Báo xuân

Năm Mão kể chuyện nuôi mèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mèo là vật nuôi gần gũi với đời sống con người. Với nhiều gia đình, nuôi mèo từ lâu đã trở thành thú chơi tao nhã.

Yêu mèo như con

Mỗi khi đi làm về, mở cánh cửa vào nhà, những chú mèo ùa đến đón anh Rơ Mah Tú (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) như những đứa trẻ ngóng chờ cha mẹ. Năm 2017, anh Tú bắt đầu nuôi 3 con mèo Anh lông ngắn và mèo Anh lông dài. Hiện gia đình anh có 7 chú mèo. “Vợ chồng tôi cũng xem mèo như thành viên trong gia đình, chăm chút cho chúng không khác gì chăm con ngày bé”-anh Tú bộc bạch.

Hàng ngày, sau giờ làm việc, anh Tú đi chợ mua thịt bò vụn, thịt gà, bánh mì… xay nhuyễn làm thức ăn cho mèo. Cuối tuần, anh mang đàn mèo ra tắm rửa sạch sẽ, phơi nắng. Mỗi lần mèo đau ốm, anh lại trở thành “bác sĩ thú y”. “Nuôi mèo cũng khá vất vả nhưng lại vui. Hàng ngày, đi làm về nhìn chúng đùa nghịch thì những mệt mỏi đều tan biến”-anh Tú chia sẻ.

Không gian cho mèo tại quán cà phê mèo của anh Nguyễn Tường Vinh. Ảnh: Văn Ngọc

Với anh Nguyễn Tường Vinh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku), những chú mèo đã làm sâu đậm thêm tình yêu giữa anh và bạn gái. Năm 2019, anh Vinh quen một cô gái rất yêu mèo. Vì vậy, anh bắt đầu tập tành nuôi mèo rồi coi nó như cái “nghiệp” của đời mình. Anh nuôi hơn 10 con mèo các loại. Để cho mèo có không gian vui chơi, nghịch ngợm cũng như tạo ra một không gian để những người yêu mèo ở Pleiku có cơ hội giao lưu, năm 2020, anh đã đầu tư mở quán cà phê mèo trên đường Sư Vạn Hạnh với cái tên được lấy từ chú mèo đầu tiên anh nuôi “Bánh Bao Cat”. Đây cũng là quán cà phê mèo đầu tiên tại Pleiku.

“Những chú mèo tôi nuôi rất thân thiện nên được thả ra để vui đùa cùng khách. Các bạn khác có mèo cũng thường mang đến đây để chúng có thể chơi đùa với nhau. Cũng có nhà trường cho học sinh đến tham quan, vui chơi để các bé biết yêu thương động vật hơn”-anh Vinh tâm sự.

Khởi nghiệp từ mèo

Tốt nghiệp đại học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đã ấp ủ bao dự định cho tương lai. Nhưng rồi, cơ duyên lại đưa chị trở thành bà chủ nhỏ của một “trang trại” mèo. “Năm 2019, trong lần về thăm quê, tôi được một người chị cho con mèo xinh xắn. Tôi liền mang con mèo về chăm sóc rồi thương quý chúng lúc nào không hay. Từ đó, tôi tìm mua những chú mèo nhỏ về nuôi, có con mua 2-3 triệu đồng, có con 5 triệu đồng”-chị Phượng chia sẻ.

Những chú mèo lớn lên, đến mùa sinh sản, chị phải mang đi tìm mèo đực thuần chủng để phối giống với giá 2-3 triệu đồng. Mèo đẻ, chị chăm sóc trong khoảng 2 tháng, tiêm vắc xin phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm thường gặp ở mèo và… xuất chuồng. Dần dà, đàn mèo mẹ ngày càng lớn với các giống mèo Anh lông dài, mèo Ba Tư, mèo Anh bicolor, mèo lilac… Hiện chị sở hữu 9 con mèo mẹ, còn mèo con trong cùng một thời điểm thường khoảng 25 con. Chị Phượng tâm sự: “Mỗi năm, mèo mẹ có thể sinh sản 3 lứa. Nhưng để mèo khỏe mạnh nhất, tôi chỉ cho chúng đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4 đến 10 con, mỗi con có giá 2-5 triệu đồng, tùy loại. Trừ các chi phí, tôi thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Chú mèo Anh lông ngắn xám xanh tai cụp của chị Nguyễn Thị Phượng. Ảnh: Văn Ngọc

Theo chị Phượng, nuôi mèo sinh sản cũng giống như phụ nữ chăm con mọn khi phải chăm lo tỉ mỉ, kỹ càng từng chút một. Mèo con ngoài uống sữa mẹ còn được cho uống sữa ngoài, ăn hạt thức ăn cho mèo, thịt gà, thịt bò để mũm mĩm, dáng đẹp nhằm bán được giá. “Khi bán cho khách, mèo phải được tiêm đủ các mũi vắc xin và bảo hành sức khỏe 7 ngày. Mèo không chỉ có hình dáng đẹp, lanh lợi, khỏe mạnh mà còn được huấn luyện đi vệ sinh đúng chỗ, ngoan hiền. Tôi thường bán mèo trên các trang mạng xã hội với khách hàng ở khắp nơi như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây. Rất nhiều bạn là học sinh, sinh viên yêu thích nuôi mèo hay những người già muốn có chú mèo để bầu bạn, thậm chí mèo bây giờ được xem như quà tặng đặc biệt. Tôi rất vui khi những chú mèo xinh xắn, khỏe mạnh do mình chăm sóc đã trở thành những người bạn trong mỗi gia đình”-chị Phượng cho biết.

Spa… cho mèo

Khi thú nuôi mèo trở nên phổ biến, các dịch vụ “ăn theo” cũng nở rộ. Đặc biệt, dịch vụ spa cho thú cưng nói chung và cho mèo nói riêng đã không còn là điều quá mới lạ tại phố núi Pleiku. Anh Nguyễn Lê Minh-chủ tiệm Hachiko Pet spa (86 Phan Đình Phùng) là một trong những người tiên phong cho dịch vụ này. Vốn là quản lý của một công ty xây dựng tưởng chừng khá khô khan nhưng chàng trai này lại có một tình yêu lớn với thú cưng. Trong một lần đem mèo đi chăm sóc, vệ sinh tại một spa, khi trở về chú mèo có vẻ sợ sệt, tâm lý không ổn định.

Không ưng ý khi giao thú cưng của mình cho người khác, anh Minh quyết định bỏ hẳn công việc cũ để dành thời gian vào TP. Hồ Chí Minh học khóa chăm sóc thú cưng. Nhận thấy tiềm năng của nghề này, tháng 10-2018, anh quyết định vay vốn để mở cơ sở Hachiko Pet spa. Anh thổ lộ: “Thời điểm đó, nghề này còn tương đối lạ lẫm hoặc nếu có chỉ nhỏ lẻ, tay nghề chưa cao, không đủ nhân sự và trang bị máy móc còn hạn chế. Vậy nên, việc tôi bỏ gần 1 tỷ đồng để mở cơ sở đã vấp phải sự phản đối dữ dội của gia đình. Nhưng dần dà, cơ sở hoạt động tốt, thu nhập ổn định, ba mẹ cũng bắt đầu tự hào về tôi vì đã tìm được con đường thỏa mãn đam mê”.

Những chú mèo xúng xính trong bộ quần áo Tết. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện tại, cơ sở của anh Minh có rất nhiều dịch vụ cho mèo như: cắt lông vệ sinh, cắt mài móng, tắm vệ sinh, vắt tuyến hôi, nhuộm lông, hấp dầu, tắm trắng… với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/dịch vụ, tùy theo cân nặng của mèo. Căn nhà 2 tầng của anh Minh còn là nơi cung cấp các phụ kiện cho thú cưng như: quần áo, trang sức cũng như thức ăn, sữa tắm… Đặc biệt, nơi đây còn là “khách sạn” cho chó mèo khi chủ có công việc đột xuất, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

“Mỗi ngày, cơ sở của tôi đón khoảng 10-15 con mèo, những ngày cận Tết thì 20-30 con. Cơ sở có khoảng 5-6 thợ, làm việc liên tục từ sáng tới khuya mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Hiện tại, tôi đã đào tạo thành nghề được khoảng 30 học viên ở các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận”-anh Minh hồ hởi nói.

Mèo thường xuyên được chủ nuôi đưa đi spa. Ảnh: Văn Ngọc

Những ngày cận Tết, cửa hàng của anh Minh nườm nượp khách. Em Ngô Thị Lan Anh-học sinh Trường THPT Pleiku-chia sẻ: “Em nuôi một con mèo Anh lông dài từ lúc nó còn bé tí, bây giờ đã nặng 4,4 kg. Ở nhà, em để mèo đi chơi tự do quanh xóm nên thường phải cho nó đi tắm, gội. Gần Tết thì em đưa đi để cắt tỉa cho gọn gàng sạch sẽ với lựa xem có bộ đồ nào đẹp cho mèo mặc Tết không”.

Có thể bạn quan tâm