Báo xuân

Những người... không có Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tết đến, khi mọi người, mọi nhà sum vầy bên mâm cơm đoàn viên thì trên những cung đường, các chiến sĩ Cảnh sát Giao thông (CSGT) lặng lẽ làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT, Công an tỉnh) khi các cán bộ, chiến sĩ đang họp bàn, lên phương án cho ca trực mới trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Lê Công Ngọc-Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1-cho biết: “Tết đến, xuân về là dịp để mọi người nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình. Nhưng với lực lượng CSGT, Tết lại là khoảng thời gian căng mình làm nhiệm vụ. Bởi dịp này, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao hơn ngày thường nên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gặp rất nhiều áp lực. Trong dịp Tết, đơn vị luôn phải duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ với 100% quân số để làm nhiệm vụ. Công việc rất vất vả nhưng chúng tôi cũng thấy ấm lòng và có động lực khi luôn nhận được sự động viên từ gia đình, đồng nghiệp”. Cũng vì nhiệm vụ thầm lặng ấy mà đã 19 mùa xuân, Thiếu tá Ngọc chưa có cái Tết nào sum họp trọn vẹn bên gia đình.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Lê Anh

Lực lượng CSGT Công an tỉnh ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Lê Anh

Thành phố Pleiku là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động lễ hội trong những ngày Tết đến, xuân về. Vào dịp Tết, lượng người đổ về các khu vui chơi, điểm đón Giao thừa rất đông nên công việc của lực lượng CSGT thành phố vất vả gấp bội phần. Nhiều năm công tác trong lực lượng CSGT, Trung tá Mẫn Đức Sơn-Phó Đội trưởng Đội CSGT-Trật tự (Công an TP. Pleiku) chia sẻ: Vào ngành bao nhiêu năm là bấy nhiêu thời gian anh không được đón Tết trọn vẹn bên gia đình. Đây cũng là hoàn cảnh chung của cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT. Những ngày Tết của các anh là trắng đêm ứng trực tại những điểm tổ chức lễ hội, các nút giao thông, rồi tuần tra trên các tuyến phụ trách cho đến khi mọi người, mọi nhà chìm sâu vào giấc ngủ mới trở về đơn vị. “Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ dù nhà ngay trung tâm thành phố nhưng đêm Giao thừa hay những ngày Tết đều phải ứng trực, không có thời gian để ghé thăm nhà. Thú thật, những thời khắc này, chúng tôi ai cũng muốn tranh thủ về bên gia đình, nhưng vì nhiệm vụ đành phải gạt đi những niềm riêng. Đôi khi nhìn thấy mọi người du xuân bên gia đình, người thân, chúng tôi cũng cảm thấy có chút chạnh lòng. Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, chúng tôi luôn vui vẻ, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Bởi chúng tôi luôn tâm niệm rằng, sự bình an, hạnh phúc của Nhân dân chính là niềm vui, hạnh phúc của mình”-Trung tá Sơn tâm sự.

Theo quy định của ngành Công an, từ 28 tháng Chạp, lực lượng CSGT đều phải trực 100% quân số. Tùy vào địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương, lực lượng CSGT các huyện, thị xã, thành phố đều phải chia ra đóng chốt tại các khu vực nhạy cảm, các nút giao thông và những điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Khi mọi người đang vui chơi trong niềm hạnh phúc ngập tràn của xuân mới thì các chiến sĩ CSGT căng mình ngăn chặn những người tham gia giao thông say ngất ngưởng hoặc phóng bạt mạng giữa đường, rồi bọn tội phạm lợi dụng thời điểm này để thực hiện các hành vi phạm tội.

Lực lượng CSGT các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đóng chốt tại các khu vực nhạy cảm, các nút giao thông và những điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết. Ảnh: Hữu Trường

Lực lượng CSGT các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đóng chốt tại các khu vực nhạy cảm, các nút giao thông và những điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết. Ảnh: Hữu Trường

15 năm công tác trong lực lượng CSGT là chừng ấy năm Thiếu tá Trương Thị Cẩm Dung-Đội trưởng Đội CSGT-Trật tự (Công an huyện Chư Păh) vắng nhà trong đêm Giao thừa. “Là phụ nữ, mỗi khi Tết đến, xuân về, ai cũng muốn được ở bên gia đình để làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người vợ. Thế nhưng, đối với những nữ CSGT chúng tôi, việc tưởng chừng như bình thường ấy cũng rất khó thực hiện được vì còn phải làm nhiệm vụ. Do vợ chồng tôi đều công tác trong ngành Công an nên việc sắm sửa để đón Tết đều làm đơn giản. Chuyện đón Tết, vui xuân của các con cũng đều phải nhờ ông bà và người thân”-Thiếu tá Dung tâm sự.

Có trực tiếp chứng kiến công việc của lực lượng CSGT trong những ngày Tết và nghe họ tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề mới cảm nhận được sự vất vả, đầy áp lực và không kém phần hiểm nguy. Hầu hết họ đều đón năm mới trên các tuyến đường. Nếu ai may mắn gia đình ở gần thì có thể tranh thủ ghé về nhà. Còn với những người công tác xa thì khi được về thăm nhà cũng là lúc vừa… hết Tết. Nhờ những hy sinh thầm lặng ấy mà trong những năm qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, góp phần mang lại bình yên cho người dân.

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng CSGT-chia sẻ: Những ngày Tết, Phòng CSGT huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân. “Đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng CSGT nói riêng thì việc được sum vầy, đón Tết bên cạnh gia đình, người thân là một điều rất khó. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng, chỉ mong ước hết sức giản dị là mọi nhà, mọi người được bình an. Người dân vui xuân, đón Tết an toàn, hạnh phúc là điều chúng tôi vui, tự hào. Đó cũng là động lực để chúng tôi quên đi những vất vả, nhọc nhằn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”-Thượng tá Quỳnh cho biết.

Có thể bạn quan tâm