Mai vườn ra phố góp Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trưa Pleiku se lạnh trong tiết trời gắt nắng. Dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo và Quang Trung, những người đưa mai vườn ra phố vẫn lặng lẽ ngồi bên cạnh chiếc xe máy “cà tàng” của mình và mấy gốc mai chi chít búp. Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh dung dị này đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu của Phố núi mỗi dịp Tết về.
 

Một góc “đường mai”. Ảnh: Hồng Thi

Đa số người bán là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) và xã Ia Kênh (TP. Pleiku). Như đã thành thông lệ, cứ tầm 25 tháng Chạp, họ lại đưa mai ra đây bán, tạo không khí nhộn nhịp cả một khu vực. Những cây mai này, thoạt nhìn rất giống mai rừng bởi sự hoang dã của nó như: thân to và có rêu bám, cành khỏe, khẳng khiu, dáng tự nhiên.

Tuy vậy, trên thực tế, đó là giống mai vàng năm cánh truyền thống được người dân trồng trong vườn nhà và thường bị bỏ bê, không sự chăm nom, săn sóc. Tết đến, chủ nhân của chúng sẽ chọn ra những cây có búp đẹp, kịp bung hoa, chặt ngang gốc rồi phân cành mang đi bán.
 

Đây là loại mai vàng 5 cánh truyền thống. Ảnh: Hồng Thi

Theo chia sẻ của những người bán, tỷ lệ mai trúng mùa trong một vườn rất ít, cao nhất là 8-10 gốc, số còn lại đều “ăn Tết” sớm hoặc muộn. Thế nhưng họ cũng không mấy đặt nặng vấn đề ấy, bởi đơn giản như ông Kpa Blêng (làng Nu, xã Ia Kênh) bộc bạch: “Có để bán và bán được hết với giá cao là mừng rồi, mình có chăm nó đâu”.

Đã 4 mùa Tết ông Blêng cùng bạn bè trong làng ngồi bán mai ở góc đường Quang Trung này. Ông bảo rằng nhà ông có 100 gốc mai nhưng năm nay chỉ trúng Tết được vỏn vẹn 4 cây. Ông cắt cả đi bán với giá trung bình 300.000 đồng/gốc. “Người Kinh cũng ưa mai này lắm, thấy họ mua nhiều. Cây nào đẹp là họ chẳng tiếc tiền đâu. Nếu bán hết sớm, chúng tôi sẽ về làng mua lại của những nhà khác đem ra đây bán tiếp”-ông Blêng phấn khởi nói.

Là một người chuyên đi “săn” loại mai này về bán, anh Nguyễn Văn Thanh (làng Blang 3, xã Ia Dêr), cho biết: “Năm nào cũng vậy, khoảng qua Rằm tháng 11 là tôi đi vào các làng trong vùng để tìm mua mai. Tết này tôi chọn được 30 gốc khá ưng ý, mức giá bán ra cho cả cành lẫn gốc dao động từ 150.000 đồng đến 1,7 triệu đồng tùy theo số lượng búp, mật độ búp, thế cây… Vì mua gốc nhưng cắt thêm được cành để bán, tôi lời tầm 40-50%. Ra đây từ 24 Tết tới giờ, tôi bán được 15 gốc rồi”.

 

Ông Kpa Blêng cùng bạn bè trong làng đã có 4 mùa Tết gắn bó tại đoạn đường Quang Trung. Ảnh: Hồng Thi

Cũng theo anh Thanh, mai năm nay búp nhiều, hoa đẹp, thị trường vẫn chuộng, song sức mua nếu so sánh với mọi năm thì không bằng. Nguyên nhân được đưa ra là do tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều người dù thích cũng chắt bóp chi tiêu, chuyển sang chơi các loại hoa, cây kiểng khác. Thêm vào đó, số người bán cũng tăng lên tạo ra sự cạnh tranh, hút khách.
 

Anh Thanh tranh thủ tưới nước cho búp mai được tươi lâu. Ảnh: Hồng Thi

Nhanh tay khiên chậu mai đặt lên xe để chở về nhà, ông Huỳnh Văn Dư (tổ 2, phường Hoa Lư) vui vẻ nói: “Chậu mai kiểng tôi mua năm rồi giờ không nở kịp Tết nên quyết định ra đây mua thêm cây này với giá 2 triệu đồng. So với mai kiểng, giá rẻ hơn. Đây là mai vàng truyền thống, chắc chắn hoa sẽ không sắc sảo như mai ghép, nhưng nếu nở dày thì trông vẫn đẹp”.
 

Người “kinh doanh” loại mai này cũng gặp nhiều rủi ro. Ảnh: Hồng Thi

Mỗi công việc khi thực hiện đều sẽ có mặt thuận lợi và khó khăn. Những người bán loại cây này cũng vậy. Bên cạnh sự mua mau-bán đắt, họ cũng gặp phải không ít rủi ro: “Do tính chất cạnh tranh mua bán, thời điểm chúng tôi vào làng tìm mua, mai chưa hình thành và ổn định về búp. Dù có kinh nghiệm trong việc chọn mai nhưng không ít lần tôi bị thất bại khi chỉ điểm phải những gốc mà đến Tết chỉ có cành chứ chẳng có hoa. Thế là đành chịu mất số tiền đặt cọc cho chủ nhà trước đó (cỡ 30-50% giá mua-N.V). Ấy là chưa kể đến chuyện nếu mua về xong bán không hết thì phải vứt làm củi đốt vì loại mai này chỉ chơi được đúng 1 mùa Tết”-anh Thanh bộc bạch.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm