Biển đảo Việt Nam

Một ngày với vạn chài Vĩnh Lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng vạn chài Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) chỉ cách làng vạn chài Đề Gi (huyện Phù Cát) một quãng đò chưa tới mười lăm phút ghe máy qua Cửa Đề Gi. Hôm ấy, tôi và cậu em bên vợ không chọn đường thủy mà theo đường bộ (con đường quốc phòng ven biển nối liền Phù Cát-Phù Mỹ) để đến vùng đất cổ Vĩnh Lợi-làng chài có từ cách nay gần 300 năm.

Dấu vết ngày ấy với mái lá đơn sơ và những chiếc ghe bầu, thuyền nan nhỏ bé neo trên đầm Đạm Thủy nấp sau dãy núi Lan chắn ngang một bên cửa biển Đề Gi và nối tiếp những động cát trắng phẳng lì trông ra Biển Đông, dường như đã bị thời gian khỏa lấp, giờ đây nó đã là một làng chài “hiện đại” với nhà cao cửa rộng và hàng trăm con tàu vươn ra biển khơi. Có lẽ nơi duy nhất còn lại mà các thế hệ người vạn chài Vĩnh Lợi tự hào nối tiếp nhau lưu giữ truyền từ đời này sang đời khác và trở thành một di sản văn hóa biển của ngư dân miền Trung, đó là Lăng ông Nam Hải (xây dựng từ năm 1791), giữ tục thờ cúng cá Ông (cá voi) của cư dân miền biển mà ngày nay người làng Vĩnh Lợi còn duy trì lễ hội Nghinh Ông cầu ngư thường niên vào dịp tháng giêng và tháng tư.

 

Một góc vạn chài Vĩnh Lợi. Ảnh: B.Q.V

Theo tài liệu về văn hóa biển ở địa phương thì ở các vùng ven biển Bình Định hiện nay, ngư dân đã lập nên trên 30 lăng thờ cúng cá Ông nhưng riêng ở làng Vĩnh Lợi đã có 2 lăng: lăng Từ đường và lăng ông Đại. Hầu hết các vùng biển có thờ cúng cá Ông, hàng năm họ chỉ tổ chức lễ hội l lần, riêng ở Vĩnh Lợi, việc cúng tế cầu ngư diễn ra 2 lần/năm. Đặc biệt, lăng ông Nam Hải nơi đây còn lưu giữ được 5 bản sắc phong của các hoàng đế triều Nguyễn; bản sắc phong lâu nhất là dưới thời Thiệu Trị năm thứ 3 và bản sắc phong sau cùng là dưới thời vua Khải Định năm thứ 9. Điều này cho thấy tín ngưỡng và tục lệ này đã thành một nếp sinh hoạt lâu đời của người dân Vĩnh Lợi gắn bó với biển khơi, trở thành một làng nghề truyền thống mang tính chất cha truyền con nối. Không những vùng biển nơi này còn lưu truyền và phát triển nghề đánh bắt hải sản mà đến nay còn giữ được những nghề truyền thống gắn liền với người miền biển như nghề làm muối, nghề đóng ghe-thuyền…

Vạn chài Vĩnh Lợi nằm ở một vị thế đắc lợi kéo dài từ núi Lan nằm phía Bắc Cửa Đề Gi chạy dọc theo triền đầm Đạm Thủy. Trước đây nó là đầm nước ngọt khá rộng bao bọc cả một vùng thuộc xã Cát Khánh-Phù Cát đến xã Mỹ Thành-Phù Mỹ, có thể chứa hàng ngàn ghe thuyền trú ngụ. Nước từ các nhánh của sông La Tinh đổ về đầm và chảy ra cửa biển Đề Gi. Quá trình xâm nhập mặn của biển đã dần dần biến nơi đây thành đầm nước lợ. Ngư dân quanh vùng đã sử dụng chung đầm Đạm Thủy thành bãi tập kết tàu thuyền, cũng là nơi đi lại buôn bán, trao đổi của người dân bằng đường thủy. Đồng thời cũng hình thành ở địa phương một lớp diêm dân chuyên nghề làm muối bên cạnh đầm. Nguồn thủy sản ở đầm khá dồi dào giúp ngư dân có thêm thu nhập từ việc đánh bắt và nuôi trồng các loại hải sản. Loài cá mai của đầm Đạm Thủy đã góp phần làm nên món gỏi cá Đề Gi khá nổi tiếng, thu hút nhiều thực khách.

Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi đến thăm nhà anh Sáu Hoa-một gia đình ngư dân ở vạn chài Vĩnh Lợi có truyền thống làm nghề đi biển với những con tàu vươn khơi khá hiện đại được đầu tư hàng chục tỷ đồng cho mỗi tàu. Anh cho biết, đội tàu đánh bắt hải sản của vạn chài Vĩnh Lợi là một trong những nơi được trang bị hiện đại sớm nhất của Bình Định, có thể vươn xa các ngư trường từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Chính nhờ những phương tiện đánh bắt xa bờ tiên tiến này mà nhiều năm qua, ngư dân trong vùng đã làm ăn khấm khá lên.

Trong tương lai, nếu tận dụng thế mạnh của mình là vùng đất cạnh cảng biển, vạn chài Vĩnh Lợi sẽ được quy hoạch lại một cách bài bản dựa vào thế núi và đầm Đạm Thủy để phát triển. Cùng với việc gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa biển của làng chài cổ thì nơi đây có thể trở thành một làng ngư nghiệp kiểu mẫu ở Bình Định mà ít nơi nào có lợi thế bằng.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm