Sáng sớm 8-7, một chuyến xe từ vùng núi Nông Sơn của tỉnh Quảng Nam lăn bánh về phía Nam. Đích đến của chuyến xe là TP HCM với hàng loạt điểm dừng ở TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận Tân Bình và huyện Bình Chánh... - nơi những người con của vùng đất Quảng Nam đến sinh sống và làm việc.
Tất cả hàng hóa trên chuyến xe này toàn là thực phẩm đã được đóng thùng ghi rõ ràng tên từng người nhận, địa chỉ cụ thể. Phần lớn thực phẩm là gạo được trồng từ cánh đồng quê; những con gà, vịt được bắt từ vườn nhà; măng, rau mẹ trồng từ bờ giậu...
"Chuyến xe nghĩa tình" chở thực phẩm của tỉnh Đắk Nông ủng hộ người dân TP HCM trong dịch Covid-19 - Ảnh: CAO NGUYÊN |
Trong những ngày khó khăn này, những món quà quê càng quý, càng thơm thảo và quả là cấp thiết. Chúng ta mạnh mẽ nhưng cũng đến lúc cần giúp đỡ. Huống gì đây là sự quan tâm của người thân luôn mong ngóng tin bình an từ những đứa con xa quê, từ đứa em luôn khờ dại trong mắt họ và từ bạn bè thân ái hồi chân đất bước ra đi.
Không phải bây giờ, khi TP HCM bắt đầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt để chống dịch, những chuyến xe thực phẩm mới lăn bánh về TP. Mà ngay từ đợt dịch đầu tiên bùng phát, những người thân từ quê đã có sự chuẩn bị - một sự chuẩn bị rất bản năng đầy lo toan của những người đã trải qua nhiều kinh nghiệm với cuộc sống. Thả thêm bầy gà, chăm thêm con heo, dặm thêm vài vạt rau, dè sẻn thêm chút ít... để phòng khi bất trắc.
Từ thực tế, nỗi lo này đã rất đúng. Chỉ một vùng quê như Nông Sơn thôi, gần 2 năm qua đã có gần cả ngàn chuyến xe như thế đến TP. Và chúng ta tin rằng những vùng quê khác, hằng ngày vẫn luôn có những chuyến xe chở thực phẩm đến vùng khó khăn, chở luôn cả nỗi lo của người thân nơi quê nhà.
Còn tại TP HCM, trên Facebook của một nhóm bạn là chủ doanh nghiệp người Quảng Ngãi ở TP HCM chia sẻ hình ảnh hai cháu bé chỉ khoảng 5 và 7 tuổi dắt nhau bán vé số. Các cháu cho biết những ngày này ít người ra đường, quán xá đóng cửa nên bán được rất ít. Mẹ các cháu phụ quán ăn cũng mất việc, nay ai kêu gì làm nấy. Cha đã mất việc mấy tháng rồi.
Những doanh nhân kia nhắn nhau: "Chúng ta hãy làm gì đó đi". Vài ngày sau, họ tổ chức những chuyến xe thực phẩm miễn phí đến các khu nhà trọ ở ngoại thành tặng định kỳ hằng tuần cho người lao động xa quê đang khó khăn. Họ đã làm và làm rất được.
Rất nhiều chuyến xe thực phẩm như thế, rất nhiều điểm trao thực phẩm miễn phí đang âm thầm đến với người khó khăn. Không chỉ các doanh nhân, doanh nghiệp tự tổ chức. Họ còn đóng góp, đồng hành với các chương trình xã hội của báo đài, trong đó có chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" và "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" của Báo Người Lao Động.
Quê hương mỗi người có thể là một thôn làng xa hút nào đó nhưng rồi bước chân ra cuộc đời thì quê hương là vùng miền cụ thể, nơi ta lớn lên, ăn học. Nhân sinh rộng mở, cuộc sống viễn du thì quê hương càng lớn lao hơn, chính là Tổ quốc và người đồng hương chính là đồng bào.
Thành thị phồn hoa, đầy đủ nhưng cũng có lúc tổn thương, ê ẩm. Mạch ngầm tình thân luôn tuôn chảy và là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho những người xa quê. Qua lúc khó khăn, cuộc sống dần ổn định thì thành thị thành chỗ dựa, niềm tin cậy trở lại cho những người ở quê hương. Những chuyến xe thực phẩm là dòng huyết mạch ngầm chảy, nuôi dưỡng tình thân quê hương và cả nghĩa đồng bào.
Theo Hồ Phi (NLĐO)