Biển đảo Việt Nam

Mùa Xuân trên đảo Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đảo Lý Sơn còn gọi là cù lao Ré. Theo những người ở sở tại cho biết thì trước kia trên đảo này có rất nhiều cây ré nên bà con trong vùng quen gọi hòn đảo này là cù lao Ré. Vào khoảng cuối thế kỷ XVI, Chúa Nguyễn đã tổ chức Hải đội Hoàng Sa-Trường Sa ra đảo này canh giữ biên cương quốc gia, đánh bắt hải sản quý hiếm mang về đất liền dâng nộp và khai phá đất hoang, lập làng An Vĩnh, An Hải...

Hòn đảo này có diện tích khoảng 10 km2, được hình thành từ sự kiến tạo địa chất núi lửa, cách đây khoảng 25-30 triệu năm. Hiện nay trên đảo vẫn còn hiện hữu 5 miệng núi lửa khổng lồ, với 5 ngọn núi đứng sừng sững soi bóng xuống lòng biển Đông. Đó là núi Thới Lới, núi Tò Vò, núi Giếng Tiên, núi An Hải và núi Liêm Tự. 5 ngọn núi này đều là chứng tích của sự phun trào nham thạch thiên nhiên kỳ thú. Trải qua bao nhiêu vật đổi sao dời, các thế hệ cư dân sinh sống trên đảo Lý Sơn đã để lại rất nhiều di sản văn hóa vô cùng có giá trị. Ngày 1-1-1993, huyện đảo Lý Sơn chính thức được thành lập trên cơ sở của 3 xã: An Vĩnh (trung tâm huyện lỵ ngày nay-đảo Lớn), An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé) từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi.

 

Ruộng tỏi trên đảo Lý Sơn. Ảnh: H.C

Đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ ngồi trên tàu cao tốc An Vĩnh, từ Nhà ga Cảng Sa Kỳ (thuộc địa phận xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi đã tận thấy đảo Lý Sơn. Càng tiến lại gần đảo, càng thấy rõ vô vàn tàu thuyền cắm cờ Tổ quốc đánh bắt thủy sản, những xóm làng sinh sống bên nhau chẳng khác nào nhà phố thị trên đất liền.

Trên đảo hiện có hơn 20.000 người sinh sống, với nhiều nhà nghỉ, khách sạn, xe taxi... Bước chân lên đảo, mọi người được tận hưởng ngay bầu không khí rất trong lành, với những cảnh sắc cờ hoa lộng lẫy rợp trời, chiêng trống thôi thúc, người người hân hoan làm náo nhiệt cả vùng quê biển đảo hữu tình. Ông Nguyễn Hữu Tiến-ngư dân sinh ra và lớn lên ở cầu cảng Lý Sơn phấn khởi: “Trời biển trong xanh, gió thổi quanh năm làm cho không khí rất trong lành. Điện lưới quốc gia mới kéo ra làm thay đổi chất lượng sống của nhân dân trên đảo. Xuân này, khách du lịch ra đảo nhiều vô kể, các lễ hội tổ chức thật bài bản và hoành tráng hơn nhiều lần so với những năm trước”.

Ngoài việc phát triển nghề chài lưới đánh bắt thủy-hải sản, mở mang các loại dịch vụ kinh doanh, phát triển du lịch, huyện đảo Lý Sơn còn phát triển nhanh mạnh nghề trồng tỏi. Bà con trồng tỏi khắp nơi trên đảo. Nhiều gia đình khá giả còn làm nhà cao tầng, vận chuyển đất cát từ dưới ven biển lên tiền sảnh, lên mái hiên nhà làm bằng bê tông cốt thép, lên sân thượng trồng tỏi quanh năm. Bởi vậy, huyện đảo này đã được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”. Tỏi Lý Sơn rất thơm ngon và bổ dưỡng, được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và đã trở thành thương hiệu. Tỏi Lý Sơn không chỉ để ăn, để làm dược liệu chữa trị các bệnh, mà còn được chế biến thành nhiều món đặc sản khác. Phổ biến nhất là sản phẩm rượu tỏi cô đơn độc nhất vô nhị.

Theo các cụ trồng tỏi lâu năm tại thôn Tây (xã An Vĩnh) thì tỏi cô đơn chỉ có 1 tép. Tỏi cô đơn phát triển một cách tự nhiên ở những nơi ít người qua lại nên rất hiếm có và có giá cao gấp hàng trăm lần so với tỏi thông thường. Người được uống rượu tỏi cô đơn sẽ khỏe mạnh hơn người bình thường.

Một trong những điểm thu hút được nhiều khách du lịch nhất là khu tượng đài và nhà lưu niệm Hoàng Sa kiêm quân Bắc Hải. Khu tượng đài này tọa lạc ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn. Tượng đài cao khoảng 5 mét, nặng hơn 40 tấn, làm bằng đá granite Thanh Hóa, đứng sừng sững trên đồi cao, trước sóng biển và nắng gió, như biểu tượng tinh thần đoàn kết, chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm. Trong gian phòng chính rộng khoảng 150 m2 của nhà lưu niệm dùng để trưng bày các hiện vật của những chiến binh đi Hoàng Sa-Trường Sa.

Ở giữa phòng trưng bày bài vị của những người tiền bối đã tiên phong vượt biển mở cõi, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Những chiếc lu đựng nước, dầu rái (dùng để chữa trị gió độc), dây day (dùng để sửa chữa thuyền khi gặp nạn), đôi chiếu cói, 7 dây mây, 7 nẹp tre (dùng để bó xác, bảo vệ các hùng binh Hoàng Sa-Trường Sa)... được trưng bày xung quanh gian phòng. Nhìn thấy những hiện vật trong phòng trưng bày, ai ai cũng cảm phục các bậc anh hùng giàu đức hy sinh, lòng quả cảm chống giặc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm