Báo xuân

Rêu phong thành cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 220 năm đã trôi qua kể từ khi triều đại Tây Sơn sụp đổ (1802), nhưng những dấu tích, hiện vật gắn liền với Tây Sơn Tam kiệt vẫn còn đậm đặc trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo và bền chặt trong lòng người dân.

Nghiên cứu về vùng đất Tây Sơn Thượng đạo từ 45 năm trước, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học-Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang khẳng định tầm vóc của triều đại được dựng nên bởi những anh hùng áo vải: “Phong trào nông dân Tây Sơn là thời kỳ cực kỳ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đưa vị thế đất nước ta lên cao chưa từng có trong thời kỳ quân chủ. Rất nhiều chuyện ly kỳ, hấp dẫn gắn với phong trào Tây Sơn, từ việc tập hợp đồng bào Tây Nguyên tiến xuống đồng bằng, đánh Nam dẹp Bắc, thu phục giang sơn về một mối sau hàng trăm năm Việt Nam bị chia cắt bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực phong kiến…”.

Di tích đặc biệt

Trong quá trình tập hợp nhân lực, tích trữ quân lương và dựng cờ khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đã để lại cho hậu thế quần thể di tích giàu giá trị văn hóa, phân bố trên địa bàn các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Trải qua bao biến cố lịch sử, sức sống của phong trào nông dân Tây Sơn và dấu xưa hãy còn bền chặt trong lòng người dân. Các di tích được chính quyền địa phương cùng người dân gìn giữ, bảo vệ cùng với những lễ hội lớn gắn với hào khí Tây Sơn là minh chứng cho tầm vóc một phong trào và tình nghĩa sâu đậm đó.

Hơn 30 năm sau khi được công nhận di tích quốc gia (năm 1991), đầu năm 2022, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể gồm 9 cụm di tích, phân bố ở 4 huyện, thị xã. Trong đó, huyện Đak Pơ có di tích Hòn đá Ông Nhạc; huyện Kbang có cụm di tích Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu; huyện Kông Chro có cụm di tích Nền nhà-Hồ nước, Kho tiền Ông Nhạc; thị xã An Khê có 6 cụm di tích, gồm: cụm lũy An Khê-An Khê trường-An Khê đình-Gò Chợ, cụm Miếu Xà-Cây ké phất cờ-Cây cầy nổi trống, cụm Hòn Bình-Hòn Nhược-Hòn Tào-Gò Kho-Xóm Ké, cụm Gò Đồn-Gò Trại-Vườn Lính-Mễ Kho, cụm núi Hoàng Đế và cụm đình Cửu An, dinh Bà.

Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo) được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế. Ảnh: Ngọc Minh

Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo) được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế. Ảnh: Ngọc Minh

Ý thức được vai trò, giá trị di tích, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, huy động nguồn lực, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, từng bước nâng tầm di tích như di tích Nền nhà-Hồ nước Ông Nhạc, Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu, khu di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Ông Nguyễn Thanh-Chánh bái Ban Nghi lễ dinh Bà-cho biết: Dinh Bà được xây dựng cách đây khoảng 200 năm, thờ Yă Đố-vợ của Nguyễn Nhạc. Yă Đố đã có công khai hoang, lập làng, lập ấp, dạy người dân trồng trọt, chăn nuôi. Vào ngày 19 tháng 2 và 19 tháng 8 âm lịch hàng năm, Ban Nghi lễ cùng người dân tổ chức cúng Quý Xuân, Quý Thu để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền hiền, hậu hiền. Sau 2 thế kỷ cùng nắng mưa, dinh Bà dần xuống cấp, người dân đã tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng để xây dựng, tôn tạo khang trang như ngày nay. “Dinh Bà nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, bà con rất phấn khởi và tự hào với di tích này. Trách nhiệm của thế hệ chúng tôi là gìn giữ, bảo vệ để truyền lại cho con cháu”-ông Thanh tự hào nói.

Cùng với công tác bảo tồn di tích, thiết chế tín ngưỡng trên địa bàn, những năm qua, xã Cửu An (thị xã An Khê) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay gìn giữ các di tích, tổ chức lễ hội dâu da đỏ, gắn lễ hội với bảo vệ và quảng bá giá trị di tích. Du khách ngoài tham quan vườn dâu da đỏ có thể chiêm bái và tìm về lịch sử qua cụm kiến trúc tâm linh mang dấu ấn thời gian như đình Cửu An, dinh Bà, chùa Minh Quang.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo cho các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo cho các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Trần Công-Bí thư Đảng ủy xã Cửu An-cho biết: “Cụm di tích Gò Đồn-Gò Trại-Vườn Lính-Mễ Kho và đình Cửu An, dinh Bà được bổ sung vào Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo là niềm vinh dự, tự hào của Đảng ủy và Nhân dân Cửu An. Đình Cửu An, dinh Bà vẫn còn giá trị về mặt kiến trúc. Điều đó đặt ra cho chúng tôi trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu và trân quý những gì tiền nhân trao lại”.

Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hòn đá Ông Nhạc (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An), từ năm 2017 đến nay, huyện Đak Pơ đã đầu tư 328 triệu đồng tiến hành cải tạo, xây dựng hàng rào, cổng, bờ kè, mương thoát nước, bảng chỉ dẫn, trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh mát.

Khơi dậy hào khí Tây Sơn

Hàng năm, cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đều tổ chức lễ kỷ niệm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, giỗ Hoàng đế Quang Trung, các lễ cúng Quý Xuân, Khai Sơn, Quý Thu, hội cầu huê... Được sống trong hào khí Tây Sơn là cảm xúc đặc biệt khi tham gia một trong những sự kiện văn hóa độc đáo trên vùng đất thượng võ.

Lễ hội gắn với di tích trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt chính là tài sản tinh thần vô giá, đồng thời được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch giàu cảm xúc trên cung đường di sản phía Đông. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: “Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo và Di tích quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá nằm trên một trục du lịch phía Đông với nhiều giá trị độc đáo, được giới thiệu, quảng bá tại nhiều sự kiện trong nước và quốc tế. Qua các sự kiện, một lần nữa, giá trị của Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo nhận được sự chú ý của các doanh nghiệp lữ hành trong nước. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những sản phẩm du lịch hợp tác trong thời gian tới để phát huy giá trị của cụm di tích này”.

Người dân thị xã An Khê gìn giữ nghi thức cúng đình truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Người dân thị xã An Khê gìn giữ nghi thức cúng đình truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Với mong muốn có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đề xuất nhiều ý kiến, ý tưởng để điểm đến này thực sự trở thành sản phẩm du lịch xứng với tầm vóc và giá trị. Bà Trương Thị Phương Nga-Công ty TNHH Thương mại-Du lịch sinh thái Gia Lai (Gia Lai Eco-Tourist Co. Ltd) đề xuất: “Để thu hút du khách, nên xây dựng 1 sa bàn mô tả cụm di tích theo công nghệ 4.0, đồng thời có thêm chú thích bằng tiếng Anh dưới các hiện vật trong bảo tàng để phục vụ khách nước ngoài. Bên cạnh đó, thêm hoạt động trải nghiệm như: hội cầu huê, biểu diễn trống trận Tây Sơn phục vụ du khách khi về tham quan cụm di tích. Ban tổ chức có chương trình chi tiết gửi các công ty lữ hành để chúng tôi cùng kết hợp đưa khách về tham dự các sự kiện, lễ hội lớn liên quan đến triều đại Tây Sơn. Các công ty lữ hành nên có những tour như “Uống nước nhớ nguồn” đưa cụm di tích vào các chương trình tham quan dành cho học sinh, cán bộ, viên chức và người dân trong tỉnh”.

Còn ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông du lịch Le Pleiku thì nêu ý tưởng: “Có thể phục chế trang phục của các võ tướng thời Tây Sơn cho khách thuê mặc để chụp hình hoặc tái hiện lại những võ đường. Ở đó, người dân, nhất là thế hệ trẻ vừa có nơi luyện võ giữ gìn sức khỏe, vừa gìn giữ được những bài võ cổ truyền, hướng dẫn cho du khách trải nghiệm giúp họ cảm nhận được hào khí Tây Sơn cùng với truyền thống của một vùng đất thượng võ từ quá khứ tới hiện tại”.

Hình thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, xứng tầm với quần thể di tích quốc gia đặc biệt không thể thiếu sự liên kết giữa các địa phương. Vấn đề này được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo là tài sản chung của vùng đất phía Đông, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác quản lý, nghiên cứu nhằm bảo vệ và phát huy tốt nhất toàn bộ di tích. Tránh tình trạng di tích trên địa bàn nào thì địa phương đó đơn phương quản lý, tôn tạo, không có sự tương thích, hài hòa với những điểm di tích khác trong cùng quần thể.

“Để Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo được bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất, các huyện, thị xã cùng người dân trong khu vực di tích cần dành sự trân trọng và quan tâm nhiều hơn nữa. Các cấp, các ngành, nhất là ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch nghiên cứu đóng góp những ý tưởng, giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục khó khăn để quản lý, khai thác giá trị di tích một cách tốt nhất, đảm bảo các yếu tố gốc cấu thành di tích”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

HOÀNG NGỌC - NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm