễn Quốc Chinh-Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải khẳng khái chia sẻ: “Với tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của cha ông không cho phép ngư dân chúng tôi sống thiếu Hoàng Sa. Dù có khó khăn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng tôi vẫn kiên quyết bám chắc ngư trường truyền thống. Sự hiện diện của những con tàu của chúng tôi, những lá cờ Tổ quốc, những ngư dân ngày ngày bám biển trên 2 ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là cột mốc sống để khẳng định với các nước láng giềng và bạn bè trên thế giới rằng đây là 2 vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam không thể tách rời”.

…Mặt trời tịnh tiến dần xuống mặt biển phía Tây khép lại một ngày khám phá trải nghiệm thú vị. Ngắm huyện đảo lung linh dưới ánh điện từ trên đỉnh Thới Lới, đón từng đợt gió biển man mát, nghe tiếng sóng biển vỗ bờ, chúng tôi tự nhìn nhau mỉm cười. Có lẽ ai cũng mừng cho một Lý Sơn đang dần khoác lên mình chiếc áo mới nhuốm màu tươi đẹp, hạnh phúc và ấm no…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm